Rủi ro suy thoái vẫn còn ám ảnh vì thuế quan của Mỹ
Rủi ro suy thoái toàn cầu đã tăng vọt trở lại trong danh sách những lo ngại của thị trường, cho dù các dữ liệu kinh tế và các chỉ số tài chính quan trọng không còn rõ ràng như ban đầu.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng hầu hết các mức thuế quan đối ứng trong 90 ngày để đàm phán đã làm dịu đi nỗi lo sợ tồi tệ nhất của các nhà đầu tư, nhưng niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng được dự bào chưa thể phục hồi và điều đó có thể sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế thực.
“Rủi ro suy thoái đã tăng đáng kể ngay cả khi có một số thỏa thuận về thuế quan”, Guy Miller - Chiến lược gia thị trường trưởng tại Zurich Insurance Group cho biết. “Rủi ro suy thoái ở Mỹ là 50-50, gần như vậy”.
Sau đây là những gì mà một số chỉ số kinh tế phản ánh về rủi ro suy thoái toàn cầu.
Dữ liệu kinh tế cứng và mềm
Sự khác biệt giữa các dữ liệu kinh tế mềm (ví dụ như chỉ số tâm lý và dữ liệu kinh tế cứng (ví dụ như số liệu việc làm) đã khiến việc giải mã rủi ro suy thoái trở nên khó khăn. Chẳng hạn số liệu việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất mạnh, thế nhưng sự suy giảm kinh tế trong quý đầu tiên tại Mỹ và sự mở rộng ở khu vực đồng euro đều được giải thích là do các công ty “chạy trước” các mức thuế quan.
Trong khi đó, các chỉ số niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã xấu đi, một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng yếu hơn sẽ sớm xuất hiện. Cụ thể niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm vào tháng 4. Trong khi chi tiêu của người tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng khi nó chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Mỹ.
Chiến lược gia Miller của Zurich cho biết ông đang theo dõi các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần ban đầu là chỉ báo kịp thời nhất về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ.

Chỉ số bất ngờ kinh tế của Citi ghi nhận liệu dữ liệu có vượt qua kỳ vọng của thị trường hay không (Nguồn: Reuters)
Còn tại khu vực đồng tiền chung euro, mặc dù chỉ số tinh thần của nhà đầu tư trong khu vực đã phục hồi sau khi lao dốc vào tháng 4, nhưng vẫn ở mức tiêu cực.
Sự thay đổi suy nghĩ của các nhà kinh tế
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà kinh tế không thể tránh khỏi việc cắt giảm dự báo tăng trưởng. Theo đó, các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho biết, rủi ro cao là suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay, mặc dù chỉ ba tháng trước đó họ đã dự báo tăng trưởng mạnh.
Barclays cho rằng bức tranh toàn cảnh là sự suy giảm kinh tế toàn cầu, kết hợp với suy thoái nhẹ ở Mỹ và khu vực đồng euro.
Tuy nhiên các nhà kinh tế cho biết, suy thoái không phải là kịch bản tất yếu sẽ xảy ra bởi nếu Mỹ có thể đạt được các thỏa thuận thương mại sớm hoặc thực hiện cắt giảm thuế, rủi ro sẽ giảm. Trong khi nền kinh tế khu vực đồng euro có khả năng sẽ được hỗ trợ bằng lãi suất thấp hơn và kích thích tài khóa.
“Chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi do tiền lương cao hơn và các NHTW ôn hòa hơn dự kiến, ít nhất là ở khu vực đồng euro, là những yếu tố chính giúp tránh được suy thoái sâu”, Chuyên gia kinh tế Ruben Segura-Cayuela của BofA cho biết.
Giá hàng hóa giảm mạnh
Tín hiệu từ thị trường hàng hóa cũng chỉ ra sự suy giảm mạnh của kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá dầu đã giảm khoảng 16% trong năm nay xuống còn khoảng 60 USD/thùng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, năm 2025 sẽ là năm tồi tệ nhất đối với dầu thô kể từ cuộc khủng hoảng Covid năm 2020.
Mặc dù giá dầu giảm một phần do nguồn cung nhiều hơn từ OPEC, nhưng các nhà phân tích cho biết, nó cũng phù hợp với bức tranh chung về nhu cầu yếu hơn khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Trong khi đó giá đồng, một là chỉ báo đáng tin cậy về tăng trưởng - suy thoái, mặc dù đã phục hồi sau mức thấp nhất trong khoảng một năm đạt được vào đầu tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh điểm vào tháng 3. Hiện Citi đang tỏ ra bi quan đối với kim loại này trong 3 đến 6 tháng tới vì hoạt động sản xuất và tiêu thụ đồng vật chất chậm lại do thuế quan của Mỹ, đặc biệt là mức thuế 145% đối với trung tâm sản xuất Trung Quốc.

