Lắng nghe để chăm lo trẻ em
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần hai triệu trẻ em, chiếm gần 20% số dân của thành phố. Bên cạnh các hoạt động chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ tương lai, môi trường đô thị đang có những tác động tiêu cực đến thiếu nhi, đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp hiệu quả để tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho các em.
Thiếu sân chơi, thiếu các kỹ năng để phát triển cũng là thực trạng chung của rất nhiều thiếu nhi thành phố. Thực tế cho thấy, thành phố vẫn đang cần rất nhiều trung tâm vui chơi giải trí công cộng có thể tiếp cận được tất cả các đối tượng thiếu nhi trên địa bàn.
Lắng nghe các em nói…
Nhận thấy trong đời sống và ở nhà trường có quá ít sân chơi cho thiếu nhi, em Ðặng Trần Huyền Thư (lớp 7A3, Trường THCS Hoa Lư, thành phố Thủ Ðức) mang trăn trở này bày tỏ tại buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố. Ðặng Trần Huyền Thư mong ước thành phố có thêm nhiều sân chơi đa dạng hơn nữa để các em có cơ hội rèn luyện thể dục thể thao. Rộng hơn, bạn học sinh lớp 7 này nhận thức rằng, thể thao chính là một trong những hướng hội nhập quốc tế, giúp đất nước sánh vai với các cường quốc. Nếu các bạn được tiếp cận và phổ cập các hoạt động thể dục, thể thao từ nhỏ thì thành phố sẽ có thêm kênh để tuyển mộ nhân tài cho thể dục, thể thao trong tương lai. Quan tâm đến môi trường học thuật, nhất là cách thức dạy môn Lịch sử, em Nguyễn Vương Song My, Trường THCS Hoàng Lê Kha, quận 6 cho rằng, là một môn học rất quan trọng nhưng đang được giảng dạy chưa thật sự hấp dẫn để hướng các thế hệ học sinh ý thức, tự hào về lịch sử dân tộc. Các kiến thức lịch sử dù rất hay nhưng việc truyền tải, cách thức giảng dạy còn nhiều hạn chế khiến nhiều bạn chỉ học theo cách đối phó thay vì đam mê, tìm tòi. Trước đại diện Sở Giáo dục và Ðào tạo, lãnh đạo thành phố, em Nguyễn Vương Song My mạnh dạn đề xuất và mong muốn chương trình giảng dạy môn Lịch sử cần thay đổi để hấp dẫn hơn, thời lượng phù hợp hơn. Ngoài các kiến thức từ sách vở, ngành giáo dục cần "nâng tầm" cách truyền đạt thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc ứng dụng công nghệ, tận dụng mạng xã hội để truyền tải kiến thức môn Lịch sử đến với học sinh tốt hơn...
Ðó là một trong số hơn 100 ý kiến của thiếu nhi thành phố gửi đến lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo thành phố trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với thiếu nhi mới đây. Không chỉ bận rộn với việc học hằng ngày, nhiều em thiếu nhi đã dành thời gian để tìm hiểu về các chủ đề "nóng" của thành phố như: vấn nạn ô nhiễm môi trường; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các chính sách cụ thể hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật; môi trường an toàn, thông tin tiêu cực đến trẻ em khá nhiều cũng tác động không tốt cho sự phát triển của thiếu nhi.
Giải pháp tạo sức "đề kháng"
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt và là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục lớn nhất nước với quy mô dân số khoảng 10 triệu người; trong đó, có gần hai triệu trẻ em, chiếm tỷ lệ gần 20% số dân của thành phố. Với nhiều thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, song Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã luôn chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển giáo dục và đào tạo về cả quy mô số lượng và chất lượng. Hệ thống trường, lớp phát triển mạnh, chất lượng đào tạo của nhà trường đã có sự tiến bộ rõ rệt. Ngân sách thành phố dành 25%-28% chi đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Các chính sách phát triển giáo dục mầm non, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thực hiện giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân ở các trường mầm non ở khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp; chương trình sữa học đường; chương trình sức khỏe học đường,... được thực hiện hiệu quả để góp phần chăm lo cho thiếu nhi, trẻ em thành phố. Năm 2020, 2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hệ thống Giáo dục và Ðào tạo thành phố đã nỗ lực chuyển đổi sang hình thức dạy và học trực tuyến. Ngành Y tế đã phối hợp nhiều chương trình, kế hoạch, phương án bảo vệ trẻ em, chủ động thực hiện việc tiêm vắc-xin để bảo đảm an toàn cho trẻ em từ 5 tuổi đến 18 tuổi. Ðặc biệt, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với xã hội, trong đó có đối tượng trẻ em, thành phố đã lãnh đạo và thực hiện các hoạt động chung tay để đồng hành, chăm lo cho trẻ mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trao đổi cùng các lãnh đạo sở, ngành tại buổi gặp gỡ với thiếu nhi thành phố mới đây, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị: Các cơ quan chức năng, Ðoàn, Hội cần trang bị cho thiếu nhi những kỹ năng trong thời đại số, kỹ năng sàng lọc thông tin, biết chọn cái hay, cái tốt để học, qua đó tạo cho các em kỹ năng để "đề kháng" với những điều tiêu cực trong cuộc sống. Các đơn vị phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em; phối hợp chặt chẽ tổ tư vấn tâm lý học đường ở các trường học để kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh; tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em; tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh để các em nhận được sự chăm lo, giáo dục và học tập một cách hiệu quả nhất. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố cũng mong muốn các bậc cha mẹ dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm, chăm lo, lắng nghe và đồng hành cùng con em mình, cùng nhà trường, xã hội định hướng cho các em trong học tập, rèn luyện, trao đổi kiến thức, nâng cao kỹ năng, phòng, chống bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/lang-nghe-de-cham-lo-tre-em-701168/