Lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa Cor

Huyện Trà Bồng đã thành lập 17 đội văn nghệ truyền thống ở các thôn. Trong đó, đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2, xã Trà Sơn là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Cor.

Cồng chiêng dân tộc Cor đã được Bộ VH - TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019. Gìn giữ giá trị truyền thống, đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2, xã Trà Sơn (Trà Bồng) đã tích cực biểu diễn ở khắp trong và ngoài tỉnh, thu hút được sự chú ý của người dân và du khách.

Một trong những thành viên gạo cội của đội văn nghệ là nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên (65 tuổi). Dáng người nhỏ con, ít nói nhưng khi đánh chiêng ông Biên lại toát lên thần thái linh hoạt, khỏe khoắn. Hằng năm, cứ đến ngày lễ, ngày Tết ngã rạ, đồng bào Cor lại diễn tấu cồng chiêng. Gắn bó với cồng chiêng từ thuở nhỏ, hàng chục năm nay, ông Biên luôn có mặt ở các lễ hội của làng.

Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên đã gắn bó với nghệ thuật cồng chiêng hàng chục năm nay.

Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên đã gắn bó với nghệ thuật cồng chiêng hàng chục năm nay.

“Từ khi tham gia vào đội văn nghệ của huyện Trà Bồng vào năm 1983 đến nay, tôi có cơ hội trình diễn, giao lưu, giới thiệu với khán giả về nét sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Đó là niềm tự hào của tôi khi được giới thiệu bản sắc độc đáo của người Cor đến trong nước và thế giới”, ông Biên nói.

Nghệ nhân Hồ Văn Biên đã nhiều lần trình diễn tiết mục tấu chiêng, đấu chiêng và đã đạt được nhiều giải thưởng như: Huy chương Bạc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghĩa Bình lần thứ III - năm 1985, Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật “Gặp gỡ Cao Nguyên” - năm 1994 tại Gia Lai; Giải Biểu diễn nhạc cụ dân tộc xuất sắc tại Liên hoan Nghệ thuật và Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam - năm 1996 tại Hà Nội...

Tiết mục đấu chiêng của nghệ nhân Hồ Văn Biên và các thành viên đội văn nghệ.

Tiết mục đấu chiêng của nghệ nhân Hồ Văn Biên và các thành viên đội văn nghệ.

Nghệ nhân Biên cùng với các nghệ nhân ở địa phương đang ra sức truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho lớp trẻ. Nhờ thế mà nam, nữ thanh niên ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn ai cũng biết đánh chiêng, múa cà đáo và nơi đây được chọn là “hạt nhân” của nghệ thuật văn hóa cồng chiêng đồng bào Cor.

Các làn điệu dân ca phổ biến của dân tộc Cor như: Agiới, Alát, Xàlu, Alía hay các bài thực hành tạ ơn thần linh, gọi hồn trâu bò heo gà… được rất nhiều người trẻ học theo và ghi nhớ để biểu diễn khi có lễ hội và phục vụ du khách đến tham quan. Anh Hồ Văn Huy, thành viên của đội văn nghệ chia sẻ, chúng tôi biểu diễn với lòng nhiệt huyết, nỗ lực gìn giữ văn hóa dân tộc. Sự chào đón nồng nhiệt của du khách là niềm vui, là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục phát huy bản sắc của đồng bào mình.

Phụ nữ Cor uyển chuyển cùng nhịp chiêng lúc trầm, lúc bổng trong điệu múa cà đáo.

Phụ nữ Cor uyển chuyển cùng nhịp chiêng lúc trầm, lúc bổng trong điệu múa cà đáo.

Đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2 có hơn 20 thành viên, đã biểu diễn nhiều tiết mục gây ấn tượng mạnh đến người xem. Hòa vào điệu múa cà đáo, phụ nữ Cor đưa lên rồi cả thân người nhẹ nhàng nghiêng về bên trái theo tiếng chiêng vang. Sau đó, lại nghiêng về bên phải theo tiếng chiêng dập. Phụ nữ Cor với đôi chân nhịp nhàng, thân hình uyển chuyển, linh hoạt theo điệu chiêng lúc trầm, lúc bổng.

Chị Hồ Thị Mẫn (33 tuổi), là thành viên của đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2 chia sẻ, tôi rất vui khi được tham gia đội văn nghệ, được múa, hát những bài hát mà mình yêu thích. Hầu như người phụ nữ Cor nào cũng biết múa cà đáo, cầu mong được nhận những gì tốt đẹp từ thiên nhiên, núi rừng đại ngàn.

Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor đang được các đội văn nghệ truyền thống ở huyện Trà Bồng gìn giữ và phát huy giá trị.

Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor đang được các đội văn nghệ truyền thống ở huyện Trà Bồng gìn giữ và phát huy giá trị.

Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Trà Bồng Hồ Thanh Sơn cho biết, đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2, xã Trà Sơn thường xuyên biểu diễn vào những ngày lễ, Tết cùng với câu lạc bộ, đội văn nghệ ở huyện. Đồng thời, tích cực tham gia công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân dưới hình thức sân khấu hóa.

Các đội văn nghệ truyền thống ở huyện Trà Bồng đã tích cực tham dự các sự kiện trong và ngoài tỉnh tổ chức, nhằm quảng bá hình ảnh về văn hóa truyền thống dân tộc và con người Trà Bồng. Qua đó, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đã được nhiều người biết đến và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Bài, ảnh: KHẢ NHIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202407/lan-toa-gia-tri-ban-sac-van-hoa-cor-6482aa6/