Làng Chương Xá - Vùng đất hội tụ linh khí và cội nguồn tâm linh xứ Đất Tổ
Nằm giữa miền trung du yên bình của tỉnh Phú Thọ, xã Chương Xá (thường gọi là làng Chương) hiện lên như một bức tranh cổ kính, nhuốm màu thời gian. Không chỉ lưu giữ nét sống thuần hậu của người nông dân Việt, làng Chương còn là vùng đất thấm đẫm linh khí, nơi kết tinh những giá trị văn hóa – tâm linh đặc sắc qua đời sống tín ngưỡng dân gian và tinh thần Phật pháp. Tựa vào lòng dân và truyền thống bao đời là ngôi cổ tự Kim Bảo – điểm tựa tâm linh thiêng liêng, biểu tượng của đức tin, sự tỉnh thức và lòng hướng thiện trong cộng đồng.

Chùa Kim Bảo, xã Chương Xá
Chùa Kim Bảo - Cổ tự giữa lòng dân
Theo lời các bậc cao niên trong làng, chùa Kim Bảo được dựng từ rất lâu đời. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, không gian thanh tịnh và nét kiến trúc truyền thống. Dù chưa có sử liệu chính thức xác định niên đại, nhưng qua lối kiến trúc, hệ thống tượng thờ và nền nếp sinh hoạt tôn giáo, có thể khẳng định nơi đây là một trong những chốn tâm linh tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ.
Chùa tọa lạc trên một gò đất cao giữa làng, mặt trước hướng ra cánh đồng Ba Gò rộng lớn, phía sau tựa vào rặng cây xanh - thế đất hài hòa theo phong thủy phương Đông. Mái chùa rêu phong phủ kín, nổi bật giữa sắc xanh của cây lá và màu đất nâu của ngói gạch, tạo nên vẻ tĩnh mịch, uy nghiêm. Kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống Bắc Bộ với nền gạch, ngói ta, cột lim được chạm khắc tinh xảo các họa tiết rồng, phượng, hoa sen - những biểu tượng linh thiêng trong Phật giáo.
Bên trong chùa, hệ thống tượng Phật được bài trí tôn nghiêm: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát A Di Đà, Quan Thế Âm, Địa Tạng Vương Bồ Tát, tượng Mẫu, Hộ Pháp,... Tất cả tượng trưng cho lòng từ bi, trí tuệ và sự chính trực trong giáo lý nhà Phật.

Đền Gò Thờ, xã Chương Xá - Biểu tượng giao hòa giữa tín ngưỡng dân gian và đạo Phật
Trải qua nhiều lần trùng tu - đặc biệt là sau chiến tranh và những tác động của thời gian, chùa Kim Bảo vẫn giữ được thần thái cổ kính, không gian linh thiêng. Mỗi sớm mai hay buổi chiều tà, tiếng chuông chùa ngân nga giữa đồng quê, như lời thức tỉnh nhẹ nhàng dẫn người trở về với nội tâm, buông bỏ ưu phiền, hướng về sự an tịnh.
Không chỉ là nơi thờ tự, chùa còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng. Vào các dịp lễ, rằm, mùng Một, Tết Nguyên đán, người dân làng Chương lại trở về tụng kinh, lễ Phật, cầu an – giữ gìn nếp sống đạo hạnh và lòng hướng thiện.
Trong dòng chảy hiện đại, chùa Kim Bảo vẫn là điểm hội tụ tâm hồn - nơi con cháu tìm về đảnh lễ tổ tiên, bồi đắp đức tin, gìn giữ cội nguồn đạo lý và tinh thần dân tộc.
Đền Gò Thờ - Giao hòa tín ngưỡng dân gian và ánh sáng Phật pháp
Cách chùa Kim Bảo khoảng 2km, giữa cánh đồng Láng là đền Gò Thờ - một di tích tâm linh quan trọng khác của làng Chương. Vào mùa khô, nơi đây như một ốc đảo xanh giữa đồng ruộng; mùa mưa lại trở thành một “hòn đảo” nổi giữa biển lúa mênh mông, gợi nét huyền ảo, linh thiêng.
Đặc biệt, quanh đền có quần thể 86 cây lộc vừng cổ thụ – được ước đoán đã tồn tại hàng nghìn năm. Các thân cây cao lớn, rễ đan xen thành một vòng kết giới thiêng liêng bao bọc đền thờ. Tại đây hiện còn lưu giữ ngôi mộ cổ – nơi nhân dân thờ phụng công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng.
Quần thể cây lộc vừng tại đền Gò Thờ đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2013 – một minh chứng sinh động về giá trị văn hóa, tâm linh và môi sinh đặc biệt của vùng đất này.

