Làng nghề tự tin vươn mình ra biển lớn
Hà Nội hiện là địa phương có thế mạnh phát triển làng nghề khi sở hữu 1.350 làng nghề, làng có nghề, quy tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước, trong đó có 337 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận.

Một công đoạn dệt lụa ở làng Vạn Phúc. Ảnh: Minh Phú/hanoimoi.vn
Mặc dù có tuổi đời hàng trăm năm, trong quá trình phát triển, các làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như năng lực cung ứng, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ còn hạn chế và phụ thuộc vào các tỉnh bạn. Mặt khác, quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, năng lực tài chính hạn chế, cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có trình độ sử dụng công nghệ… Đối diện với thách thức này, không ít làng nghề đã bị mai một, thậm chí bị thất truyền.
Nhận thức được tiềm năng và giá trị của các làng nghề, thời gian qua thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển làng nghề. Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống; UBND thành phố ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Thành phố đã tập trung triển khai chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng hơn 3.000 sản phẩm OCOP ba sao, bốn sao, năm sao. Các làng nghề tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang lại giá trị sản xuất hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, với lòng đam mê gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, nghệ nhân các làng nghề với bề dày kinh nghiệm và sự sáng tạo đã truyền lửa cho thế hệ sau, giúp nghề truyền thống ngày càng phát triển.
Điển hình như tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), các thế hệ nghệ nhân đã thành công trong việc khôi phục các mẫu gốm từ thời Lý, Trần, Lê...; đồng thời sáng tạo nhiều kỹ thuật mới, hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc của gốm, vừa truyền thống, vừa hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Người làng nghề Bát Tràng cũng thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi các lò nung thủ công truyền thống dùng củi, than sang sử dụng lò ga, lò điện, vừa giải được bài toán ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng làng nghề xanh gắn với phát triển du lịch.
Tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), các nghệ nhân mạnh dạn đổi mới công nghệ dệt lụa, đưa ra thị trường các sản phẩm tinh xảo trong từng đường nét hoa văn, đẹp về màu sắc. Các hộ kinh doanh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, bán hàng, giúp cho hoạt động sản xuất ngày càng sôi động hơn. Nơi đây cũng trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Ghi nhận đóng góp dựa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và sự công nhận toàn cầu, tính cộng đồng, đổi mới địa phương…, mới đây Hội đồng Thủ công thế giới đã “chấm điểm” rất kỹ lưỡng và công nhận làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.
Với việc trở thành làng nghề thứ 67 và thứ 68 được công nhận trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới giúp Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới; đồng thời, là cơ hội để các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, mở rộng thị trường, đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để các làng nghề tại Hà Nội và cả nước có thể học hỏi, tự tin sớm gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới, cùng vươn mình ra biển lớn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lang-nghe-tu-tin-vuon-minh-ra-bien-lon-post861076.html