Làng Dương Lệ Đông
Dương Lệ Đông là một trong những làng cổ thành lập sớm trên đất Quảng Trị. Đến với Dương Lệ Đông, chúng ta sẽ cảm nhận trong cái tươi mới của một làng quê ven đô là những hồn cốt văn hóa của dân tộc được trao truyền qua bao thế hệ.
Từ những đổi thay xã hiệu, danh tỉnh ngày xưa
Các làng xã cổ Quảng Trị được hình thành dựa trên những cuộc di dân Việt từ phía Bắc vào Đàng Trong, dưới thời Nhà Lê cho đến sau này. Các tên làng được đặt theo tên làng cũ ở cố quận hoặc những tên do các vị tiền nhân khai khẩn đặt ra do ở vị trí địa lý hoặc những nguyên nhân khác. Tên làng Dương Lệ Đông là một câu chuyện tách chia địa bộ gắn liền với lịch sử biến thiên của thời cuộc.
Làng Dương Lệ Đông thuộc xã Triệu Thuận, huyên Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Theo một số tài liệu cổ về lịch sử Quảng Trị cũng như gia phả của các dòng tộc trong làng thì Dương Lệ Đông trước đây là một phần của làng Dương Lệ - một làng cổ được hình thành vào thời Hậu Lê.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng ban Điều hành làng Dương Lệ Đông cho biết: “Theo lời cha ông xưa truyền lại thì Dương Lệ xã được thành lập với hai xóm, một xóm thuộc con cháu ngài quan Văn họ Lê ở về hướng Tây và một xóm thuộc về con cháu ngài quan Võ họ Đoàn ở về hướng Đông. Vì thế trong dân gian truyền tụng câu “ Văn vô Đoàn, Võ vô Lê” ( ý nói Dương Lệ Văn không có họ Đoàn, Dương Lệ Võ không có họ Lê).
Sau này con cháu đông đúc, các họ khác sáp nhập thì xóm hình thành nên Giáp, các Giáp này có tên gọi là An Lệ nhị giáp. Đến thời vua Gia Long, triều Nguyễn lên ngôi chia tách thành hai làng lấy tên là Dương Lệ Văn và Dương Lệ Võ. Tuy nhiên vì chữ Võ có kiêng húy ở triều đình nên đổi thành chữ Đông, làng Dương Lệ Đông”.
Ngôi Hiệp Tự đường của làng Dương Lệ Đông được xây dựng khang trang, bề thế nằm ở đầu làng. Nơi này thờ phụng Thành Hoàng làng cùng các tiền nhân khai sáng ra làng Dương Lệ Đông và cũng là nơi các bậc hào lão bàn bạc chuyện đại sự tế tự của làng. Tại làng Dương Lệ Đông, hằng năm, theo truyền thống vẫn tổ chức trang trọng các tế tự nhằm tưởng nhớ công ơn các vị khai canh khai khẩn ra làng cũng như cầu an mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Những năm tháng hào hùng của ngọn lửa cách mạng
Bao đời nay, người dân Dương Lệ Đông luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn. Từ trước những năm 1930 cho đến 1945, những người con ưu tú của làng Dương Lệ Đông như đồng chí Trần Hữu Dực, Trần Thận đã đốt lên ngọn lửa cách mạng, chống Pháp và chế độ phong kiến. Ông Nguyễn Văn Thảnh, người làng Dương Lệ Đông, cho biết về một di tích lịch sử cách mạng có tên là cồn Mụ Bạt, một trong những địa điểm ghi dấu phong trào cách mạng của xã Triệu Thuận nói chung và Dương Lệ Đông trong những năm 1930-1945.
Dưới sự chỉ đạo của những người cộng sản trung kiên của làng, Nhân dân đã tổ chức treo cờ Đảng, rải truyền đơn chống khủng bố. Mang nội dung cách mạng và vận động Nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh trong phong trào “chia máu lửa cùng Nhân dân Nghệ Tĩnh”... Từ trước 1945 và qua các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, đã có nhiều người con ưu tú của làng Dương Lệ Đông ngã xuống trên mảnh đất quê hương và trên mọi miền Tổ quốc.
Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Hữu Dực, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, được khánh thành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/1/1910 - 2010). Nhà tưởng niệm hiện ở tại làng Dương Lệ Đông, được xây dựng trong khuôn viên nơi ông Trần Hữu Dực ra đời. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi và trở thành đảng viên của nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Bất kỳ ở cương vị nào ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nêu tấm gương cần kiệm, liêm, chính.
Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu - một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam - đã khái quát đầy đủ phẩm chất của người cộng sản Trần Hữu Dực qua bốn câu đối nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm ông như sau:
Kiên cường bất khuất, trăm vòng lửa thép vững tâm can
Cần, kiệm, thanh liêm, một tấm lòng son soi nhật nguyệt
Mười lăm tuổi ra đi, sức trẻ tài cao, vào tử ra sinh cùng Tổ quốc
Một trăm năm nhìn lại, gan vàng dạ sắt đồng cam cộng khổ với Nhân dân.
Ông Đoàn Quang Như, Trưởng ban Mặt trận thôn Dương Lệ Đông tự hào nói: “Tiếp nối truyền thống lịch sử văn hóa như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua bao thế hệ, ngày nay, làng Dương Lệ Đông viết tiếp trang sử đầy tự hào và kiêu hãnh. Về Dương Lệ Đông hôm nay, sự đủ đầy mong ước không xa đã nhường chỗ cho những tươi mới của một nông thôn phát triển”.
Người dân Dương Lệ Đông luôn cảm thấy tự hào vì trên mảnh đất quê hương mình có những di tích lịch sử văn hóa của cha ông tạo dựng. Đây chính là minh chứng cho truyền thống văn hóa và lịch sử anh hùng cách mạng của mảnh đất và con người nơi đây trong dòng chảy của lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/lang-duong-le-dong-nbsp/180001.htm