Lăng kính chứng khoán 20/6: Tích lũy trong biên độ 1.270 - 1.290 điểm

Trong giai đoạn này, chiến lược mua/bán liên tục có thể sẽ không hiệu quả cao. Nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ theo xu hướng, đặc biệt ưu tiên các cổ phiếu mạnh.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): VN-Index đã cho phản ứng hồi phục quanh ngưỡng hỗ trợ gần, hình thành mẫu nến rút chân với thanh khoản có phần cải thiện. Mặc dù vậy những nỗ lực của phe mua chưa thể giúp chỉ số đóng cửa trên ngưỡng MA20 ngày sau 2 phiên liên tiếp. Do đó rủi ro chỉ số có thể sớm đảo chiều đang có phần lấn át hơn khi áp lực cung tiềm tàng vẫn còn tương đối lớn.

Chứng khoán Đông Á (DAS): Ngưỡng tâm lý VN-Index 1.300 điểm trở thành vùng kháng cự, thị trường cần thêm thời gian tích lũy trong biên độ VN-Index 1.270 - 1.290 điểm để các cổ phiếu giữ được xu hướng tăng trung hạn.

Nhóm cổ phiếu tài chính và cổ phiếu vốn hóa lớn có vai trò quyết định hướng đi của thị trường. Nhà đầu tư có thể chờ đợi tín hiệu xác nhận kết thúc nhịp điều chỉnh để giải ngân mới. Hạn chế mua đuổi giá đối với các giao dịch ngắn hạn, chú ý các cổ phiếu đã có nền tích lũy thời gian qua và còn dư địa tăng giá về mức đỉnh của năm 2024 để giao dịch T+.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Các chỉ số có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại và không loại trừ khả năng biến động mạnh trong phiên kế tiếp vì đây cũng là phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai tháng 6/2024. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động quanh mức hiện tại và xu hướng chưa rõ ràng trong ngắn hạn.

Trong giai đoạn này, chiến lược mua/bán liên tục có thể sẽ không hiệu quả cao thay vì các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ theo xu hướng, đặc biệt các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu mạnh.

Tin vắn chứng khoán

- 40% người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng hơn. Theo bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc khu vực Miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam cho biết, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang trải qua nhiều thử thách trong suốt năm vừa qua, đặc biệt là vấn đề về chi phí sinh hoạt tăng.

Hàng hóa tăng giá dẫn đến việc người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu.

Theo bà Hà, 40% người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng hơn do không biết rủi ro gì có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, họ có xu hướng mua sắm trực tuyến để tận dụng ưu đãi hay có sự so sánh về giá cả giữa các sản phẩm, chuyển sang lựa chọn sản phẩm có mức giá thấp hơn.

- Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam thông tin, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam đạt 167 triệu USD, tăng 5% so với tháng 5/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay đạt 747 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Lũy kế XK cá tra sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 203 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-206-tich-luy-trong-bien-do-1270-1290-diem-a669122.html