Lan tỏa tinh thần tri ân, để lòng biết ơn được nuôi dưỡng và trao truyền

Khi người dân hiểu rằng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã tạo nền móng cho hòa bình, phát triển hôm nay thì hành động tri ân sẽ không còn là lễ nghi mà trở thành nghĩa cử tự nguyện, xuất phát từ trái tim.

Giữa nhịp sống hối hả, thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn nhớ về một thời máu lửa, hào hùng của cha anh.

Ở xã An Nhơn Tây, TP.HCM mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi từng là vùng đất thép giữa lòng Củ Chi năm xưa, chính quyền địa phương luôn xem việc tri ân người có công, chăm lo gia đình chính sách không chỉ là trách nhiệm chính trị, pháp lý mà còn là đạo lý làm người.

 Điều cốt lõi nhất trong việc tri ân người có công là sự chân thành và nhận thức đúng đắn của mỗi người trong cộng đồng. Ảnh: TRẦN MINH

Điều cốt lõi nhất trong việc tri ân người có công là sự chân thành và nhận thức đúng đắn của mỗi người trong cộng đồng. Ảnh: TRẦN MINH

 Ông Huỳnh Vĩnh Lộc - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Nhơn Tây, TP.HCM dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.

Ông Huỳnh Vĩnh Lộc - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Nhơn Tây, TP.HCM dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.

Nỗi lòng của người lính tình báo Hồ Văn Thuần

Giữa một ngày nắng tháng 7, chúng tôi đến thăm ông Hồ Văn Thuần, người lính tình báo năm xưa từng chiến đấu giữa lòng đất thép.

Ông Thuần sinh năm 1950. Khi mới 14 tuổi, ông đã tham gia cách mạng tại địa phương. Năm 1967, ông trở thành chiến sĩ của Cụm Tình báo chiến lược H.63 - một đơn vị hoạt động tuyệt mật, được xem là “mắt thần” của cách mạng miền Nam. Từ đó, ông bước vào một hành trình mà mỗi bước chân đều có thể là bước cuối.

 Bà Nguyễn Thị Hằng (bên phải) - Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch HĐND xã An Nhơn Tây, TP.HCM đến thăm hỏi gia đình ông Hồ Văn Thuần. Ảnh: TRẦN MINH

Bà Nguyễn Thị Hằng (bên phải) - Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch HĐND xã An Nhơn Tây, TP.HCM đến thăm hỏi gia đình ông Hồ Văn Thuần. Ảnh: TRẦN MINH

Ông Thuần kể, trong một lần làm nhiệm vụ ông bị trúng bom; hàng chục mảnh bom găm sâu vào chân. Mãi đến năm 2006, vết thương cũ bị hoại tử, ông buộc phải lên bàn mổ cắt bỏ một phần chân. “Mất một phần thân thể, nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi rừng sâu địa đạo…” - ông nói.

Chiến sĩ tình báo dưới những lớp vỏ bọc bình thường, cùng những việc làm âm thầm như nuôi giấu cán bộ, thu thập và chuyển giao thông tin tối mật, họ góp phần lập nên những chiến công hiển hách... Năm 1971, cụm H.63 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - một phần thưởng xứng đáng cho cả tập thể, cũng là lời tri ân cho những chiến sĩ đã ngã xuống.

 Ông Hồ Văn Thuần: "Mất một phần thân thể, nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi rừng sâu, địa đạo". Ảnh: THẢO HIỀN

Ông Hồ Văn Thuần: "Mất một phần thân thể, nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi rừng sâu, địa đạo". Ảnh: THẢO HIỀN

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ, ông sống cùng người vợ tảo tần và người con thứ tư bị khuyết tật nặng sau tai nạn giao thông. Gia đình nhỏ của ông sớm hôm lặng lẽ bên mảnh vườn, rau trái, gà vịt...

Chính quyền địa phương, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm thăm hỏi, động viên và có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, chu đáo. Vào các dịp lễ, ngày Thương binh - Liệt sĩ, Mặt trận, Hội Cựu chiến binh và các ban ngành, đoàn thể thường xuyên đến thăm, tặng quà, sẻ chia cùng gia đình.

Chúng tôi rời đi khi nắng bắt đầu xiên qua mái hiên. Ông Thuần ngồi bên chiếc bàn gỗ cũ, đưa tay vẫy chào. Người lính tình báo năm xưa chính là chứng nhân lịch sử sống động về những đóng góp thầm lặng mà cao cả của một thế hệ cho công cuộc thống nhất đất nước vĩ đại.

