Lăng kính Paris 2024: Tổ chức Thế vận hội đắt hay rẻ?

Đài lửa đã được thắp lên, các cuộc tranh tài đã bắt đầu, đây là lúc mà người ta đặt câu hỏi về những lợi ích của nước Pháp nhận được từ việc đăng cai Thế vận hội khi quốc gia này đã có đến 6 lần tổ chức các sự kiện thế giới cả mùa hè lẫn mùa đông.

Ba tháng trước , hãng tin AFP cho biết, nhiều cuộc thăm dò cho thấy người dân Paris cảm thấy Thế vận hội đang diễn ra vào thời điểm tồi tệ và "những cư dân khó tính của thành phố dường như không có tâm trạng tham gia một bữa tiệc nào". Thế vận hội sẽ được tổ chức trong bối cảnh Pháp đang trải qua tình trạng bất ổn chính trị và sự sạch sẽ của Paris là một mối lo ngại - thành phố này đã gây chú ý vào năm ngoái về sự ô nhiễm trên toàn thành phố.

Bất chấp tất cả những điều này, Paris vẫn nỗ lực hết sức để thực hiện các kế hoạch cho Thế vận hội, giống như tất cả các kỳ Thế vận hội khác, gây ra tổn thất tài chính nặng nề. Hãng tin AP cho biết Paris đã chi ít nhất 9,7 tỷ USD cho chi phí Olympic, trong đó 3,25 tỷ USD được ước tính đến từ người nộp thuế ở Pháp. Thế nên không thể tránh được câu hỏi: liệu một thành phố đăng cai Thế vận hội có mang lại lợi ích gì không? Và đối với các thành phố được chọn bốn năm một lần, họ làm thế nào để cân nhắc chi phí khổng lồ của Thế vận hội, đặc biệt là khi người nộp thuế phải gánh một gánh nặng tài chính lớn?

Chi phí tổ chức Thế vận hội là bao nhiêu?

Không có mức duy nhất, vì hoàn cảnh của mỗi thành phố là khác nhau, nhưng chi phí thường lên tới hàng chục tỷ đô la. Investopedia cho biết, vào năm 2012, London đã chi 14,6 tỷ USD để đăng cai. Athens, Hy Lạp, quê hương của Thế vận hội hiện đại đầu tiên, đã chi 15 tỷ USD vào năm 2004, trong khi Sydney chi 4,6 tỷ USD vào năm 2000 và Rio de Janeiro chi 20 tỷ USD vào năm 2016. Bắc Kinh được cho là đã chi 42 tỷ USD cho Thế vận hội năm 2008. Nhưng đó là kỷ lục đến Sochi, Nga, nơi đã chi 50 tỷ USD cho Thế vận hội mùa Đông vào năm 2014.

Và đây là trước khi tính bất kỳ chi phí bổ sung nào. Investopedia cho biết, khi một thành phố bắt đầu chuẩn bị cho Thế vận hội, sẽ "thường xây thêm đường, xây dựng hoặc nâng cấp sân bay và xây dựng các tuyến đường sắt để đáp ứng lượng lớn người dân". Điều này thường khiến chi phí tăng vọt. Ngoài ra, nhà ở cho các VĐV và hàng nghìn phòng khách sạn cũng phải được cung cấp. Nhìn chung, chỉ riêng chi phí cơ sở hạ tầng của một thành phố Olympic "có thể dao động từ 5 tỷ USD đến 50 tỷ USD".

Các thành phố có được hưởng lợi về mặt kinh tế không?

Có, nhưng không nhiều như bạn nghĩ. Ví dụ, Paris sẽ nhận được lợi ích kinh tế dự đoán là 12,2 tỷ USD trong Thế vận hội sắp tới, theo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) - nhưng thành phố này đã chi 9,7 tỷ USD. Đối với Thế vận hội Olympic sắp tới – Los Angeles vào năm 2028, Milan - Italy vào năm 2026 và Brisbane – Australia Úc vào năm 2032 – “lợi ích kinh tế cho thành phố, khu vực và quốc gia được dự đoán sẽ vượt xa các khoản đầu tư liên quan đến Thế vận hội”. IOC cho biết. Tuy nhiên, dữ liệu từ Thế vận hội Olympic trước đây cho thấy điều này có thể không xảy ra.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho biết, các nghiên cứu của chính phủ "thường lập luận rằng việc tổ chức sự kiện này sẽ mang lại động lực kinh tế lớn bằng cách tạo việc làm, thu hút khách du lịch và thúc đẩy sản lượng kinh tế tổng thể", nhưng đây là "những lợi ích không rõ ràng". CFR trích dẫn một nghiên cứu về Thế vận hội năm 2002 ở Salt Lake cho thấy thế vận hội đã tạo ra "bảy nghìn việc làm bổ sung - khoảng 1/10 con số mà các quan chức đã hứa - và không có sự gia tăng việc làm nào trong thời gian dài". Những công việc này, chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng, thường dành cho những người đã có việc làm. Một nghiên cứu khác được CFR trích dẫn cho thấy chỉ 10% trong số 48.000 việc làm tạm thời trong Thế vận hội London 2012 thuộc về những người trước đây thất nghiệp.