Giá dầu thô Brent
Thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu chính phủ cũng phản ánh mối lo ngại về tăng trưởng sẽ chậm lại do thuế quan của Mỹ gây ra, nhưng không có rủi ro suy thoái vì thị trường cho rằng các NHTW sẽ phản ứng nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất.
Trên thực tế, NHTW Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất vào thứ Tư để giúp làm dịu đi tác động của cuộc chiến thương mại. Trước đó NHTW châu Âu (ECB) cũng đã có lần cắt giảm lãi suất thứ 7 liên tiếp vào ngày 17/4, và các nhà đầu tư dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 60 điểm cơ bản từ này cho tới cuối năm.
Trong khi đó mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư (7/5) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và cho biết rủi ro lạm phát và thất nghiệp cao hơn đã tăng lên, tuy nhiên các nhà giao dịch kỳ vọng cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 80 điểm cơ bản trong năm nay và 115 điểm cơ bản vào giữa năm 2026.
Ngoài ra hãy theo dõi đường cong lợi suất, mặc dù sự phụ thuộc của chúng vào chỉ báo suy thoái đã bị đặt dấu hỏi gần đây. Theo đó, khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm và 2 năm là dương kể từ năm ngoái. Mặc dù sự đảo ngược đường cong lợi suất trước đây được coi là một yếu tố dự báo suy thoái, nhưng đường cong này có xu hướng trở lại bình thường khi suy thoái đến gần.
“Trong các chu kỳ gần đây, suy thoái không bắt đầu khi các đường cong bị đảo ngược, mà khi chúng không bị đảo ngược khi các NHTW nhanh chóng cắt giảm lãi suất khiến lợi suất trái phiếu ngắn hạn giảm nhanh hơn so với lợi suất trái phiếu dài hạn”, Chiến lược gia Allen cho biết.

Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 2 năm đang ở mức dương
Thị trường cổ phiếu quá lạc quan
Sự phục hồi của cổ phiếu cho thấy nỗi lo về suy thoái đã lắng xuống. Cổ phiếu Đức đang ở gần mức cao kỷ lục, trong khi thị trường New York và Tokyo đã tăng hơn 15% mỗi cổ phiếu so với mức thấp nhất đạt được vào tháng trước.
Nhưng hãy chú ý đến thu nhập của công ty.
Electrolux của Thụy Điển đã cắt giảm triển vọng, trong khi Volvo Cars, nhà sản xuất thiết bị máy tính Logitech và gã khổng lồ đồ uống Diageo đã từ bỏ mục tiêu của mình do sự không chắc chắn. General Motors cũng đã rút lại dự báo của mình cho năm nay ngay cả khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
“Quý 1 có lẽ là quý cuối cùng không bị ảnh hưởng, và thuế quan là một yếu tố từ quý 1 trở đi”, Chiến lược gia Miller của Zurich cho biết. “Với sự không chắc chắn này, tôi nghĩ rằng định giá sẽ phản ánh ít nhất một số điều này. Cho đến nay, chúng không phản ánh”.

Dự báo thu nhập của S&P 500 năm 2025