Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' đã được các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh tích cực triển khai, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương.

Nông dân xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) với mô hình trồng dứa.
Hằng năm, HND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn, xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ nguồn vốn để nông dân phát triển kinh tế. Đến nay, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân đạt gần 70 tỷ đồng cho hơn 12.687 hội viên vay vốn. Các cấp HND trong tỉnh cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các ngân hàng, tín chấp và nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Thanh Hóa cho nông dân vay vốn để phát triển SXKD với tốc độ tăng trưởng cao. Tổng số dư nợ đến tháng 5/2025 của các ngân hàng trên đạt hơn 18.000 tỷ đồng với 5.225 tổ vay vốn và 175.600 thành viên dư nợ.
Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân và nguồn vốn nhận ủy thác, tín chấp với các ngân hàng cho thành viên vay vốn đã xây dựng được hàng chục nghìn mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Qua đó, các cấp hội đã vận động các hộ nông dân SXKD giỏi tạo việc làm tại chỗ cho 1.193.872 lượt lao động, trong đó có 998.700 lượt lao động có việc làm thường xuyên, 195.172 lượt lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 40.270 lượt hộ nông dân, giúp 89.024 hộ nông dân thoát nghèo.
Hưởng ứng phong trào phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên, nông dân, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các tổ hợp tác nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD. Phong trào đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của tỉnh. Khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu, góp phần giữ vững an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu nông sản hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trong nông thôn; giữ vững ổn định chính trị nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc XDNTM. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân xuất sắc, tiêu biểu đi đầu trong lao động sản xuất, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng với việc tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư mở rộng phát triển SXKD, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, công nghệ, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất. Mua sắm máy móc, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ vào sản xuất để xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp đô thị có thể nhân rộng. Khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, giá trị kinh tế và thu nhập.
Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã mạnh dạn đầu tư và thành lập các doanh nghiệp hoặc các tổ hợp tác, HTX, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh, HTX chăn nuôi gà Minh Nguyệt, HTX chăn nuôi dê Cao Ngọc (Ngọc Lặc); HTX trồng mía tím xã Thành Trực (Thạch Thành); HTX nuôi trồng thủy sản xã Thiệu Long (Thiệu Hóa)... Nhiều hộ gia đình phát triển thành doanh nghiệp như: Gia đình ông Lê Văn Thẩn, xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) đã thành lập công ty với dây chuyền xay xát lúa gạo hiện đại; gia đình ông Nguyễn Văn Tú, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh; gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) đã liên kết các hộ gia đình của xứ đạo Ba Làng thành lập Hiệp Hội nước mắm Do Xuyên - Ba Làng...
Hiện nay, HND tỉnh tiếp tục tổ chức đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với thực hiện các nội dung về chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội. Tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân cả về phương thức sản xuất và định hướng ngành nghề; hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất thông qua việc hướng dẫn xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX để sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị. Hoạt động hội hướng mạnh hơn nữa về cơ sở, gắn bó sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư và nguyện vọng của hội viên, nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Giúp hội viên chủ động, tự tin hơn trong lao động, sản xuất, nhân rộng các điển hình, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, XDNTM.