Một hành trình khát vọng Việt Nam
Có những hành trình không bắt đầu bằng một tấm vé máy bay mà bằng tiếng vọng của ký ức. Có những con đường không đo bằng cây số mà đo bằng máu, nước mắt và những khoảng lặng kéo dài nửa thế kỷ...
Tuần lễ Báo chí quốc tế nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) không chỉ là chuỗi hoạt động lễ nghi, mà là cuộc trở về sâu sắc - trở về giữa những vết thương chưa khép.
Những phóng viên kiều bào từ nhiều quốc gia, các phóng viên chiến trường - từng lội qua ruộng máu, từng bấm máy trong khói bom - nay tóc đã bạc, mắt đã đục, đứng giữa một Việt Nam đã khác.

Các phóng viên quốc tế tại Rừng Sác. (Ảnh: Phạm Khánh Nam)
Những cánh rừng còn in dấu bàn chân trần của lịch sử
Khi chiếc xe chở đoàn phóng viên quốc tế rời trung tâm TP. Hồ Chí Minh xuyên qua những mảng rừng ngập mặn Cần Giờ sáng 26/4, tôi bắt gặp trong ánh mắt họ một điều vừa lạ lẫm vừa thân quen. Họ từng có mặt ở đây, cách nay 50 năm, giữa khói lửa và tiếng gầm rú của chiến tranh.
Và hôm nay, họ trở lại - không còn là những người săn tin chiến trường mà như những người bạn cũ đi tìm lại ký ức, đi chứng thực cho một hiện thực mà có lẽ chính họ cũng không dám tin: một Việt Nam của hòa bình, một TP. Hồ Chí Minh của tương lai.
Chuyến hành trình khởi đầu tại căn cứ Rừng Sác, đảo Khỉ, và khu sinh thái Vàm Sát đưa các phóng viên đến vùng đất từng là nơi trú ẩn và chiến đấu của lực lượng đặc công Rừng Sác.
Trên những lối mòn ẩm ướt, họ được nghe kể về những chiến công không có tiếng súng nổ mà vang dội trong lịch sử. Những phóng viên đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Chile… không giấu được xúc động. Có người đứng lặng hàng phút trước khung cảnh phía trước, như thể hình ảnh quá khứ hiện lên rõ mồn một.
Ống kính chiến tranh và những câu chuyện
Ngày 27/4, đoàn phóng viên quốc tế đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh – nơi trưng bày những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nhật Bản Nakamura Goro và những đồng nghiệp năm xưa.
Trong ánh sáng dịu nhẹ của gian Triển lãm, các phóng viên không khỏi xúc động khi nhìn lại Em bé Napalm – bức ảnh đã làm thay đổi dư luận toàn cầu. Cạnh đó là loạt ảnh ám ảnh về hậu quả chất độc da cam của nhiếp ảnh gia Nakamura Goro – người đã dành cả đời để nói lên nỗi đau của người Việt.
Tôi đi chậm qua phòng Triển lãm “Chất độc da cam” của ông Nakamura Goro. Trong ảnh là những đứa trẻ sinh ra đã không thể lớn, những cơ thể dị dạng vì thứ hóa chất chết người.
Một phóng viên quốc tế già khụy xuống ghế, đưa tay lên mắt. “Tôi từng nghĩ tôi hiểu chiến tranh. Tôi đã sai! Chúng tôi từng viết về chiến tranh, nhưng hôm nay mới thực sự hiểu được chiến tranh đã làm gì với con người”, ông nghẹn ngào.
Khách sạn Caravelle - nơi tiếng nói từng là vũ khí
Chiều cùng ngày, trong căn phòng lộng gió tại khách sạn Caravelle – nơi từng là trụ sở báo chí quốc tế trước 1975 – đã diễn ra buổi hội ngộ đầy xúc động giữa những phóng viên quốc tế và nhà báo Việt Nam từng tác nghiệp thời chiến.
Họ từng ở hai bên của mặt trận ngôn từ. Nhưng hôm nay, họ ngồi cùng nhau, kể về những đồng đội đã mất, những đêm trắng bên ánh đèn dầu, những lần chạy tránh bom trong khi tay vẫn ôm máy quay. Có giọng nói nghẹn lại khi nhắc tên những người bạn đã nằm lại chiến trường.
Từ lòng đất lịch sử đến bầu trời của tương lai
Ngày 28/4, đoàn tiếp tục hành trình đến ga Metro Bến Thành. Họ được trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên – biểu tượng của đô thị hóa và hiện đại hóa của TP. Hồ Chí Minh. Đối với nhiều người trong đoàn, đó là điều “không thể tưởng tượng nổi” khi nghĩ về một thành phố từng đổ nát vì bom đạn.
Đặc biệt cảm động là buổi giao lưu giữa các phóng viên quốc tế và sinh viên khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
Trong không gian đối thoại cởi mở, những bài học nghề báo, những câu chuyện tác nghiệp trong chiến tranh – đôi khi là câu chuyện sinh tử, được kể lại bằng sự chân thành và khát vọng truyền nghề. Những cái bắt tay giữa các thế hệ – một ký ức và một tương lai – làm dịu lại mọi khác biệt.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đến thăm Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, trải nghiệm mô phỏng bay tại Vietjet – biểu tượng của khát vọng vươn tầm quốc tế. Sự choáng ngợp trước công nghệ, hệ thống đào tạo hiện đại và tầm nhìn mở rộng bầu trời của hàng không Việt Nam khiến nhiều người xúc động. Một nhà báo Mỹ đã phải thốt lên: “Việt Nam không chỉ hồi sinh – mà đang bứt phá”.
Tối hôm đó, tại khách sạn Rex Sài Gòn, đoàn được UBND TP. Hồ Chí Minh mời dự tiệc chiêu đãi long trọng. Những lời cảm ơn, tri ân, và cả lời mời gọi đồng hành trong hành trình phát triển được gửi đi từ trái tim lãnh đạo thành phố. Những người từng viết về Việt Nam thời chiến, nay được mời viết tiếp câu chuyện một Việt Nam hòa bình.

