Lan tỏa hào khí Anh hùng cách mạng

Bảy mươi năm đã qua, song những ký ức hào hùng về chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952- 17/11/2022) vẫn vẹn nguyên và là niềm tự hào bất diệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Ninh. Qua thời gian, âm hưởng chiến thắng mang đậm dấu ấn hào khí anh hùng cách mạng ngày càng lan tỏa sâu rộng, tạo động lực mạnh mẽ, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây nỗ lực vượt khó, chung sức đồng lòng dựng xây quê hương Đất Tổ trù phú, thanh bình…

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản.

Mốc son lịch sử

Có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, Phú Thọ là địa bàn bị địch tập trung lực lượng chiếm đóng. Tuy nhiên, là vùng đất cổ giàu truyền thống cách mạng, bất khuất trước các thế lực ngoại xâm bạo ngược, trong vòng kìm kẹp của giặc, cùng với các tỉnh khác trong liên khu Việt Bắc, Phú Thọ luôn giữ vững vai trò căn cứ địa cung cấp nhân tài, vật lực với số lượng lớn cho các chiến dịch. Vì vậy, Thực dân Pháp đã nhiều lần tấn công ra vùng tự do của tỉnh nhằm phá hoại hậu phương kháng chiến.

Cuối năm 1952, trong lúc quân ta đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, được Đế quốc Mỹ hà hơi tiếp sức, quân Pháp vội vã tăng cường lực lượng để củng cố phòng thủ khu vực Sơn La, Lai Châu, đồng thời mở cuộc hành quân Lo-ren với binh lực lớn đánh lên Phú Thọ, nhằm phân tán chủ lực ta, quấy rối và phá hoại hậu phương trực tiếp của chiến dịch, hy vọng cứu vãn tình thế hết sức nguy kịch của chúng ở Tây Bắc. Phán đoán được âm mưu của Thực dân Pháp, ngay từ tháng 9/1952, Tổng Quân ủy đã ra Chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú Thọ nêu rõ: “Trong khi chủ lực ta đánh mạnh trên các chiến trường chính thì địch sẽ đối phó bằng cách tấn công ra Phú Thọ để kiềm chế, chia sẻ lực lượng ta, đồng thời phá hoại kinh tế, kho tàng, mùa màng của ta, khủng bố nhân dân, bắt thanh niên đi lính. Tóm lại, chúng nhằm phá hoại nguồn cung cấp nhân, vật lực của ta, gây khó khăn cho tiền tuyến. Vì vậy, nhiệm vụ của Đảng bộ và các lực lượng vũ trang là phải tích cực đánh địch bằng mọi cách để bảo vệ kho tàng, mùa màng, bảo vệ nhân dân”.

Đúng như phán đoán của ta, ngày 28/10/1952, Bộ chỉ huy Pháp bắt đầu mở cuộc hành quân Lo-ren do tướng De Linares - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ trực tiếp chỉ huy. Chúng huy động lực lượng lớn khoảng ba vạn quân tinh nhuệ, gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn xung kích, bốn tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn cơ giới, bảy đại đội công binh, chia thành hai mũi, một mũi tiến sâu lên Đoan Hùng, một mũi ồ ạt đánh vào khu vực hữu ngạn sông Thao, càn quét các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, chiếm đường 11. Đối đầu với quân địch có lực lượng lớn, thủ đoạn thâm độc, các lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Thọ đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy nhiều mũi tiến công của địch.

Ngày 09/11/1952, Bộ Tổng tư lệnh điều Trung đoàn Bắc - Bắc (Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn Quân tiên phong 308) từ chiến trường Tây Bắc về Phú Thọ, cùng quân và dân địa phương chặn đánh địch. Trên cơ sở phân tích tình hình, Ban Chỉ huy mặt trận Phú Thọ cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn Bắc - Bắc quyết định tổ chức trận phục kích táo bạo trên quốc lộ 2, đoạn Chân Mộng - Trạm Thản, thuộc địa phận giáp ranh giữa ba huyện Đoan Hùng, Phù Ninh và Thanh Ba. Được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của nhân dân địa phương, các đơn vị bộ đội chủ lực đã lần lượt chiếm lĩnh trận địa mai phục hai bên sườn đồi theo đúng kế hoạch đã định.

