Làng nghề vào Tết
PTĐT - Nghề truyền thống có thể được xem như hồn cốt trở thành điểm riêng biệt, tạo nên sự độc đáo của một làng, một vùng quê. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, phát triển. Về những làng nghề truyền thống...
PTĐT - Nghề truyền thống có thể được xem như hồn cốt trở thành điểm riêng biệt, tạo nên sự độc đáo của một làng, một vùng quê. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, phát triển. Về những làng nghề truyền thống vào những ngày giáp Tết Canh Tý, chúng tôi cảm nhận rõ không khí của mùa xuân đang hiện hữu trên gương mặt rạng ngời, qua bàn tay khéo léo, cần mẫn chăm sóc từng luống rau, cây hoa hay cẩn thận hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng để kịp mang hương vị Tết đến cho các gia đình của những người dân nơi làng nghề bình dị.
Mỗi làng nghề có một sản phẩm đặc trưng, vì vậy quy trình sản xuất chuẩn bị tươm tất các sản phẩm phục vụ dịp Tết cũng khác nhau. Đến thăm các làng hoa, chúng ta dễ dàng bắt gặp “hơi thở” của mùa xuân rõ ràng nhất, khi những cành cúc, nhánh ly, nụ hồng… đang đâm cành, chơm chớm nụ, đào thi nhau khoe sắc đỏ, hồng… Làng hoa Làng Thượng, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh những ngày áp Tết, nhà nhà, người người tất bật bên những luống hoa cúc, hồng, ly… Người tưới nước, người chụp bông, người cắt hoa mang ra chợ bán... mỗi người một việc nhanh chóng chạy đua để mang mùa xuân rực rỡ nhất về trong từng gia đình. Năm qua, thời tiết khá khắc nghiệt, nắng hạn nhiều gây khó khăn nhất định cho người trồng hoa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên diện tích trồng hoa ở Làng Thượng vẫn được duy trì hơn 2ha, năng suất, lợi nhuận vẫn đảm bảo ở mức khá, đạt 20 - 30 triệu đồng/sào bởi bao lâu nay người dân đã tích lũy được kinh nghiệm, không ngừng học tập và đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới, nhà lưới… nên việc trồng hoa ít bị tác động của yếu tố ngoại cảnh. Nhìn những nụ hoa ly e ấp, chuẩn bị bung cánh đón xuân, ông Lê Quốc Trị, một trong những hộ trồng hoa có tiếng ở Làng Thượng phấn khởi cho biết: “Nhờ trồng hoa mà người dân Làng Thượng có cuộc sống sung túc hơn. Năm nay, gia đình tôi bắt tay vào trồng những loại hoa “cao cấp” hơn như: Ly, tuy líp,.. vì cho giá trị cao hơn. Mặc dù thời tiết nắng hạn, không thuận lợi nhưng nhờ kinh nghiệm nên hoa của gia đình tôi và những hộ trong làng sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán và với giá bán ổn định như hiện tại thì vẫn hứa hẹn có một mùa hoa Tết khả quan”…
Không ồn ào, náo nhiệt như những làng hoa, nhưng ở làng nghề sản xuất chè, “nàng xuân” cũng ngự trị từ bao giờ. Về làng nghề sản xuất chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê được nhâm nhi chén trà ấm nóng, thơm nồng mới thấy rõ hương vị Tết vương vấn đâu đây. Làng nghề sản xuất chè Đá Hen hiện có 90 hộ tham gia, trong đó có 60 hộ sản xuất, 30 hộ chế biến. Việc chuẩn bị sản phẩm chè cung cấp cho thị trường vào dịp tết được bà con khu Đá Hen chuẩn bị từ rất sớm, bởi đặc điểm đặc thù của cây chè có thời điểm “ngủ đông”. Trước Tết khoảng 2 tháng, chè đã được chế biến, đóng gói chuẩn bị tung ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Thời điểm hiện tại, người dân làng chè đang khẩn trương đốn cành chuẩn bị thu hái lứa chè xuân đầu năm. Ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng làng nghề, Giám đốc HTX sản xuất chè Đá Hen chia sẻ: “Năm qua có thể nói là bội thu của làng nghề khi sản lượng chè xuất khẩu đạt 1.200 tấn, chè nội tiêu 5 tấn mang lại doanh thu gần 40 tỷ đồng, mang lại việc làm cho 250 lao động với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Thị trường chè trong nước ngày càng được mở rộng bởi người tiêu dùng tin tưởng chất lượng, mùi vị nên chúng tôi đã mở thêm 3 điểm bán tại TP HCM, Thanh Hóa, Hải Phòng nâng tổng số lên 5 điểm bán. Với thị trường xuất khẩu, có thêm 3 hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm giúp sản lượng, giá bán ra được ổn định hơn. Sản phẩm của làng nghề đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2019 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức”… Bước sang năm 2020, mang theo nhiều dự định mới cho làng nghề chè Đá Hen về việc mở rộng diện tích trồng chè lên 130ha, tăng 10ha so với trước; chú trọng nâng cao sản lượng, chất lượng chè xuất khẩu và nội tiêu; chủ động được một phần cây giống; mở thêm các điểm giới thiệu, bán sản phẩm; thay đổi nâng cấp một số thiết bị trong dây chuyền chế biến chè xanh… sẽ hứa hẹn mang đến một mùa chè thắng lợi.