Phóng viên chiến trường gặp các cựu chiến binh Việt Nam tại địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Phạm Khánh Nam)
Củ Chi - nơi ký ức vang vọng dưới lòng đất
Sáng 29/4, chúng tôi đến địa đạo Củ Chi. Trời nóng gắt, nhưng bên dưới lòng đất lại lạnh và ẩm, như một phần ký ức chưa được sưởi ấm.
Với các phóng viên chiến trường, đây là một điểm đến thiêng liêng. Không ít người xúc động đến rơi nước mắt khi chui mình vào những đường hầm chật hẹp – nơi mà hàng chục ngàn người đã từng sống, chiến đấu và hy sinh. Họ bò qua đoạn hẹp, cúi người trong bóng tối, nghe tiếng đất cọ vào tay áo, cảm nhận từng nhịp tim đập như thể lịch sử đang thì thầm.
“Bây giờ tôi mới hiểu, họ không chỉ chiến đấu bằng súng, mà bằng cả ý chí và trí tuệ phi thường, tôi đã viết về Củ Chi như một kỳ tích quân sự. Hôm nay, tôi hiểu đó là kỳ tích của lòng người”, nhà báo Pháp nói khi chui ra khỏi địa đạo, những giọt mồ hôi hòa lẫn nước mắt lăn dài trên má.
30/4 - ngày trở về và hội ngộ
Sáng 30/4, cả đoàn phóng viên, kiều bào và đại biểu quốc tế cùng dự Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam tại trục đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống nhất.
Trong dòng người đổ về từ sớm, có cả những phóng viên từng tác nghiệp giữa bom đạn Sài Gòn, nay đứng im lặng, ngẩng đầu, dưới lá cờ đỏ sao vàng phấp phới, lắng nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Kiều bào là máu thịt của dân tộc. Những đóng góp âm thầm của họ, trong chiến tranh và cả hôm nay, là tài sản quý giá của đất nước”.
Đoàn phóng viên quốc tế không còn đưa tin bằng ngôn ngữ chiến tranh. Họ viết bằng trái tim. Viết như một cách để trở về.

Tác giả cùng nhiếp ảnh gia Nhật Bản Nakamura Goro. (Ảnh TGCC)
Việt Nam - một bài ca hồi sinh
Hành trình sáu ngày, từ Cần Giờ đến Củ Chi, từ bảo tàng đến metro, từ hầm địa đạo đến bầu trời Vietjet… là một bản trường ca về ký ức và khát vọng. Các phóng viên chiến trường năm xưa không chỉ trở về để nhìn lại quá khứ – mà còn để chứng kiến tương lai đang hình thành từng ngày.
Tuần lễ kết thúc bằng những cái ôm thật chặt, những ánh mắt rưng rưng, những câu nói chưa kịp thốt ra. Nhưng có một điều rõ ràng: Những người từng chứng kiến Việt Nam đổ nát, giờ cũng đã chứng kiến Việt Nam hồi sinh.
Việt Nam, từ một chiến trường khốc liệt, nay là biểu tượng của lòng nhân hậu, của trí tuệ, của sự bền bỉ không chịu lùi bước. Và trong hành trình ấy, có những người đã ghi lại mọi điều – bằng máy ảnh, bằng bút mực, bằng máu tim.
Đoàn phóng viên quốc tế đến với tư cách là người kể chuyện. Họ rời đi với tư cách là nhân chứng của một đất nước biết đau thương, biết đứng dậy cho một kỷ nguyên vươn mình.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-hanh-trinh-khat-vong-viet-nam-315146.html