Làng mứt gừng Mỹ Chánh hối hả vào vụ Tết
Những ngày này, đến làng mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, chúng ta dễ dàng bắt gặp không khí sản xuất sôi động. Người người, nhà nhà tất bật, hối hả làm mứt gừng để kịp cung ứng cho thị trường dịp tết Nguyên đán. Đây cũng là vụ sản xuất chính trong năm để người dân có thêm nguồn thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống từ lâu đời. Ban đầu chủ yếu là để phục vụ trong gia đình, sau đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số hộ trong làng đã thu mua nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất mứt gừng để bán vào dịp tết Nguyên đán.
Dần dần, cả làng học hỏi nhau cùng sản xuất mứt gừng và trở thành một làng nghề. Mứt gừng Mỹ Chánh cứ thế xuất hiện khắp các địa phương trong tỉnh rồi có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến hẹn lại lên, hằng năm cứ đến khoảng đầu tháng 11 âm lịch là người dân làng mứt gừng Mỹ Chánh lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu, triển khai làm mứt gừng. Trong nhiều năm qua, nghề làm mứt gừng vào dịp Tết đã giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định.
Được xem là một trong những lò sản xuất mứt gừng lớn nhất làng mứt gừng Mỹ Chánh, cơ sở sản xuất mứt gừng Tuấn Tâm hiện có gần 50 lao động đang tất bật với các công đoạn như: cạo vỏ, bào gừng, luộc gừng, tách mứt, đóng bao...
Giống như những năm trước, cứ đến dịp này là từ sáng đến tối muộn, cơ sở lúc nào cũng có người đến lấy mứt gừng mang đi tiêu thụ. Ông Hồ Ngọc Tuấn, chủ cơ sở sản xuất mứt gừng Tuấn Tâm cho biết, để làm ra những lát mứt gừng Mỹ Chánh có vị cay nồng đặc trưng, gừng nguyên liệu được lựa chọn làm mứt phải là củ gừng tươi, nhiều nhánh. Gừng chủ yếu được nhập về từ các tỉnh Tây Nguyên do gừng trồng ở đó vừa có kích cỡ lớn, đảm bảo lát gừng to, già, đẹp mắt, vừa có hàm lượng tinh dầu cao, cho vị cay nồng nhưng lại không hăng như trồng ở các nơi khác.
Gừng sau khi gọt vỏ sẽ được bào thành lát mỏng, rửa sạch rồi luộc kỹ với chanh và giấm sau đó được vớt ra, rửa lại rồi đưa vào ngào với đường trên chảo nóng. Trong quá trình ngào với đường, để mứt gừng không bị cháy, đóng cục, người đứng bếp phải đảo đều tay và giữ độ lửa phù hợp để đường và gừng hòa quyện vào nhau. Mứt gừng ngào xong được đổ ra nơi thoáng mát rồi dùng đũa để tách, không để các lát mứt dính vào nhau.
Đối với cơ sở của ông Tuấn, đến nay đã sản xuất được khoảng 30 tấn mứt gừng và được bán đi khắp cả nước. Bên cạnh các bạn hàng truyền thống và bán lẻ, ông còn tận dụng mạng xã hội facebook để quảng bá sản phẩm mứt gừng của mình đến đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết, cơ sở thuê thêm gần 50 lao động làm việc thời vụ. Mỗi ngày sản xuất từ 4 - 5 tạ mứt gừng.
Mỗi lao động được trả công từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, một số lao động làm những việc có độ khó cao hơn được trả công lên đến 400.000 - 500.000 đồng/ngày. “Với các đơn hàng đã ký kết, dự kiến vụ Tết năm nay chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 40 tấn mứt gừng, doanh thu hơn 2 tỉ đồng. Trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng”, ông Tuấn cho hay.
Trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất bảo quản nào, có vị thơm, cay nồng đặc trưng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng nên sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng trong dịp Tết. Ngoài ra, mứt gừng còn theo chân bà con đi làm ăn xa về thăm quê mang đi như muốn níu giữ một chút hương vị Tết quê nhà.
Ông Bùi Văn Sinh cho biết, hiện tại toàn xã có khoảng 60 - 70 hộ sản xuất mứt gừng, trong đó có khoảng 10 hộ sản xuất quy mô lớn. Sản lượng dự kiến hơn 100 tấn mứt gừng, mang lại doanh thu khoảng 6 - 7 tỉ đồng. Năm nay giá mứt gừng có tăng hơn so với năm trước, ở mức 55.000 - 70.000 đồng/kg nên người làm nghề rất phấn khởi.
Theo ông Sinh, tuy chỉ làm trong một thời gian ngắn nhưng nghề làm mứt gừng truyền thống không chỉ giúp các hộ cơ sở sản xuất có lợi nhuận khá mà còn mang lại một khoản thu nhập đáng kể cho hàng trăm lao động thời vụ tại địa phương vào mỗi dịp Tết.
Để phát triển làng nghề, bên cạnh hương ước của làng, ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND xã đã tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, ký cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến, tất cả các công đoạn sản xuất phải được thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác..., hộ nào vi phạm sẽ không được tiếp tục sản xuất.
Đồng thời, xây dựng đề án phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn và đã được HĐND xã thông qua. Qua đó, khuyến khích người dân đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ các cơ sở tham gia các hội chợ, triển lãm, các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.
“Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại mứt nhưng mứt gừng Mỹ Chánh vẫn giữ được chất lượng cao và hương vị riêng. Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu để sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh có chỗ đứng trên thị trường. Từ đó giúp làng nghề phát triển bền vững và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”, ông Sinh cho biết thêm.