Sáng 17/11/1952, đội hình hành quân của địch đã lọt vào trận phục kích của ta. Các chiến sỹ Trung đoàn 36 và lực lượng vũ trang địa phương anh dũng tập trung hỏa lực tấn công cắt đôi đoàn xe địch. Số đi đầu thoát chết, hoảng loạn chạy thẳng về Phú Hộ. Số còn lại nằm gọn trong tầm hỏa lực của ta. Máy bay địch quần thảo, gầm rú nhưng chỉ dám bắn xa đường vì sợ bắn nhầm vào quân của chúng. Với phương châm đánh nhanh, diệt gọn, chỉ trong một ngày chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 400 tên địch, phá hủy 44 xe cơ giới, trong đó có 17 xe tăng, xe bọc thép, thu nhiều quân trang, quân dụng của địch. Đây là trận đánh phá hủy được nhiều xe cơ giới nhất ở Đông Dương kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến. Sau chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, lực lượng của ta được củng cố, tiếp tục tiến theo Quốc lộ 2 truy đuổi địch ở vùng Phú Hộ, núi Voi, núi Chò, núi Quyết,… tiêu diệt 180 tên địch, bắt sống 76 tên, đưa tổng số quân địch bị tiêu diệt và bị bắt lên đến hơn 600 tên. Bị thiệt hại nặng nề, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh cho tướng De Linares kết thúc cuộc hành quân Lo-ren, rút lực lượng về đối phó với mặt trận đồng bằng và Tây Bắc.

Chiến thắng Chân Mộng- Trạm Thản đã đi vào lịch sử oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lịch sử Đại đoàn Quân tiên phong nói riêng, trong đó có sự đóng góp tích cực của quân và dân Phú Thọ. Phá vỡ âm mưu tìm diệt chủ lực và phá hoại hậu phương kháng chiến của thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Tây Bắc, đánh dấu sự phát triển, thế chủ động chiến lược, tiến tới giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.

Thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh) ngày càng phát triển sầm uất.

Bản hùng ca ngày mới

Phù Ninh là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, trải qua hàng nghìn năm thăng trầm đã lắng đọng nên những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Những chiến công thể hiện truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân Phù Ninh trong công cuộc kháng chiến kiến quốc là niềm tự hào, động lực mạnh mẽ đã và đang tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện nỗ lực thi đua, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Sau nhiều lần sáp nhập rồi chia tách, năm 1999, huyện Phù Ninh chính thức được tái lập. Kế thừa truyền thống cách mạng với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, Phù Ninh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội. Các lĩnh vực kinh tế đều có bước phát triển, quy mô được mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp- thương mại dịch vụ (hơn 80%); tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm xuống dưới 20%...

Những năm gần đây, Phù Ninh đã nỗ lực tận dụng thời cơ, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo sự đột phá về kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Huyện thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, huy động lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước, hạ tầng văn hóa - xã hội, hạ tầng các cụm công nghiệp; tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả các dự án của Trung ương, của tỉnh đầu tư trên địa bàn.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm mì gói của Công ty TNHH Paldo Vina (Hàn Quốc), Cụm công nghiệp Đồng Lạng, huyện Phù Ninh.

Chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, ưu tiên các ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Huyện ủy, UBND huyện tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp; tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, duy trì, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống và nhân cấy nghề mới. Giá trị tăng thêm ngành CN - TTCN của huyện bình quân hàng năm ổn định trên 10%. Hoạt động thương mại dịch vụ được duy trì ổn định; công tác quản lý thị trường, xúc tiến thương mại được tăng cường. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ được đầu tư mở rộng và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Các dịch vụ tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân... Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chú trọng tập trung triển khai. Đến nay, Phù Ninh đã có sáu sản phẩm được tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP: Hồng không hạt Gia Thanh, Mật ong King’s Honey, Cá thính Tử Đà, Chè Ô long Đức Tỵ, Gà thảo mộc nướng lu, Gà thảo mộc hoa cúc - trà xanh. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai quyết liệt, có trọng tâm, theo thứ tự ưu tiên. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, huyện có 14/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã Liên Hoa và Phù Ninh đang xây dựng và hoàn thiện hồ sơ xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022; chỉ đạo xây dựng hai xã Tiên Phú, Trung Giáp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; phấn đấu đến năm 2025 Phù Ninh cơ bản đạt huyện nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ và đạt kết quả tích cực. Công tác y tế, giáo dục được quan tâm toàn diện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, an sinh xã hội được đảm bảo. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Nhanh chóng khắc phục hậu quả ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện đã đạt 9.301,7 tỉ đồng (bằng 66,4% kế hoạch, bằng 114,6% so cùng kỳ); tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 1.255 tỉ đồng (bằng 76,6% kế hoạch (bằng 104% so với cùng kỳ); thu ngân sách Nhà nước ước đạt 512,7 tỷ đồng (bằng 128% dự toán giao), trong đó thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 286,2 tỉ đồng (bằng 185% dự toán giao); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,75%. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện đặc biệt chú trọng. Trong đó, tập trung chỉ đạo toàn diện, gắn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới, tập trung hướng về cơ sở…

Những thành tựu đáng tự hào đã đạt được trong suốt những năm qua là tiền đề vững chắc, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phù Ninh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Ninh lần thứ XXIX, đưa Phù Ninh sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Thị Tố Uyên

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phù Ninh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/lan-toa-hao-khi-anh-hung-cach-mang/188591.htm