Lan tỏa giá trị của thảo dược quý của người Dao đỏ

Với quyết tâm tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường đồng thời giúp người dân phát triển sản xuất, HTX Mông Cát Cát (San Sả Hồ, Sa Pa, Lào Cai) đã chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị.

Sản phẩm tinh dầu của HTX Cát Cát

Sản phẩm tinh dầu của HTX Cát Cát

Khi đến HTX Cát Cát, cảm nhận đầu tiên chính là sự gần gũi với thiên nhiên, mang đậm chất truyền thống của người Mông. Dường như ở bất cứ nơi nào trong HTX cũng phảng phất hương thơm của các loại thảo dược. Từ lối đi, tủ đựng các sản phẩm đến bếp, sân, khu vực sản xuất... đều có các loại cây dược liệu địa phương.

Đẹp từ chất lượng…

Với lợi thế là vùng đất du lịch cùng sự ban tặng của thiên nhiên về vùng dược liệu, các thành viên HTX-đều là đoàn viên thanh niên đã chọn hướng đi là sản xuất các loại tinh dầu từ cây Chùa dù, Màng tang làm sản phẩm du lịch và giúp người dân nâng cao thu nhập.

Cây Màng tang, Chùa dù và các loại thảo dược quý trong bài thuốc tắm của người Dao đỏ vừa có dược tính tốt, vừa có giá trị kinh tế cao, giúp chữa bệnh, làm đẹp. Nguyên liệu dễ tìm lại rất dồi dào nên các thành viên nghĩ ngay đến việc làm ra tinh dầu dược liệu. "Trên thị trường có rất nhiều loại tinh dầu khác như sả, quế, hoa hồng… nhưng chưa đa dạng về cây, cỏ dược liệu. Nếu đầu tư vào sản phẩm này, mọi người tin sẽ thành công", anh Má A Nủ, Giám đốc HTX, chia sẻ.

Ban đầu, HTX làm việc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, sau khi được huyện đoàn và địa phương hỗ trợ, HTX đã đầu tư thiết bị hiện đại trị giá 300 triệu đồng giúp việc chiết xuất tinh dầu đạt chất lượng và tiện lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, cuộc thi sở hữu trí tuệ cũng được HTX đẩy mạnh. Bao bì, mẫu mã sản phẩm được thiết kế bắt mắt, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mông và thân thiện với môi trường.

Trong quá trình phát triển, HTX tiếp tục nghiên cứu nhiều loại thảo dược của địa phương để đưa ra các sản phẩm mới. Đến nay, HTX có 3 nhóm sản phẩm chính là tinh dầu thiên nhiên các loại, muối ngâm chân thảo dược, xà phòng tự nhiên. Để đảm bảo chất lượng cũng như chủ động nguyên liệu, HTX đã kết hợp trồng 2 ha cây dược liệu.

Hiện nay, thị trường các sản phẩm dược liệu của HTX đã từng bước được mở rộng ra một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Riêng ở thị trấn Sa Pa, HTX đã liến kết và mở được 3 điểm bán hàng. Trung bình mỗi năm, HTX đưa ra thị trường 100 lít tinh dầu, 3 tấn muối ngâm chân thảo dược, 3 tấn xà phòng. Thu nhập trung bình của thành viên trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Đến mẫu mã, bao bì

Để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, hiện nay, sản phẩm của HTX Cát Cát được đầu tư kỹ lưỡng về bao bì, mẫu mã theo xu hướng hạn chế túi nilon. Các sản phẩm được đóng gói trong bao bì bằng giấy tái chế kraft với những họa tiết về hoa lá đặc trưng của Sa Pa và mô phỏng hoa văn độc đáo trên váy áo thổ cẩm của người Mông.

HTX chú trọng sử dụng vỏ hộp từ giấy kraft nhằm góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh:TL)

HTX chú trọng sử dụng vỏ hộp từ giấy kraft nhằm góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh:TL)

“Hiện nay, bảo vệ môi trường không những phải hạn chế sử dụng nilon, trồng nhiều cây xanh mà việc sử dụng nguyên liệu tái chế là một giải pháp tốt với ưu điểm về giá thành rẻ, tận dụng được nguồn nguuyên liệu tái chế có sẵn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, khẳng định giá trị sản phảm của HTX”,Giám đốc Má A Nủ chia sẻ.

Để làm nổi bật giá trị sản phẩm, trên các vỏ hộp đều có chữ “Gùi”, ý chỉ đây là bản sắc của người miền núi nói chung và người Mông nói riêng. Từ khi sinh ra cho tới khi lớn lên, người Mông rất gắn bó với chiếc gùi. Màu nền chính của sản phẩm là màu chàm. Đây là màu đặc trưng nhất để phân biệt người Mông đen với các nhánh người Mông khác. Màu chàm này còn được gọi là màu “indigo”, được khách nước ngoài rất ưa chuộng. HTX hy vọng không chỉ chất lượng bên trong mà ngay ở bao bì sản phẩm cũng để lại dấu ấn riêng đối với người tiêu dùng.

Ngoài ra, với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Sa Pa, HTX cũng thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng, trích 5% giá trị mỗi sản phẩm bán ra góp vào quỹ để hỗ trợ những hoàn cảnh trẻ em khó khăn trên địa bàn, đồng thời mở các lớp dạy chiết xuất dược liệu cho trẻ em.

HTX cũng mở thêm dịch vụ homestay vừa để kinh doanh, vừa có điều kiện giới thiệu và phân phối sản phẩm đến tận tay các đối tượng tiêu dùng là khách du lịch. Các thành viên HTX mong muốn thời gian tới có thể mở rộng sản xuất để tạo thêm việc làm cho người dân địa phương cũng như lan toản mô hình sản xuất xanh, bền vững đến mọi người.

Mô hình sản xuất của HTX đã được địa phương đánh giá cao khi góp phần bảo tồn các loại dược liệu quý của địa phương, cũng như tạo việc làm cho đoàn viên và người dân thông qua việc sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lan-toa-gia-tri-cua-thao-duoc-quy-cua-nguoi-dao-do-1069742.html