Mẹ không còn tấm ảnh nào để thờ các con

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hãnh sinh năm 1925, hiện sống cùng người con gái thứ 4 tại xã An Nhơn Tây. Mẹ có hai con trai là liệt sĩ: Liệt sĩ Nguyễn Văn Ha (sinh năm 1945) - nguyên đại đội phó đơn vị quân báo thuộc Quân khu 9 và liệt sĩ Nguyễn Văn Há (sinh năm 1949) - nguyên tiểu đội trưởng Tiểu đoàn 7, chiến đấu tại địa bàn Củ Chi.

Điều khiến Mẹ và mọi người đau đáu nhất là đến nay, gia đình không còn giữ được một bức ảnh nào của hai liệt sĩ, không còn khuôn mặt để tưởng nhớ trong mỗi lần thắp nén nhang ngày giỗ, ngày tri ân anh hùng liệt sĩ.

 Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hãnh. Ảnh: TRẦN MINH

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hãnh. Ảnh: TRẦN MINH

 Một lời thăm hỏi chân thành, một bữa cơm ấm áp, đôi bàn tay nắm lấy nhau lúc tuổi già đôi khi có sức nặng hơn mọi hình thức trang trọng nhưng xa rời thực tế. Ảnh: TRẦN MINH

Một lời thăm hỏi chân thành, một bữa cơm ấm áp, đôi bàn tay nắm lấy nhau lúc tuổi già đôi khi có sức nặng hơn mọi hình thức trang trọng nhưng xa rời thực tế. Ảnh: TRẦN MINH

"Ngày đó chiến tranh dữ dội quá, ảnh các anh em mang đi chiến đấu không lấy lại được. Còn ảnh ở nhà thì mưa nắng rồi dột ướt, mục hết. Dù mẹ được nhiều người hỗ trợ, luôn cố gắng đi tìm lại nhưng vẫn chưa tìm được. Đây là nỗi day dứt, băn khoăn khôn nguôi của mẹ" - người con gái út của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hãnh chia sẻ.

Cũng theo chị, nay Mẹ già yếu, mắt không còn thấy rõ, tai không còn nghe rõ, nhưng mỗi lần nhắc tới các anh, Mẹ vẫn chắp tay khấn: "Mẹ nhớ, mẹ nhớ hai đứa con của mẹ lắm".

Tri ân là một phần trong lối sống biết ơn

An Nhơn Tây có 3.736 gia đình chính sách có công với cách mạng với 409 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay, 9 Mẹ còn sống là những biểu tượng sống động của một thời chiến tranh gian khổ mà hào hùng; là sự nhắc nhớ khôn nguôi về những mất mát, hy sinh mà lớp lớp thế hệ người dân nơi đây đã dâng hiến cho Tổ quốc.

Bà Lê Ngọc Sương, Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây, TP.HCM

Hằng năm, nhân dịp 27/7, chúng tôi tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn; tổ chức Lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi - nơi yên nghỉ của hơn 8.000 anh hùng liệt sĩ; kết hợp tuyên truyền lịch sử đấu tranh của quê hương địa đạo đến đoàn viên, thanh niên, học sinh như một bài học giáo dục truyền thống trực quan, sinh động...

Điều cốt lõi nhất trong việc tri ân là sự chân thành và nhận thức đúng đắn của cộng đồng. Khi người dân hiểu rằng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã tạo nền móng cho hòa bình, phát triển hôm nay thì hành động tri ân sẽ trở thành nghĩa cử tự nguyện. Một lời thăm hỏi chân thành, một bữa cơm sum vầy, cái nắm tay ấm áp... có sức nặng hơn mọi hình thức trang trọng nhưng xa rời thực tế.

Xã là nơi gần dân nhất, là cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, giữa Đảng - Nhà nước và nhân dân. Với chúng tôi, tri ân không chỉ là một ngày trong năm, mà phải trở thành nét văn hóa trong đời sống để tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” lan tỏa từ trái tim đến trái tim, qua từng thế hệ.

LÊ NGỌC SƯƠNG, Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây, TP.HCM

TRẦN MINH - THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/lan-toa-tinh-than-tri-an-de-long-biet-on-duoc-nuoi-duong-va-trao-truyen-post862509.html