Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường trong vùng đồng bào DTTS Ka Ming

Tổ dân phố Ka Ming (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) có gần 99% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên, thời gian qua, người dân nơi đây đã đồng thuận hiến đất mở rộng những con đường, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tuyến đường ở tổ dân phố Ka Ming được mở rộng từ sự đồng thuận hiến đất làm đường của người dân

Các tuyến đường ở tổ dân phố Ka Ming được mở rộng từ sự đồng thuận hiến đất làm đường của người dân

NHỮNG CON ĐƯỜNG RỘNG MỞ

Đến tổ dân phố Ka Ming hôm nay, những tuyến đường nhựa, đường bê tông rộng thênh thang vào từng khu dân cư hay dẫn đến khu vực sản xuất thay cho con đường nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy trước đây. Bộ mặt tổ dân phố có được sự “thay da đổi thịt” này phần lớn nhờ đồng bào K’Ho nơi đây chung tay góp sức, hiến đất làm đường, trong đó phải kể đến những cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước.

Ông K’Sôm - Tổ trưởng tổ dân phố Ka Ming là người đầu tiên hiến đất để mở rộng đường giao thông. Riêng gia đình ông đã hiến 300 m2 đất, nhà ông ở ngay mặt đường nên cũng tự nguyện tháo dỡ mái hiên, tường rào để mở rộng mặt bằng làm đường. Ông K’Sôm cho hay: “Ban đầu, vận động người dân hiến đất, tháo dỡ nhà, vật kiến trúc trên đất… để làm đường cũng tương đối khó khăn. Với đặc thù đường đi qua khu vực nhà dân và đất canh tác với tổng diện tích vận động Nhân dân phải hiến lên tới trên 20.000 m2, nhiều hộ phải tháo dỡ một phần nhà ở. Vì vậy mình và cán bộ, đảng viên trong tổ dân phố nêu gương đi đầu để bà con noi theo mà đồng thuận hiến đất. Đồng thời, tổ dân phố đã thành lập Ban vận động cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền cho Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc hiến đất làm đường giao thông”.

Với sự vào cuộc tích cực của Ban vận động cùng các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở tổ dân phố Ka Ming và sự tiên phong của cán bộ, đảng viên, 3 tuyến đường trên địa bàn đã được mở rộng từ sự tự nguyện, đồng thuận hiến đất, tháo dỡ nhà, vật kiến trúc, cây trồng… của người dân. Với chiều dài các tuyến đường đi qua tổ dân phố hơn 4,4 km, gồm đường Mọ Kọ nối dài (đường nội thị), đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Di Linh và đường đi vào khu vực sản xuất của người dân, mặt tuyến đường nhỏ nhất là 5 m, lớn nhất là 13 m chưa kể hành lang, lề đường. Hộ ít nhất cũng hiến vài chục mét, có hộ hiến lên đến hàng trăm mét, tiêu biểu như gia đình bà Ka Dốp diện tích đất hiến lên tới 700 m2. “Đất này là của cha mẹ mình để lại, khi Nhà nước có chủ trương làm đường, mình đã hiến đất để mở rộng đường cho bà con cùng đi. Bởi mình nghĩ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho dân, làm đường thì cũng phục vụ cho người dân, cũng như cho mình và con cháu mình đi lại thuận lợi…”, bà Ka Dốp chia sẻ. Nhiều hộ trong tổ đã sẵn sàng tháo dỡ một phần nhà, mái hiên, cổng, hàng rào, sân bê tông kiên cố… với tổng trị giá tài sản hàng chục tỷ đồng. Bởi cũng như bà Ka Dốp, người dân nơi đây hiểu rằng làm đường thì họ sẽ hưởng lợi trước tiên, đời sống cũng ngày càng phát triển.

XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA

Theo Bí thư Chi bộ tổ dân phố Ka Ming Dong Dor Sinh, không chỉ hiến đất làm đường, người dân trong tổ còn đóng góp hơn 350 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, cùng với đó đóng góp hàng chục ngày công lao động để làm sân, khuôn viên… Với hầu hết đồng bào DTTS, nhưng người dân nơi đây luôn ý thức thực hiện nếp sống văn minh, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp. Nhiều năm nay, trên địa bàn không có tình trạng thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đa số đều là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, các cặp vợ chồng tổ chức đám cưới dần theo xu thế tiến bộ chung của thời đại hiện nay.

Bên cạnh đó, người dân tổ dân phố Ka Ming cũng luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Năm 2022, tổ dân phố thành lập đội cồng chiêng, múa xoang với 20 người có kinh nghiệm, thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các chương trình giao lưu của huyện, thị trấn và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Người dân cũng tích cực tham gia xây dựng đường cờ Tổ quốc với 33 trụ trên các tuyến đường của tổ nhằm giáo dục lòng yêu nước và góp phần vào việc xây dựng đô thị văn minh. Hiện nay, trên 90% hộ gia đình trong tổ có nhà xây kiên cố, bán kiên cố; 100% hộ gia đình có nước sạch; trên 80% cụm dân cư có đèn chiếu sáng công cộng; 100% hộ gia đình có xe máy, có nhiều hộ có ô tô; 75% hộ gia đình có nông cụ sản xuất; 100% hộ có phương tiện nghe, nhìn và nối mạng internet… Năm 2000, thôn Ka Ming (khi đó thuộc xã Gung Ré, đến năm 2014, thôn sáp nhập về thị trấn Di Linh trở thành tổ dân phố Ka Ming) được công nhận là thôn văn hóa đầu tiên của huyện Di Linh, đến nay vẫn giữ vững danh hiệu văn hóa. Năm 2021 được MTTQ Việt Nam tỉnh công nhận Khu dân cư kiểu mẫu.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Di Linh Phan Hồng Vinh cho biết: “Tổ dân phố Ka Ming với hầu hết dân cư là đồng bào DTTS nhưng thường xuyên đi đầu trong nhiều hoạt động của địa phương, đặc biệt là phong trào hiến đất làm đường giao thông. Nhân dân trong tổ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202408/lan-toa-phong-trao-hien-dat-lam-duong-trong-vung-dong-bao-dtts-ka-ming-3b63360/