Làng hương vào vụ tết
Thời điểm cuối năm, không khí sản xuất tại các cơ sở làm hương trên địa bàn tỉnh trở nên bận rộn, khẩn trương hơn bao giờ hết. Người lựa thẻ hương, đóng gói, phơi hương... mỗi người một việc, lao động không ngừng nghỉ để kịp phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường những ngày cận tết, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.
Sản xuất hương bài tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân).
Trong cái giá lạnh pha chút nắng hanh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm HTX dịch vụ nông nghiệp Hương bài Như Xuân, thị trấn Yên Cát (Như Xuân). Ngay từ đầu ngõ, mùi thơm dịu nhẹ phảng phất của bột hương bài quyện vào trong gió gợi ra khung cảnh bình yên của những miền quê dịp tết đến, xuân về. Khi vào xưởng, không khí sản xuất lại vội vã, nhộn nhịp, ai cũng luôn tay thoăn thoắt se từng que hương cho kịp đơn hàng. Chị Lê Thị Hằng, giám đốc HTX cho biết: “Gia đình tôi qua bao thế hệ gìn giữ, phát triển nghề làm hương, không biết nghề có từ bao giờ, chỉ biết từ khi còn cắp sách tới trường, tôi đã được mẹ dạy cho cách se hương, rồi dần dần quen nghề, thạo nghề, yêu nghề. Hương bài Yên Cát được làm từ các loại nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như: Cây hương bài, nhựa trám, than, tăm tre... Trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, cùng đôi bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã làm ra những cây hương đẹp, tròn đều, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện nay, để đáp ứng số lượng hàng lớn cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã đầu tư máy móc để hỗ trợ một vài công đoạn sản xuất như máy xay, máy lăn, lò sấy... Tuy nhiên, nếu khách hàng yêu cầu sản phẩm hương hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công thì chúng tôi vẫn sẵn lòng đáp ứng”.
Cũng theo chia sẻ của chị Hằng: Hương được dùng vào công việc tâm linh nên công đoạn làm hương phải rất cẩn thận, sạch sẽ từ nguyên liệu đến khâu sơ chế, đóng gói. Mỗi cơ sở lại có những bí quyết pha trộn nguyên liệu, tạo ra các loại hương với mùi thơm khác nhau để tạo nên thương hiệu riêng; nhất là HTX đã nghiên cứu và đưa thêm thành phần cây thảo dược xuyên tâm liên vào làm hương để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Những ngày cuối năm, đơn hàng gấp đôi ngày thường nên hầu hết các cơ sở phải thuê thêm lao động thời vụ thường xuyên tăng ca, sản xuất cả buổi tối để kịp đơn hàng, tăng công suất làm việc lên gấp 2 đến 3 lần. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, sản phẩm hương bài Yên Cát còn được thương lái các tỉnh tìm đến đặt hàng và xuất bán sang nước ngoài.
Nhắc đến nghề làm hương, không thể không nhắc đến làng hương truyền thống Quán Giò ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa). Nằm trong con ngõ Hàng Hương, những ngày này, làng hương đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất năm. Dưới bàn tay thoăn thoắt của người thợ, những nén hương làm ra đều tăm tắp, được bó thành từng bó và phơi khô, xếp dọc lối đi tỏa mùi thơm ngan ngát của bột trầm. Từ tháng 10 âm lịch, các cơ sở, hộ sản xuất phải chuẩn bị nguyên vật liệu, tập trung nhân lực, gấp rút sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm. Trong khoảng thời gian này, hương Quán Giò xuất ra thị trường số lượng sản phẩm gấp khoảng 5 lần so với thời điểm khác trong năm. Tại một trong những cơ sở sản xuất hương lâu năm của ông Cao Xuân Thủy, cho biết: “Để cho ra một mẻ hương đạt tiêu chuẩn, người làm hương phải chuẩn bị các loại nguyên liệu như: Tăm hương, nhựa hương, than phụ gia... Công đoạn quyết định chất lượng sản phẩm đạt mùi thơm chuẩn đó là pha trộn bột hồi, quế, trầm... So với năm ngoái thì năm nay đơn hàng từ các đại lý của tôi tăng lên khoảng 20%”. Hiện, làng hương Quán Giò vẫn duy trì 2 hình thức sản xuất đó là thủ công và máy móc với các sản phẩm như hương bài, hương đen, hương đàn... cùng nhiều kích cỡ, giá thành khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Với truyền thống sản xuất lâu đời, nghề làm hương trên địa bàn tỉnh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt bao đời nay.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lang-huong-vao-vu-tet/203009.htm