Ngôi mộ cổ công chúa Tiên Dung tại đền Gò Thờ
Theo truyền thuyết, công chúa Tiên Dung - người con gái mang tâm hồn phóng khoáng, nhân hậu đã kết duyên cùng Chử Đồng Tử, chàng trai nghèo nhưng có chí lớn và căn cơ tu học. Cuộc hội ngộ của hai người là biểu tượng cho tình yêu vượt qua lễ giáo phong kiến, đồng thời là hình ảnh tiên phong trong tiếp nhận tư tưởng Phật pháp.
Sau khi gặp Phật Quang thiền sư, Chử Đồng Tử học phép thuật, được truyền trao pháp vật, rồi cùng Tiên Dung từ bỏ đời sống thế tục, chuyên tâm tu học, truyền bá đạo pháp. Tiên Dung – người con gái hoàng tộc không màng vương quyền, chọn theo người bạn đời áo vải – là hình ảnh sinh động về lòng từ bi, dũng khí và khát vọng giải thoát.
Dưới góc nhìn Phật giáo, Chử Đồng Tử được xem là một trong những cư sĩ tại gia đầu tiên của nước ta, biểu trưng cho con đường tu tập giữa đời sống thường nhật. Tiên Dung – người phụ nữ từ bỏ vinh hoa để theo ánh sáng giác ngộ – là hiện thân của tinh thần vị tha, phụng sự trong đạo pháp.
Vào các dịp đại lễ Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan, Ban thờ tự làng Chương đều tổ chức lễ dâng hương trang nghiêm tại đền Gò Thờ, nối kết linh thiêng giữa chùa Kim Bảo và đền Gò Thờ – biểu tượng cho sự hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian và ánh sáng từ bi – trí tuệ của đạo Phật. Đó là nét đặc trưng bền vững của văn hóa tâm linh người Việt.

Bia công nhận Cây Di sản Việt Nam tại quần thể lộc vừng cổ thụ thuộc đền Gò Thờ
Gìn giữ cổ tự - gìn giữ gốc rễ tâm linh
Trong bối cảnh hiện đại hóa mạnh mẽ, nhiều làng quê dần phai nhạt bản sắc truyền thống. Nhưng Chương Xá vẫn kiên cường gìn giữ những giá trị linh thiêng như chùa Kim Bảo và đền Gò Thờ. Chính quyền và nhân dân địa phương cùng nhau trùng tu di tích, gìn giữ cảnh quan, duy trì nghi lễ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức, Phật pháp và đạo lý làm người.
Người làng Chương, dù tha hương bốn bể, mỗi độ xuân về, rằm tháng Bảy hay dịp lễ Tết… đều tìm về chốn thiêng, thắp nén hương trầm nơi chùa Kim Bảo, đền Gò Thờ – như một cách trở về với cội nguồn. Những nơi ấy không chỉ là hồn làng, mà còn là mạch nguồn đạo hạnh, là sợi dây vô hình nhưng gắn kết bền chặt giữa quá khứ và hiện tại, giữa người với người.
Mỗi lần trở về, ai nấy đều thấy lòng lắng lại, thân tâm an tịnh, đức tin được nuôi dưỡng, tình quê hương thêm sâu đậm - đúng như tinh thần của một làng quê không chỉ còn tồn tại trong ký ức, mà sống động và lan tỏa trong từng nếp nghĩ, hơi thở của đời sống đương đại.