Làng gốm sứ Bát Tràng nhộn nhịp những ngày cận Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) trở nên nhộn nhịp, đông đúc hơn...
Bát Tràng là làng gốm lớn, lâu đời, được nhiều người biết đến. Các sản phẩm gốm của làng nghề đa dạng và nhiều mẫu mã, từ đồ gia dụng, đồ chơi đến cả các loại gốm trang trí và đồ thờ...
Cùng với đáp ứng nhu cầu khách hàng ở Hà Nội, sản phẩm gốm sứ nơi đây được phân phối đến hàng trăm đại lý trên toàn quốc, tập trung nhiều ở Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM,...
Những ngày này về xã Bát Tràng, không khí khẩn trương, tất bật bao trùm cả làng nghề. Từng đoàn xe tải chở những chuyến hàng gốm sứ đi muôn nơi; nhiều người dân Hà Nội, các địa phương lân cận, các đoàn khách trong nước và quốc tế tìm đến tham quan, mua sắm…
Các cơ sở gốm sứ ở xã Bát Tràng chuyên sản xuất đồ thờ, đồ phong thủy, bình hút lộc trở nên rộn ràng hơn. Những nhóm thợ tập trung, chăm chú vào việc đắp, tô sản phẩm; thợ nhào trộn nguyên liệu làm việc không ngơi tay. Trên đường làng, những người thợ, quần áo lấm lem bùn đất, màu vẽ... tất bật vận chuyển nguyên liệu đến xưởng sản xuất cho kịp xuất xưởng những chuyến hàng Tết…
Tại cửa hàng nơi chuyên sản xuất, cung cấp ra thị trường các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, được khách hàng ưa chuộng, như: Đồ thờ đắp nổi, vẽ vàng, dát vàng; bình sứ trang trí nội thất, bình nghệ thuật men 3D… cũng nhộn nhịp khách ra - vào.
Ngoài nhà xưởng sản xuất truyền thống, làng gốm Bát Tràng cũng có hệ thống cửa hàng, thương hiệu dọc theo tuyến đường làng và khu chợ để giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ, phục vụ du khách…
Theo ghi nhận của phóng viên, sản phẩm tại các cửa hàng rất đa dạng, từ những món đồ trị giá vài trăm nghìn đồng đến những sản phẩm cỡ lớn có giá vài trăm triệu đồng. Sản phẩm gốm sứ ở Bát Tràng chủ yếu được làm thủ công, với các màu men lam, nâu, rạn, xanh ngọc đặc trưng, xanh coban, trang trí các họa tiết hoa, lá, chim, thú, phong cảnh sơn thủy hữu tình, phù hợp từng loại sản phẩm, đáp ứng thị hiếu khách hàng mua sắm dịp Tết.
Năm nay, các mặt hàng linh vật rắn được nhiều xưởng sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng tung ra thị trường. Sản phẩm linh vật rắn được các nghệ nhân làng nghề làm thủ công, dát vàng có độ tinh xảo cao, nhưng giá thành chỉ 10 triệu đồng trở xuống.
Theo chủ cơ sở sản xuất đồ gốm Dương Yến, linh vật rắn biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc, nhưng ít người chơi, nên các xưởng không làm sẵn hàng cao cấp, không trưng bày tại cửa hàng. Khách hàng có nhu cầu đặt, xưởng mới sản xuất.
Nhiều tiểu thương tại chợ Bát Tràng cho biết, dịp Tết năm nay, sản phẩm bán chạy chủ yếu là bát đĩa, ấm chén pha trà, lợn đất… Còn các sản phẩm có tính nghệ thuật với giá trị cao như lọ lục bình, bình cắm hoa điêu khắc vẫn rất kén khách và bán chậm hơn.
Ngoài ra, còn có sản phẩm lộc bình cũng được săn lùng bởi ý nghĩa phong thủy, giúp gia chủ phát tài, phát lộc, no ấm, cường thịnh... Mỗi đôi lộc bình thể hiện ý nghĩa, màu sắc khác nhau, như: Lộc bình cá chép “vượt vũ môn hóa rồng” đại diện cho nghị lực và ý chí phi thường, luôn hướng về sự hoàn thiện và tăng trưởng; lộc bình “Lý ngư vọng nguyệt” là kiểu dáng cá chép hướng về bóng trăng soi dưới đáy nước, biểu tượng cho bản ngã chân thật; hoặc lộc bình vẽ theo kiểu dáng đăng đối Xuân - Hạ - Thu - Đông, Tùng - Trúc - Cúc - Mai, tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng, vẽ chim phượng hoàng, chim hạc...
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, toàn xã hiện có hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Các cơ sở đã và đang giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định đời sống cho lao động địa phương cùng 4.000-5.000 lao động ở nơi khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Không chỉ có hàng hóa gốm sứ cung cấp cho thị trường, Bát Tràng hôm nay còn thu hút rất đông khách thăm quan, du lịch. Hằng năm, làng gốm Bát Tràng đón khoảng 10 vạn lượt khách tham quan, mua sắm hàng gốm sứ, trong đó nhiều đoàn là khách quốc tế.
Vào dịp Tết Nguyên đán, lượng khách tăng lên gấp 3-4 lần so với ngày thường, lượng sản phẩm cơ sở xuất bán cũng tăng gấp đôi so với trong năm.
Mời quý độc giả xem video chị Lưu Thị Hường, chủ vườn quất Điệp Hường (làng Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ về thú chơi quất Quảng Bá của người Hà Nội: