Lan tỏa văn hóa đọc từ dự án thư viện sách
Khởi động từ cuối năm 2018, dự án 'Thư viện container' của Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và bàn giao 11 thư viện tại nhiều tỉnh, thành phố. Dự án cho thấy những đóng góp bền bỉ trong nỗ lực nâng cao tri thức và phát triển văn hóa đọc cho thế hệ trẻ.

Lễ khánh thành thư viện container tại Trường tiểu học Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh).
Với hơn 23.500 cuốn sách được trao tặng, dự án đã phục vụ hơn 6.200 học sinh, ghi nhận tổng số lượt đọc lên đến 612.500 lượt. Mỗi thư viện được đầu tư đồng bộ, hiện đại với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng mang lại không gian học tập hiệu quả cho học sinh vùng nông thôn, miền núi xa xôi.
VƯỢT KHÓ ĐƯA SÁCH ĐẾN VỚI HỌC SINH
Anh Lê Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban CSR cho biết, từ khi đề ra ý tưởng thực hiện dự án, Thường trực Hội cũng như các hội viên đều quyết tâm thực hiện chỉn chu trong mỗi công trình, dù công tác triển khai gặp không ít khó khăn, trong đó có rào cản về kinh phí. Để thi công một mô hình thư viện trọn gói, chất lượng (kích thước 12mx3mx3m) với đầy đủ sách và các trang thiết bị hiện đại... kinh phí là 500 triệu đồng. Công tác này cũng cần sự phối hợp và cộng hưởng từ rất nhiều cá nhân, tổ chức và đoàn thể. Theo anh Tú, các nguồn lực này không phải lúc nào cũng được tổ chức, kết nối thuận lợi; tuy vậy, không ai nghĩ đến việc dừng lại. Thấy được sự quyết tâm của mọi người, số lượng doanh nghiệp tham gia đồng hành, ủng hộ ngày một nhiều thêm. Mỗi đợt triển khai, trên thế mạnh của mình, các doanh nghiệp đều thể hiện trách nhiệm một cách tối đa. Đến nay, tỷ lệ các doanh nghiệp hội viên tham gia đóng góp sản phẩm, dịch vụ để xây dựng mô hình “Thư viện container” đã đạt hơn 82,2%.
“Thư viện container” được thành lập với mục tiêu giúp các em nhỏ vùng sâu, vùng xa sớm tiếp cận được tri thức, thói quen đọc sách, hình thành nhân cách tốt từ mỗi trang sách trong những năm tháng đầu đời. Anh Lê Anh Tú chia sẻ, mỗi thư viện container khi hoàn thành không chỉ là nơi lưu trữ sách mà còn là không gian học tập linh hoạt, hiện đại được thiết kế theo mô hình kiến trúc xanh, tối đa hiệu suất với vật liệu thân thiện với môi trường, bảo đảm tiêu chí về sức khỏe, thị lực. Mỗi thư viện được trang bị 2.000 đầu sách theo đúng tiêu chí của dự án. Thư viện được trang bị hạ tầng hiện đại, đồng bộ không chỉ về kiểu dáng, kiến trúc mà còn được áp dụng nhiều công nghệ quản lý mới để tối ưu hóa các trải nghiệm cho người đọc. Anh Lê Anh Tú nêu thí dụ: việc tích hợp công nghệ cao với máy tính, tivi thông minh, iPad sẽ giúp học sinh tiếp cận nguồn sách điện tử, làm quen với các chương trình học tập đa dạng trên nền tảng số.
Theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Mốc thời gian này là thời điểm cuốn sách “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được in bằng tiếng Việt, soi sáng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức nhằm phát huy giá trị của sách, văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, phát huy giá trị đạo đức, hiếu học của dân tộc. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua bốn lần tổ chức, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã góp phần lan tỏa tình yêu sách, xây dựng thói quen đọc sách đến các tầng lớp nhân dân.
ĐỒNG HÀNH LAN TỎA TRI THỨC
Trong ngày khánh thành Thư viện container tại tỉnh Đồng Tháp, anh Trần Huy Hiển, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Tháp khá bất ngờ trước mức độ “hoành tráng” của công trình. Anh Hiển còn ví von, trước giờ, container chỉ dùng để chở hàng hóa thì nay, lần đầu tiên được tận mắt thấy container chở sách. Đó sẽ là nguồn tri thức vô tận đối với trẻ em vùng quê Tháp Mười. Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của nhóm thực hiện dự án bởi mỗi công trình trao đi chứa đựng cả một tấm lòng nhân ái và một kho tàng tri thức của nhân loại trong đó. Thời gian qua, Hội đã sâu sát và thực hiện các hoạt động tuyên truyền hiệu quả đến các học sinh để các em có cơ hội tận hưởng, trải nghiệm những điều thú vị từ dự án này. Còn đối với cô Trịnh Thị Minh Nguyệt, giáo viên quản thư của Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), từ ngày đón nhận thư viện container đầu tiên (1/6/2019), nhiều tâm tư, dự định về xây dựng một môi trường tiếp cận tri thức cho các học sinh của trường đang dần trở thành hiện thực. Tại thư viện này, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh của trường. Bản thân cô Nguyệt còn tự đăng ký học thêm các lớp kỹ năng về truyền cảm hứng lan tỏa văn hóa đọc, tìm nguồn tài trợ thêm sách cho thư viện; đồng thời nghiên cứu nhiều sáng kiến mới để vận hành hiệu quả hơn cho thư viện này.
Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho biết, sau khi đưa vào hoạt động, ban dự án sẽ tiếp tục đồng hành cùng các trường trong hai năm tiếp theo để hỗ trợ, phối hợp và giám sát các hoạt động với đơn vị thụ hưởng. Song song với việc lan tỏa văn hóa đọc, mô hình Thư viện container góp phần giáo dục trẻ em về ý thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, hướng đến một tương lai xanh, sạch và bền vững hơn. Anh Lê Anh Tú cho rằng, trước bối cảnh biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhận thức về nền kinh tế xanh, dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời kêu gọi sự đồng hành của các đối tác, doanh nghiệp có chiến lược phát triển theo mô hình “kinh tế xanh”. Sự cộng hưởng này sẽ giúp lan tỏa giá trị, hiệu quả, hướng đến một cộng đồng phát triển bền vững với những tri thức được lan tỏa rộng khắp ■
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-toa-van-hoa-doc-tu-du-an-thu-vien-sach-post869147.html