Làng mứt gừng 'trúng đậm' ngày cận Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán, những người làm nghề sản xuất mứt gừng tại thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đang tất bật vào vụ sản xuất. Năm nay, do thời tiết lạnh nên lượng khách hàng đặt mua mứt sớm và nhiều hơn so với năm trước.
Đến thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) - đại danh sản xuất món mứt gừng nổi tiếng cả nước những ngày này có thể dễ dàng cảm nhận hương vị thơm nồng và không khí nhộn nhịp trong cao điểm mùa mứt Tết.
Những ngày đầu tháng 12 Âm lịch chính là thời điểm bước vào cao trào của vụ sản xuất mứt gừng của thôn Mỹ Chánh chuẩn bị bán ra dịp Tết nguyên đán.
Theo chia sẻ của người dân, nghề làm mứt gừng của thôn Mỹ Chánh được truyền lại từ thế hệ cha ông. Trước đây, việc sản xuất mứt gừng chủ yếu để phục vụ nhu cầu của các gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, nghề sản xuất mứt gừng đã mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân tại địa phương.
Bà Võ Thị Thiều (61 tuổi, trú thôn Mỹ Chánh) cho biết, như chế biến các món ẩm thực khác, để mứt gừng giòn, ngon đòi hỏi người chế biến phải có sự nhạy cảm để cảm nhận được sự vừa đủ trong mỗi công đoạn.
Theo bà Thiều, nguyên liệu tạo nên mứt gừng rất đơn giản chỉ gồm đường trắng và gừng tươi. Tuy nhiên, để tạo ra thành phẩm đặc trưng, thơm ngon, ấm nồng, giòn tan và mang đậm hương vị ẩm thực địa phương thì mỗi giai đoạn đều phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
“Gừng được lựa chọn làm mứt phải là những củ không được quá già hoặc quá non. Nếu già quá sẽ bị xơ khiến người ăn cảm thấy khó chịu và làm giảm độ giòn ngon của mứt, ngược lại, nếu gừng non quá thành phẩm tạo ra sẽ không đủ vị cay nồng và mùi thơm đặc trưng”, bà Thiều chia sẻ.
Những người làm mứt gừng lâu năm tại đây chia sẻ thêm, trong các công đoạn sản xuất quan trọng nhất là công đoạn rim.
Ở giai đoạn này, gừng thường được trộn đường với tỷ lệ 1.2kg đường trắng/1kg gừng tươi trong một thời gian rồi cho vào các chảo lớn để rim. Để có mẻ mứt ngon người thợ phải dùng đũa đảo liên tục để đường không bị cháy gây mất màu sắc, mùi vị của mứt. Đặc biệt, họ phải cảm nhận được “độ tới” để dừng công đoạn rim mứt đúng lúc.
Kết thúc công đoạn rim, mứt được để nguội trước khi đổ ra từ khay riêng có lót giấy và hong khô tự nhiên. Lúc này, người thợ sẽ đeo găng tay hoặc dùng một thanh tre đảo qua, đảo lại nhiều lần cho gừng được tan ra. Việc còn lại cuối cùng là đóng gói mứt gừng và chuyển đi tiêu thụ.
Là một hộ sản xuất mứt gừng với số lượng lớn tại thôn Mỹ Chánh, bà Lê Thị Mỹ Ny (40 tuổi) cho hay, năm nay, lượng khách đặt mua mứt gừng nhiều và sớm hơn so với cùng kỳ năm trước.
“Những năm thời tiết ấm áp, lượng khách đặt mua hàng chỉ tăng mạnh từ cuối tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, từ trước dịp Giáng sinh (khoảng đầu tháng 11 âm lịch) gia đình tôi đã phải thuê thêm người làm để sản xuất kịp đơn đặt hàng của khách”, bà Ny nói.
Mỗi năm, các cơ sở sản xuất mứt gừng tại thôn Mỹ Chánh cung ứng ra thị trường khoảng 70 tấn mứt thành phẩm, qua đó góp phần đáng kể trong sự phát triển kinh tế của các hộ gia đình tại thôn Mỹ Chánh nói riêng và toàn xã nói chung. Nghề sản xuất mứt gừng tại Mỹ Chánh đang tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động trên địa bàn.
Hiện tại mứt gừng đang được bán với giá thành khác nhau tùy thuộc theo số lượng và chất lượng sản phẩm khách hàng yêu cầu. Trong đó, phổ biến giá sỉ đang được bán ở mức 46 - 47 nghìn đồng/kg.
Ông Bùi Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, là nghề đã có từ lâu đời nên gần như gia đình nào ở thôn Mỹ Chánh cũng có thể chế biến mứt gừng. Trong đó, có 16 hộ dân tại thôn Mỹ Chánh sản xuất mứt gừng với quy mô lớn. Hiện mỗi ngày có khoảng 15 - 20 lao động đang làm việc tại các cơ sở này.
Theo ông Bùi Văn Sinh, việc sản xuất mứt gừng tại thôn Mỹ Chánh mang ý nghĩa “kép”. Ngoài giá trị về mặt kinh tế như trên thì mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề các cơ sở phải tăng cường sản xuất để kịp cung ứng nhu cầu của khách hàng khiến không khí tại vùng quê này trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn.
“Mùi mứt gừng phảng phất khắp đường làng, lối xóm cũng tạo ra hương vị đặc trưng riêng của vùng quê này - một hương vị gợi lên hình ảnh Tết đoàn viên và sum vầy”, ông Sinh nói.
Mứt gừng ở thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh) là món ăn quá quen thuộc của người dân những dịp Tết cổ truyền. Dù ở đâu trên mọi miền Tổ quốc, nghe thấy mùi thơm nồng của hương vị mứt gừng ai cũng biết Tết đã đến gần để nhanh tay thu vén về quê dâng đĩa mứt gừng lên bàn thờ gia tiên.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/lang-mut-gung-trung-dam-ngay-can-tet-d196238.html