Làng nghệ sĩ chân trần dưới chân núi Lang Biang

Về tỉ lệ ca sĩ, nghệ sĩ trên tổng số dân thì buôn làng người Lạch dưới chân núi Lang Biang đang dẫn đầu cả nước. Đây là nơi thu hút du khách đến tham quan, xem biểu diễn nghệ thuật hàng đầu Tây Nguyên.

Biểu diễn kèn ống

Biểu diễn kèn ống

Cộng đồng người Lạch với khoảng 5.000 người quần tụ trong khu vực chưa đầy 1 km² dưới chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Đây là nơi bác sĩ A.Yersin khám phá ra Đà Lạt, tuy nhiên sau đó trung tâm Đà Lạt được quy hoạch xây dựng ở vùng đất phía Nam, cách Lang Biang khoảng 15km.

Diện tích của buôn người Lạch nhỏ hẹp là thế nhưng có tới 12 câu lạc bộ (CLB) âm nhạc với hàng trăm thành viên được Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cấp phép biểu diễn ca múa nhạc.

Trai làng đánh chiêng

Trai làng đánh chiêng

Từ câu lạc bộ cồng chiêng đầu tiên mang tên “Những người bạn Lang Biang” do già làng Krajăn Plin thành lập hàng chục năm trước, đến nay, Lang Biang đã có 12 CLB với hàng trăm thành viên. Hàng đêm, buôn làng dưới chân núi bập bùng lửa trại, réo rắt tiếng kèn, vang vọng tiếng cồng chiêng.

Sơn nữ quyến rũ trong các điệu múa truyền thống

Sơn nữ quyến rũ trong các điệu múa truyền thống

Du khách còn được đắm mình trong những ca khúc mượt mà, đậm chất dân ca của các nghệ nhân chân đất như Gọi gió, Men tình xuân, Lời suối gọi, Nồng nàn cao nguyên, Tạm biệt suối nguồn, chuyện tình Lang Biang của nhạc sĩ Krajan Dick; Giữ ấm bếp hồng, Lang Biang S’Ning, Em hãy về của già làng Krajăn Plin; Mừng lúa mới của nghệ sĩ Păngting Tưr…

Thổi tù và

Thổi tù và

Người điều hành CLB là những già làng, nghệ nhân dân gian chưa qua một lớp đào tạo âm nhạc nào nhưng vẫn có thể sáng tác ca khúc “đỉnh”, dàn dựng chương trình biểu diễn hấp dẫn, thấm đẫm hồn Tây Nguyên, kéo dài từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ.

Đánh trống

Đánh trống

Đa số thành viên các ban nhạc là nông dân, ban ngày vác cuốc, xà gạt lên rẫy; là học sinh, hàng ngày cắp sách đến trường; khi đêm về thì bay bổng, thăng hoa với cồng chiêng trên sân khấu như nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Theo già Krajăn Plin, đã là con của núi rừng Lang Biang thì ai cũng yêu nhạc, biết múa hát và các CLB chính là nơi phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn nghệ. Đã có hàng chục học sinh, sau khi tốt nghiệp THPT, được CLB gửi đi học ở các trường nghệ thuật và tất cả đều phát huy được sở trường ca hát của mình.

Du khách giao lưu cùng các thành viên trong CLB

Du khách giao lưu cùng các thành viên trong CLB

Nghệ nhân Păng Ting Sin thì cho rằng người dân nơi đây uống nước của dòng suối Dà P’lah trong vắt, dịu ngọt khởi nguồn từ ngọn núi thiêng và chưa bao giờ cạn nên có giọng rất tốt, thổ âm riêng biệt: âm vực rộng, âm điệu vang…

Lửa ấm đêm rừng

Lửa ấm đêm rừng

Trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, các nghệ nhân còn tái hiện các lễ hội cúng Yàng, bỏ mả, mừng lúa mới... để du khách hiểu thêm về văn hóa đặc sắc của người Lạch. Du khách còn được thưởng thức rượu cần và những món ăn đậm bản sắc Tây Nguyên như cơm lam, canh thụt, đọt mây luộc, bò một nắng muối kiến, heo thả rông nướng than hồng…

Món cơm lam, thịt nướng nổi tiếng ở Tây Nguyên

Món cơm lam, thịt nướng nổi tiếng ở Tây Nguyên

Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết, triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 1270/QĐ-TTg), Vụ Văn hóa dân tộc đã phối hợp triển khai 8 mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc. Trong số đó có mô hình Câu Lạc bộ Cồng chiêng gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Lạc Dương.

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lang-nghe-si-chan-tran-duoi-chan-nui-lang-biang-post1404361.tpo