Ngay đến nguồn thu du lịch cũng không tốt. Thậm chí ở các thành phố Olympic thường sụt giảm. CFR cho biết điều này xảy ra vì "an ninh, đông đúc và giá cả cao hơn mà Thế vận hội mang lại đã khiến nhiều du khách nản lòng". Trong khi Barcelona, Sydney và Vancouver đều chứng kiến du lịch tăng nhẹ thì London, Bắc Kinh và Salt Lake "tất cả đều chứng kiến sự sụt giảm về du lịch trong những năm diễn ra Thế vận hội".

Nhìn chung, doanh thu không tương xứng với số tiền thành phố đăng cai bỏ ra. Investopedia cho biết London đã tạo ra doanh thu 5,2 tỷ USD so với 14,6 tỷ USD chi tiêu. Năm 2010, Vancouver chi 7,6 tỷ USD cho Thế vận hội nhưng chỉ thu về 2,8 tỷ USD. Năm 2008, khoản đầu tư 42 tỷ USD của Bắc Kinh chỉ tạo ra doanh thu 3,6 tỷ USD. Trên thực tế, mọi Thế vận hội kể từ năm 1960 đều vượt quá ngân sách và một phân tích từ Đại học Oxford cho thấy các Thế vận hội đã vượt quá chi phí trung bình là 172%. Los Angeles năm 1984 vẫn là "thành phố đăng cai duy nhất thu được lợi nhuận, Investopedia cho biết, nhưng điều này phần lớn là "vì cơ sở hạ tầng cần thiết cho chúng đã tồn tại."

Các thành phố Olympic phải đối mặt với những thách thức nào khác?

Phần lớn số phận không tốt đã xảy ra khi Thế vận hội kết thúc. Nhiều nơi trở thành “voi trắng” – thuật ngữ chỉ sự thua lỗ, lãng phí. Sân vận động Tổ Chim nổi tiếng của Bắc Kinh "tốn 460 triệu USD để xây dựng, cần 10 triệu USD mỗi năm để bảo trì và gần như không được sử dụng kể từ Thế vận hội năm 2008", trong khi "gần như tất cả các cơ sở vật chất được xây dựng cho Athens 2004 không được sử dụng dù đều là xây mới. Montreal đã xây dựng một sân vận động mới đồ sộ cho Thế vận hội vào năm 1976, và hiện nay nó được mô tả là một "hố chôn tiền" khi tốn hàng triệu đô la mỗi năm để bảo trì và không có người thuê lâu dài kể từ năm 2004.

Ngoài cơ sở hạ tầng, những người sống ở thành phố thường có thể bị ảnh hưởng. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Tokyo 2020, khoảng 300 hộ gia đình "đã được di dời để nhường chỗ cho Thế vận hội, trong đó có một số người, do số phận trớ trêu, cũng đã phải di dời vì Thế vận hội Tokyo 1964, tờ Washington Post cho biết. Một người đàn ông, Kohei Jinno, đã bị đuổi khỏi nhà trong cả hai trường hợp để xây dựng sân vận động mới. Điều này buộc ông phải rời khỏi “nơi tôi đã sống lâu nhất trong đời”, Jinno, khi đó 87 tuổi, nói với Reuters vào năm 2021.

Kiểu di dời này không phải là mới. Tờ Post cho biết trong nửa thế kỷ qua, hơn “hai triệu người đã mất nhà cửa do quá trình đô thị hóa và tu sửa các thành phố để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất”. Đối với các thành phố trên khắp thế giới, Thế vận hội "mang đến cơ hội ngàn năm có một để nâng cao uy tín và sự hiện diện quốc tế của họ", Post cho biết - nhưng điều này dường như không phải không có cái giá phải trả về kinh tế và xã hội.

HỒ VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-kinh-paris-2024-to-chuc-the-van-hoi-dat-hay-re-post751359.html