Làng nghề hối hả vào Xuân

Khi những chồi non lộc biếc đang cựa mình sinh sôi, mùa Xuân đang đến gần là lúc người dân làng nghề hối hả sản xuất, tạo ra số lượng hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết. Nhiều sản phẩm đặc trưng vùng Đất Tổ đã tạo nên thương hiệu vươn xa thị trường tỉnh bạn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời điểm cuối năm, Làng nghề hoa làng Thượng, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh tập trung chăm sóc, đa dạng hóa các giống hoa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Năm 2021, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, sản xuất Làng nghề gặp nhiều khó khăn. Để chủ động thích ứng linh hoạt, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới, các Làng nghề đã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có về ngành nghề truyền thống của địa phương; tập trung mở rộng quy mô, nâng cấp công nghệ, ổn định chất lượng sản phẩm. Đồng thời tận dụng nguyên liệu, tiếp tục mở rộng thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh; đổi mới phương thức tiếp thị, phát triển kênh bán hàng online phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các Làng nghề trụ vững trong mùa dịch, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kết nối, tìm cách tháo gỡ khó khăn về đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; phổ biến, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển đối với Làng nghề hiện nay.
Đang chăm sóc vườn hoa của gia đình, ông Lê Quốc Trị - Phó Trưởng Làng nghề trồng hoa Làng Thượng, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh dừng tay phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về nghề trồng hoa của mình: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng hoa cúc, những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, tôi đã học hỏi để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu trồng và chăm sóc, đầu tư mở rộng diện tích để trồng thêm một sào hoa ly. Nhờ trồng hoa, gia đình tôi luôn có thu nhập ổn định và mua sắm được nhiều đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Năm nay dịch bệnh phức tạp, tôi chủ động phát triển dịch vụ giao hàng tận nơi để thuận tiện cho khách hàng”.Những tháng cận Tết, cánh đồng hoa Làng Thượng càng trở nên rực rỡ hơn bởi được tô điểm thêm những loại hoa chỉ có vào vụ Tết như: Ly, lay ơn, cúc họa mi… Để đảm bảo hàng hóa phục vụ dịp Tết, hơn 30 hộ dân trồng hoa nơi đây đã quen với cảnh thức khuya, dậy sớm, chạy đua với thời gian, khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận, chăm sóc từng cây hoa theo đúng kỹ thuật. Nghề trồng hoa Làng Thượng đã khẳng định vị trí của mình bằng việc đóng góp đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của xã Tiên Du và giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập cao hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình trong làng.Ông Lê Xuân Kết - Chủ tịch UBND xã Tiên Du chia sẻ: “Tiên Du là xã đầu tiên cán đích NTM của huyện Phù Ninh, phát triển Làng nghề hoa làng Thượng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM. Với mục tiêu giữ gìn và phát triển Làng nghề truyền thống, xã tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu hoa Làng Thượng để vươn rộng thị trường ra ngoài huyện, ngoài tỉnh”.

Sản phẩm tương của Làng nghề tương Dục Mỹ từng bước vươn ra thị trường trên cả nước.Tạm biệt cánh đồng hoa Làng Thượng, chúng tôi đến với Làng nghề tương Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao. Anh Bùi Kim Liên - một trong những hộ sản xuất tương với quy mô lớn của xã cho biết: “Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất khoảng 200 lít tương, mang lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, tôi xác định, muốn bán được hàng nhiều, việc xâm nhập thị trường phải theo hướng mới, sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến để quảng bá sản phẩm, tạo dựng uy tín và hình ảnh thương hiệu tương Dục Mỹ trên thị trường”.

Ông Nguyễn Hồng Quân ở khu 15, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao - thành viên Làng nghề tương Dục Mỹ kiểm tra sản phẩm tương trước khi bán cho khách hàng.
Trải qua nhiều thế hệ, người làm tương ở đây luôn có ý thức bảo tồn và gìn giữ nghề làm tương truyền thống. Tương được ủ chín đủ ngày có màu vàng hơi đỏ, vị thanh, không gắt, ngọt đậm mà không mặn, mang hương vị đặc trưng chỉ có ở Làng Dục Mỹ. Thời gian này đang là cao điểm phục vụ thị trường Tết nên các hộ làm nghề phải nỗ lực cao độ để sản phẩm kịp giao hàng cho khách. Mỗi năm sản phẩm Làng nghề sản xuất ra 100.000 lít tương, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động với tổng thu nhập khoảng 3 tỉ đồng. Đầu ra sản phẩm thuận lợi, thu nhập cũng tăng khiến các hộ làm nghề rất phấn khởi và càng tích cực sản xuất để có khoản thu nhập đáng kể tiêu dùng cho Tết.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 75 Làng nghề được công nhận, một số Làng nghề có tiềm năng phát triển mạnh với nhiều sản phẩm có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có thương hiệu gắn với các sản phẩm OCOP. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 57 sản phẩm OCOP được phân hạng, trong đó có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, chủ yếu là sản phẩm đặc trưng của Làng nghề, có thế mạnh và nét văn hóa của các địa phương như: Bưởi Đoan Hùng, chè xanh chất lượng cao, thịt chua, mỳ gạo, mật ong… Sản phẩm đã được các huyện, thị và các chủ thể đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác, thu hút người tiêu dùng; có đầy đủ các thông tin cần thiết của sản phẩm; mã QR, mã vạch… bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, các Làng nghề đã bước đầu ứng dụng công nghệ để mở thêm các kênh tiêu thụ thông qua website; mạng xã hội… Một mùa Xuân nữa lại về, dòng người đang hối hả mang theo bao niềm vui và cả những trăn trở của người dân Làng nghề. Để giữ nghề và sản phẩm của mình được tiến xa hơn nữa, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh như hiện nay thì không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo, mà cần có thêm sự hỗ trợ về vốn, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất… Đây sẽ là hành trang giúp các Làng nghề tiếp tục phát triển trong tương lai.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/lang-nghe-hoi-ha-vao-xuan-181933