Làng nghề làm guốc gỗ ở Bình Dương nhộn nhịp những ngày giáp Tết
Những ngày này, các nghệ nhân làng guốc gỗ ở phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tất bật hoàn thiện những đôi guốc gỗ mộc mạc, giản dị nhưng mang đậm hồn Việt, đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Những ngày này, đến thăm các cơ sở sản xuất guốc gỗ truyền thống tại phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương, ai nấy đều cảm nhận được không khí làm việc tất bật, nhộn nhịp.
Tiếng máy cưa rít lên, tiếng búa đóng guốc đều đặn vang khắp xưởng sản xuất tạo nên một bản giao hưởng của nghề thủ công. Mùi gỗ thơm thoang thoảng quyện lẫn với mùi sơn, mùi keo dán...tạo nên một mùi đặc trưng của làng nghề guốc mộc cùng với không gian làm việc khá độc đáo.
Theo các nghệ nhân, để có một đôi guốc gỗ hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc chọn lựa những khúc gỗ chất lượng, sau đó cưa, bào và tạo hình đế guốc.
Tiếp theo, bề mặt guốc được mài nhẵn và đánh bóng, rồi đến công đoạn trang trí với các họa tiết tinh xảo. Cuối cùng, đế guốc được đóng chắc chắn và quai guốc được gắn vào.
Theo bà Nguyễn Thanh Cần (45 tuổi), mỗi đôi guốc là một tác phẩm nghệ thuật thủ công, mang đậm dấu ấn cá nhân của người thợ. "Công đoạn nào cũng quan trọng và khó nên phải tỉ mỉ mới làm được, chứ đại khái, qua loa thì đôi guốc lên không duyên dáng. Mỗi một người làm xong là tôi phải kiểm tra sản phẩm nó đã đẹp chưa. Từ một khúc gỗ mà ra thành đôi guốc gỗ cho người ta mang khiến tôi rất thích".
Ông Nguyễn Văn Sự (66 tuổi), chủ cơ sở guốc gỗ Hai Sự chia sẻ, công việc làm guốc gỗ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của gia đình ông.
Theo ông Sự, trước đây, các công ty lớn có nhiều đơn hàng xuất khẩu nên cơ sở cũng bận rộn. Từ khi dịch bệnh Covid-19 đến nay, gia đình chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ. Dù vậy, ai cũng vui vì vẫn còn người đam mê sản phẩm guốc gỗ truyền thống.
“Hồi trước, mấy công ty lớn làm nhiều nên mình làm giao mộc (đế guốc) cho người ta sơn. Nay các công ty không xuất khẩu được và chỉ bán nội địa nên cơ sở cũng bán được lai rai, đủ sống qua ngày”.
Cố giữ lấy nghề
Những năm gần đây, để chinh phục khách hàng, các cơ sở sản xuất guốc gỗ ở Bình Dương không ngừng sáng tạo, làm nên những đôi guốc với họa tiết sinh động, được khắc họa tinh tế trên đế gỗ. Đặc biệt, nghệ nhân đã khéo léo kết hợp những mẫu quai dép độc đáo, tạo nên những đôi guốc đẹp, bắt mắt.
Bà Võ Thị Ly (65 tuổi) chia sẻ, với mong muốn giữ gìn và phát triển nghề làm guốc truyền thống, các nghệ nhân luôn tìm tòi, tạo ra những mẫu mã mới lạ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi đôi guốc gỗ đều mang trong mình tâm huyết của người thợ, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của quê hương. Tuy nhiên, khi nhu cầu của thị trường ngày càng thay đổi, bà Ly rất lo lắng cho tương lai của nghề làm guốc gỗ: "Nghề này theo từng giai đoạn, từng năm, từng tháng chứ không đều, có lúc làm không kịp, có lúc ế. Nhiều lúc cũng phải nghỉ 5 - 10 ngày hay nửa tháng, nghỉ ở không vì không có hàng làm”.
Cùng tâm trạng như bà Ly, anh Nguyễn Minh Nhựt (33 tuổi) chia sẻ: "Thực chất nghề này bây giờ chỉ người nhà làm, chứ nhiều người thấy cái nghề cưa này là sợ lắm. Tôi nghĩ giờ tới đâu hay tới đó vì đâu biết khi nào mình nghỉ, còn cây thì còn làm, còn người đặt thì mình vẫn làm bình thường".
Nghề làm guốc truyền thống ở Bình Dương đã có lịch sử hơn 100 năm. Trước đây, khu này rất sầm uất với cả trăm hộ gia đình làm nghề, vì vậy mà ở đây có hẳn một con đường mang tên “Xóm Guốc”.
Năm 1999, tên đường được công nhận và ghi vào hệ thống các tên đường của thành phố Thủ Dầu Một. Sau này, do sự cạnh tranh của các sản phẩm giày dép hiện đại, nhiều cơ sở sản xuất guốc đã phải đóng cửa.
Để bảo tồn và phát triển nghề làm guốc, các cơ quan chức năng địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đang xây dựng các tour du lịch làng nghề nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm guốc gỗ đến du khách trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giúp bảo tồn nghề truyền thống mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.