Làng nghề những ngày giáp Tết, đâu đâu cũng nhộn nhịp. Thời điểm này, không khí lao động ở làng nghề bánh chưng, bánh giầy làng Xốm, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì càng trở nên nhộn nhịp. Làm bánh chưng, bánh giầy là nghề truyền thống, có từ lâu đời của người dân làng Xốm. Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu người tiêu dùng tăng mạnh cùng với chất lượng sản phẩm đảm bảo nên sản lượng tiêu thụ của làng nghề khá ổn định. Để chuẩn bị cho dịp cuối năm, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, những hộ làm bánh ở làng Xốm đã phải mua gạo, đỗ với số lượng lớn. Ông Nguyễn Văn Ninh, một trong những hộ làm bánh ngon với quy mô lớn cho biết: “Nghề làm bánh chưng, bánh giầy giúp chúng tôi giữ được nghề truyền thống của ông cha lại mang thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 1 tạ gạo. Ngày gần Tết sẽ tăng lên 3 - 4 tạ với hơn 1.800 chiếc bánh chưng mỗi ngày. Bánh giầy cũng được làm với số lượng lớn hơn khoảng 1 tấn/ngày để phục vụ người dân về lễ Đền Hùng dịp cuối năm”.Mỗi làng nghề, mỗi vùng quê đều có một sản phẩm, thế mạnh đặc trưng, nhưng cùng hướng tới là phục vụ thị trường, nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Với mỗi làng nghề, việc sản xuất sôi động, tiêu thụ sản phẩm nhanh góp phần mang đến một cái Tết sung túc, đầm ấm cho những hộ sản xuất và nâng cao đời sống người dân, tạo niềm phấn khởi để họ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Làng nghề duy trì sản xuất, phát triển không chỉ trở thành công cụ lưu giữ những nét đẹp văn hóa của quê hương, dân tộc mà quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hiện trên địa bàn tỉnh có 75 làng nghề, thuộc 4 lĩnh vực: Chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản; thủ công mỹ nghệ; xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và trồng, kinh doanh sinh vật cảnh. Sản phẩm của các làng nghề vô cùng phong phú và đa dạng, trở thành nét đẹp thân thuộc, ăn sâu vào tiềm thức và cuộc sống hàng ngày của người dân mỗi địa phương. Năm qua, nhờ sự nỗ lực không ngừng việc nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm; nhạy bén với thị trường mà sản phẩm của các làng nghề vẫn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, dần khẳng định được thương hiệu. Nhờ đó, doanh thu của các làng nghề đạt trên 1.200 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 21 nghìn lao động, trong đó có khoảng 15 nghìn lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.Một mùa xuân nữa lại về! Sắc xuân bao trùm lên từng ngõ phố, ngõ nhỏ, dòng người đang hối hả vào Tết mang theo bao niềm vui và cả những trăn trở của người dân làng nghề. Để giữ nghề và sản phẩm của làng nghề được tiến xa hơn nữa thì không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo, mà họ cũng cần có thêm sự hỗ trợ về vốn, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất… Đây sẽ là hành trang giúp các làng nghề tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/lang-nghe-vao-tet-168877