'Làn sóng' chuyển dịch năng lượng trong ngành Dầu khí
Thời gian qua chứng kiến 'làn sóng' chuyển dịch năng lượng trong nhiều doanh nghiệp ngành Dầu khí Việt Nam. Đây được coi là một xu hướng tất yếu của ngành năng lượng thế giới, trong đó các doanh nghiệp năng lượng Việt Nam không đứng ngoài cuộc.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín với 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Minh chứng cho sự lớn mạnh của PVN có thể dẫn chứng con số này: Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của PVN là 954 nghìn tỷ đồng (tương đương 40,6 tỷ USD), nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất là 531 nghìn tỷ đồng (tương đương 22,6 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9,5% tổng thu ngân sách cả nước.
Không phủ nhận quy mô, vị trí và vai trò của PVN trong nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới luôn vận động, thay đổi, nếu PVN không sớm chuyển đổi theo xu thế thì việc PVN bị tụt lại phía sau là tất yếu.
“Nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã chuyển dịch sang đầu tư phát triển năng lượng xanh. Có những tập đoàn họ sẵn sàng dứt hẳn khỏi cách phát triển năng lượng truyền thống”, một lãnh đạo PVN chia sẻ với PLVN và rằng, đây là thời điểm tốt để Tập đoàn thực hiện chuyển dịch năng lượng.
“PVN đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của xu hướng chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu. Do đó, để tránh rơi vào tình trạng đánh mất vị thế, PVN cần phải có mục tiêu và chiến lược chuyển dịch phù hợp”, lãnh đạo PVN chia sẻ.
Theo quan sát của PLVN, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành Dầu khí Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch phát triển năng lượng theo hướng xanh, sạch một cách mạnh mẽ. Điển hình, từ định hướng chung của PVN, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) thời gian qua đã có những bước chuyển dịch lớn.
Mới đây, PV GAS đã khánh thành kho cảng chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Vũng Tàu, quy mô 1 triệu tấn/ năm giai đoạn 1 (sẽ nâng lên 3 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2). Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng.
Chuyến nhập khẩu LNG đầu tiên đã diễn ra hồi tháng 7 năm nay và được PV GAS tiếp nhận một cách an toàn tuyệt đối. LNG là dạng năng lượng khá sạch, giúp giảm lượng phát thải đáng kể so với việc sử dụng than đá hoặc một số loại khí nặng khác.
Dù việc nhập khẩu, kinh doanh LNG còn vướng một số thủ tục, đang chờ cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ vướng mắc về mặt cơ chế, nhưng sản xuất điện bằng năng lượng LNG được đánh giá là một xu thế tất yếu.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, điện khí LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Ngoài kho LNG tại Vũng Tàu, PV GAS đang cùng đối tác xây dựng kho cảng lớn LNG tại Sơn Mỹ (Bình Thuận), quy mô 3,6 triệu tấn/năm trong giai đoạn 1 và dự định nâng lên 6 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2.
Ngoài ra, theo kế hoạch của PV GAS, đơn vị này sẽ xây dựng thêm hai kho cảng lớn nữa, 1 ở khu vực Bắc miền Trung, 1 ở khu vực phía Bắc. “Với 4 kho cảng lớn này, PV GAS đủ cung cấp cho khắp các nhà máy điện chạy LNG trải dài khắp đất nước”, đại diện PV GAS cho biết.
Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, PVN và các đơn vị thành viên liên quan đang xây dựng hàng loạt dự án nhà máy điện chạy bằng LNG. Điển hình, hai nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đang được Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER) triển khai tích cực.
Dự kiến, đến quý IV/2024, nhà máy Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện thương mại và đến quý II/2025 nhà máy Nhơn Trạch 4 cũng phát điện thương mại. Tổng Công suất hai nhà máy này là 1.500 MW với vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
Điều đáng nói, nguồn LNG cung cấp cho hai nhà máy điện này được đấu nối từ kho LNG Thị Vải của PV GAS. “Hệ thống đường ống đã xây dựng xong, chỉ cần nhà máy hoàn thành là có LNG cung cấp cho nhà máy”, ông Lê Như Linh, Tổng Giám đốc PV POWER nói với phóng viên PLVN.
Một doanh nghiệp khác đang “chuyển mình” mạnh mẽ với năng lượng xanh trong ngành Dầu khí Việt Nam là Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Hiện doanh nghiệp này là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Bộ tài nguyên Môi trường cấp phép quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ dự án điện gió ngoài khơi. Đáng chú ý, mới đây, PTSC đã ký kết hợp tác với đơn vị tại Singapore để xuất khẩu 1,2GW điện gió ngoài khơi qua nước này.
Theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc PTSC, hiện đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ, tích cực với phía đối tác Singapore để hiện thực hóa các cam kết. “Phía Singapore đang rất quan tâm đến việc hợp tác này. Họ liên lạc với chúng tôi từng tuần, từng tháng. Singapore cần điện, nhất là điện sạch, còn PTSC có nhiều lợi thế để cung cấp điện gió ngoài khơi cho Singapore”, ông Cường chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện PTSC đang thực hiện khoảng 3 dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài, trong vai trò là nhà thầu. Công việc chính của PTSC trong các dự án này là xây lắp các chân cột điện gió ngoài khơi. Theo quan sát của phóng viên PLVN, hiện công trường xây lắp của PTSC tại xưởng ở Vũng Tàu đang rất nhộn nhịp công việc để kịp tiến độ đã ký kết với đối tác.
Theo Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường, nước ta có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á, khoảng 599 GW. “PTSC cùng với sự hỗ trợ của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam có đủ năng lực, nhân lực, kinh nghiệm để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam”, ông Cường khẳng định và đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành hành lang pháp lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi nhằm cụ thể hóa Quy hoạch điện VIII đã đề ra.