Làng nghề dịp cuối năm

Từ đầu tháng Chạp, các làng nghề có sản phẩm đặc trưng phục vụ Tết như: Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làm hương, sản xuất hoa, cây cảnh hay chế biến nông sản… đều trở nên nhộn nhịp. Các hộ gia đình, cơ sở làng nghề như chạy đua với thời gian để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Sản xuất hương tại Làng nghề hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên)

Về Làng nghề miến dong Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ) ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận mùa xuân đang đến sớm hơn với nơi này. Dọc các trục đường liên thôn, liên xã, những chiếc xe ô tô tải chở đầy sản phẩm miến dong của làng nghề tỏa đi muôn nơi. Khắp các thôn, xóm, nhà nào cũng tất bật sản xuất, phơi miến, đóng gói hàng hóa, tạo nên không khí lao động sản xuất nhộn nhịp. Nếu ngày thường, mỗi cơ sở chỉ sản xuất trung bình trên 2 tấn miến/ngày thì từ tháng 11 âm lịch cho tới áp Tết, công suất được tăng lên 30 – 50%, máy móc hoạt động suốtngày, đêm không ngơi nghỉ. Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2021, Làng nghề miến dong Lại Trạch cung cấp ra thị trường trên 8 nghìn tấn sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Hưng, hộ sản xuất miến dong thôn Lại Trạch cho biết: Bước vào vụ sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất trên 1,5 tấn miến cung cấp cho thị trường. Để bảo đảm sản xuất kịp đơn đặt hàng, gia đình tôi phải thuê thêm lao động thời vụ. Dự kiến năm nay, gia đình tôi sản xuất trên 80 tấn miến dong cung cấp cho thị trường. Ngoài các đơn hàng nội tỉnh được khách hàng đến chở đi tiêu thụ, khách hàng ngoài tỉnh yêu cầu, gia đình còn chở đến địa chỉ theo đơn đặt hàng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Miến dong là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Thời gian này, hầu hết các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh đều tăng lượng đặt hàng nhằm bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Cuối năm được xem như là “thời điểm vàng” của Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm). Các cơ sở đúc đồng thường xuyên đỏ lửa và không ngớt âm thanh của máy móc hỗ trợ. Ông Dương Văn Hồng, một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề đúc đồng cho biết: Gia đình tôi chuyên sản xuất các sản phẩm đồ thờ như: Bộ ngũ sự, chân hương, đỉnh hạc, tượng đồng và tranh đồng treo tường. Trung bình, gia đình tôi sản xuất khoảng 60 bộ đồ thờ cúng, tranh treo tường/tháng. Tuy nhiên, vào mỗi dịp cuối năm, gia đình tôi phải tăng công suất gấp 3 lần để kịp trả hàng cho khách. Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng hiện có gần 200 hộ sản xuất, kinh doanh, gia công đồ đồng. Trung bình mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường trên 5,5 nghìn bộ sản phẩm, trong đó sản phẩm cung cấp ra thị trường 3 tháng cuối năm chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm cả năm. Do đó, để giảm áp lực sản xuất, các cơ sở sản xuất của làng nghề sản xuất theo hình thức chuyên nghiệp hóa theo từng công đoạn, mỗi hộ gia đình đảm nhận một khâu để tạo nên sản phẩm có độ tinh xảo, sắc nét, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, không khí lao động sản xuất không chỉ nhộn nhịp ở các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, làng nghề sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ mà tại các làng nghề sản xuất mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết như: Chế biến mứt, làm hương, sản xuất hoa, cây cảnh… cũng tăng từ 50 – 100% công suất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Sự năng động của các làng nghề hứa hẹn mang lại đời sống ngày càng ấm no hơn cho người dân vùng nông thôn.

Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 41 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tăng 2 làng nghề so với năm 2020. Để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc, đổi mới thiết bị trong sản xuất, bảo vệ môi trường làng nghề. Nhờ có hướng đi phù hợp, các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Năm 2021, tổng doanh thu của các làng nghề đạt trên 7,3 nghìn tỷ đồng. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ làng nghề đã được phê duyệt, chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển làng nghề, đào tạo lao động… góp phần phát huy nội lực cho các hộ sản xuất, cơ sở tại làng nghề hoạt động tốt, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202202/lang-nghe-dip-cuoi-nam-2fc0830/