Làng 'đinh tai nhức óc' 300 năm tuổi đỏ lửa suốt ngày dịp cận Tết
Dịp cận Tết, làng rèn Minh Khánh, tỉnh Quảng Ngãi nhộn nhịp hơn. Khắp làng vang lên tiếng búa, lò rèn đỏ rực suốt ngày.
Từ đầu tháng Chạp, những lò rèn ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trở nên nhộn nhịp hơn. Thợ rèn phải tăng tốc để cung cấp dao, rựa, cuốc, xẻng cho các phiên chợ Tết.
Ông Nguyễn Tòng, 66 tuổi, là truyền nhân đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm nghề rèn ở thôn Minh Khánh. Ông Tòng có hơn 50 năm theo nghề rèn.
"Làng rèn đỏ lửa quanh năm nhưng vào vụ Tết là bận rộn nhất. Dịp này nhu cầu mua sắm dao, rựa mới của người dân tăng cao. Chúng tôi phải bắt đầu công việc từ tinh mơ đến tối muộn để kịp đơn hàng mà thương lái đã đặt", ông Tòng chia sẻ.
Nguyên liệu để rèn thành dao, rựa, cuốc, xẻng được gọi là "mì". Đây là các thanh sắt dày 16-18mm.
Sắt được cắt ra thành khúc rồi cán dẹt. Các thanh sắt được nung đỏ, cho vào máy dập nhẵn sau đó mài để tạo hình sản phẩm. Mỗi khâu đều yêu cầu sự khéo léo rất cao của người thợ.
Đặc biệt, người thợ phải biết canh nhiệt độ, xác định thời gian tôi sắt để sản phẩm đạt chất lượng cao.
Theo anh Nhang Văn Thân, thôn Minh Khánh, dù được máy móc hỗ trợ nhưng nghề rèn vẫn khá nhọc nhằn. Người làm nghề phải có sức khỏe tốt và chịu được sức nóng, khói bụi.
Làng đinh tai nhức óc 300 năm tuổi đỏ lửa suốt ngày dịp cận Tết - 2
Các lò rèn ở thôn Minh Khánh đỏ lửa suốt ngày (Ảnh: Quốc Triều).
"Người làm nghề phải có sức khỏe dẻo dai và chịu được sức nóng, tiếng ồn suốt cả ngày", anh Thân chia sẻ.
Thợ rèn được máy móc hỗ trợ nên thời gian hoàn thành sản phẩm nhanh hơn trước. Trung bình, một người có thể làm được 30-35 sản phẩm mỗi ngày. Dịp cuối năm, thợ rèn có thể kiếm được 500.000-700.000 đồng trong một ngày.
Thôn Minh Khánh có 60 hộ làm nghề rèn. Mỗi năm, các lò rèn ở thôn Minh Khánh sản xuất khoảng 200.000 sản phẩm.
Sản phẩm từ các lò rèn ở thôn Minh Khánh sắc sảo nên được người dùng ưa chuộng. Một phần sản phẩm được tiêu thụ trong tỉnh, phần còn lại được thương lái đưa đi bán tại nhiều tỉnh, thành khác.
Theo các bậc cao niên ở thôn Minh Khánh, nghề rèn tại đây có từ 300 năm trước. Cụ tổ của nghề rèn có nguồn gốc ở phía bắc. Trong hành trình di cư, người này chọn vùng đất bên bờ sông Trà Khúc để lập làng, mở lò rèn. Kể từ đó, nghề rèn ở thôn Minh Khánh được truyền từ đời này sang đời khác.
Nghề rèn ở thôn Minh Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh Quảng Ngãi cũng công nhận đây là làng nghề truyền thống.