Làng nghề Mật Sơn hối hả vào vụ

Những ngày này, không khí sản xuất để chuẩn bị cho nhu cầu người dân dịp Tết Nguyên đán ở làng nghề làm hàng mã truyền thống Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) lại nhộn nhịp, tất bật hơn bao giờ hết.

Dịp tết ông Công, ông Táo năm nay, cơ sở sản xuất hàng mã Minh Thanh, phố Mật Sơn đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, thiết kế đẹp mắt.

Dịp tết ông Công, ông Táo năm nay, cơ sở sản xuất hàng mã Minh Thanh, phố Mật Sơn đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, thiết kế đẹp mắt.

Nằm giữa trung tâm TP Thanh Hóa đông đúc, náo nhiệt, làng nghề hoa giấy, vàng mã khu phố Mật Sơn tồn tại ngót nghét gần 40 năm. Mỗi năm, nơi đây cung ứng ra thị trường hàng chục vạn sản phẩm các loại, đặc biệt nhiều nhất là dịp trước ngày ông Công - ông Táo và Tết Nguyên đán. Qua tìm hiểu, để làm ra các sản phẩm này, người dân làng nghề phải chuẩn bị nguyên liệu từ giữa tháng 9 âm lịch hằng năm. Tất cả công đoạn từ chọn nguyên liệu, sản xuất được tiến hành từ trước để cuối năm kịp cho những đơn hàng trong và ngoài tỉnh.

Cơ sở sản xuất hàng mã Minh Thanh có quy mô lớn nhất nhì ở phố Mật Sơn, những ngày này, xưởng ngổn ngang các loại giấy được cắt dán với nhiều hình thù, màu sắc khác nhau. Bên trong xưởng, hàng chục lao động đang miệt mài với công việc, mỗi người một công đoạn để hoàn thiện sản phẩm. Bà Châu Thị Thanh (70 tuổi) chủ cơ sở cho biết, với mong muốn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, phải thường xuyên thay đổi kiểu dáng, đa dạng các mẫu ông Công - ông Táo đẹp mắt, nhưng không mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Phần lớn các khâu làm thủ công như gấp hộp giấy, bọc và gắn phụ kiện, trang trí... Tuy không vất vả, độc hại nhưng để làm một sản phẩm ưng ý phải mất nhiều công đoạn, thời gian, đòi hỏi người thợ phải tính toán tỉ mỉ, chỉn chu, khéo léo đến từng chi tiết, góc cạnh.

Nhiều cơ sở do đơn đặt hàng nhiều, phải tuyển thêm lao động, hoạt động hết công suất.

Nhiều cơ sở do đơn đặt hàng nhiều, phải tuyển thêm lao động, hoạt động hết công suất.

“Do năm nay đơn đặt hàng nhiều, ngoài số lao động chính trong xưởng, gia đình phải tuyển thêm từ 7 - 9 lao động, chủ yếu là các cháu sinh viên làm thời vụ phụ giúp một số khâu đơn giản như: cắt, dán... các khâu còn lại được sử dụng bằng máy móc, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, giảm chi phí nhân công. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 150 - 300 bộ sản phẩm, trừ chi phí mỗi vụ, cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng”, bà Thanh cho biết thêm.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Xuân Giới, 63 tuổi (phố Mật Sơn 2) chủ một cơ sở sản xuất hoa giấy, vàng mã: Trong nhiều năm qua, việc làm hàng mã luôn phát triển theo nhu cầu của thị trường. Sản phẩm ở làng nghề có sự cải tiến rất nhiều, từ chất liệu đến hoa văn, mẫu mã... nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng khách hàng. Trung bình, mỗi bộ ông Công - ông Táo có giá dao động thấp nhất 20.000 đến trên 300.000 đồng tùy thuộc vào kích thước, mẫu mã. Thường vào dịp cuối năm, có những hộ làm lớn sản xuất cả ngày lẫn đêm, với số lượng từ 4 - 6 nghìn bộ nhập tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Những sản phẩm tiêu biểu của Làng nghề làm hàng mã Mật Sơn.

Những sản phẩm tiêu biểu của Làng nghề làm hàng mã Mật Sơn.

Mỗi dịp giáp tết, cơ sở sản xuất vàng mã của hộ ông Nguyễn Đức Hùng, 62 tuổi (phố Mật Sơn 2) khá bận rộn do nhu cầu của người dân tăng cao so với ngày thường nên ngoài việc huy động tất cả các thành viên trong gia đình, còn phải thuê thêm lao động để tập trung sản xuất, đảm bảo chất lượng và số lượng mà khách hàng đã đặt.

Làng nghề làm hàng mã truyền thống Mật Sơn có những lúc thăng, lúc trầm. Tuy nhiên, các hộ dân làm nghề vẫn đang nỗ lực, duy trì, giữ gìn và phát triển, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thương trường thông qua những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Cũng bởi đem lại nguồn thu nhập, tạo việc làm chính cho người dân địa phương nên nghề cứ thế trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lang-nghe-nbsp-mat-son-hoi-ha-vao-vu/30034.htm