Làng nghề 'khát' lao động dịp cuối năm

Sẵn sàng chi trả mức lương khá cao cho nhân công lao động, nhưng nhiều xưởng sản xuất ở làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên vẫn khó thu hút người lao động có tay nghề cao nhằm phục vụ sản xuất, đảm bảo lượng hàng hóa vào những tháng cuối năm.

Tại cơ sở của anh Nguyễn Hữu Mạnh, mỗi nhân công đều phải chia công việc ra từng công đoạn và làm thêm giờ không kể ngày đêm để kịp tiến độ giao hàng cho khách.

Tại cơ sở của anh Nguyễn Hữu Mạnh, mỗi nhân công đều phải chia công việc ra từng công đoạn và làm thêm giờ không kể ngày đêm để kịp tiến độ giao hàng cho khách.

Đến làng nghề mộc, thị trấn Thanh Lãng vào thời điểm hiện tại, chúng tôi cảm nhận không khí ở đây đang rất khẩn trương, hối hả để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu khách hàng những tháng cuối năm.

Bên cạnh việc nối lại các nguồn cung cấp hàng hóa, các xưởng sản xuất đồ gỗ, làng nghề còn tìm cách thu hút lại nguồn nhân công lao động, đặc biệt là người lao động có tay nghề cao bằng việc trả mức lương rất hậu hĩnh, nhưng tình hình thiếu lao động dịp cận Tết vẫn là một bài toán nan giải đối với các chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Hữu Mạnh, chủ cơ sở đồ gỗ Mạnh Hằng, TDP Đoàn Kết cho biết: “Hiện nay, cơ sở sản xuất và cửa hàng bán đồ gỗ của chúng tôi đang duy trì từ 10 - 12 nhân công lao động, trong đó, chỉ có một người là thợ cả. Tháng cuối năm này, đơn hàng nhiều, để đảm bảo sản xuất đúng tiến độ giao hàng cho khách, chúng tôi đã huy động nhân công làm thêm giờ, có khi làm đến 1h sáng, vì nếu không sẽ không kịp hàng giao cho khách.

Thời điểm 2 tháng trước Tết là thời điểm thiếu hụt nhân công trầm trọng, mức chi phí chi trả cho thợ cao hơn, bình thường ngày công khoảng từ 300-400.000 đồng/người/ngày, hiện tại có khi trả đến 700.000 đồng/ngày mà vẫn không có thợ tay nghề cao để làm.

Chủ yếu thợ cả và nhân công ở đây đều là người trong làng, xưởng của tôi vẫn thiếu hụt nhiều lao động có tay nghề cao trong một số công đoạn cần đến độ tỉ mỉ, chính xác, quan trọng. Với những đơn hàng, hợp đồng nhận về dịp cuối năm này, tôi rất lo lắng vì không biết có thể xoay sở kịp để trả hàng đúng hẹn được không. Cũng chỉ biết động viên anh chị em trong xưởng cố gắng làm tăng ca để kịp tiến độ”.

Cùng chung mối lo lắng do nguồn nhân công dịp cận Tết Nguyên đán bị thiếu hụt, anh Nguyễn Đăng Chung, chủ cơ sở sơn tại TDP Đồng Sáo, thị trấn Thanh Lãng chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi hiện chỉ có 4 nhân công, công đoạn của cơ sở là sơn và hoàn thiện giai đoạn cuối của sản phẩm. Vào dịp cuối năm, hàng hóa nhiều, xưởng phải huy động nhân công làm tăng ca, trung bình từ 10-12 tiếng/ngày, không có ngày nghỉ.

Những ngày cận Tết không có thợ, chúng tôi không nhận được thêm những đơn hàng của khách lẻ vì lo lắng không đáp ứng kịp nhu cầu.

Do tăng ca, thêm giờ làm nên mức lương của thợ cũng trả cao hơn ngày thường gấp 1,5 lần để động viên người lao động, chứ thời điểm này để tìm được nhân công đáp ứng nhu cầu công việc khó như “mò kim đáy bể”.”

Càng về những tháng cuối năm, nhiều xưởng sản xuất ở làng nghề mộc Thanh Lãng đang phải đôn đáo tuyển lao động để hoàn thành các đơn hàng đã đặt từ trước.

Mặc dù đã đưa ra mức thù lao cao kèm theo nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để mong giữ chân người lao động, thợ có tay nghề cao, nhưng khi được đề cập, các chủ xưởng mộc, cơ sở sản xuất tại đây đều nhận định rằng vẫn rất khó khăn trong việc tuyển người, nhất là nguồn lao động trẻ tại địa phương.

Chủ tịch Hội Làng nghề thị trấn Thanh Lãng Kim Văn Gia cho biết: “Hiện, trên địa bàn thị trấn có hơn 2.900 lao động làm nghề mộc. Trong đó, có 580 hội viên chính thức, sinh hoạt tại 11 chi hội.

Để đảm bảo nhu cầu nguồn lao động, nhất là nguồn lao động sản xuất hàng hóa trong dịp cuối năm, chúng tôi đã khuyến khích các cơ sở sản xuất giao khoán sản phẩm cho nhân công tại xưởng, bảo đảm thực hiện các công đoạn theo từng quy trình.

Tuy nhiên, khó khăn gặp phải là tại làng nghề đang thiếu đi nguồn lao động trẻ, do con em trong vùng hầu hết đều đi làm tại các doanh nghiệp, một số khác vì chưa có đủ tay nghề nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Hi vọng, các cấp chính quyền sẽ có những chính sách hỗ trợ, đầu tư thêm phương tiện, máy móc để nâng cao năng suất lao động, đồng thời tạo các kênh thông tin hỗ trợ các cơ sở, xưởng sản xuất trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Chúng tôi mong nuốn chính quyền hỗ trợ mở thêm các lớp dạy nghề trên địa bàn thị trấn để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề, thu hút nguồn lao động trẻ bám làng, tiếp tục phát triển làng nghề truyền thống trong tương lai”.

Bài, ảnh: Huyền Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72330/lang-nghe-%E2%80%9Ckhat%E2%80%9D-lao-dong-dip-cuoi-nam.html