Làng nhang trăm tuổi ở TP.HCM dè dặt vào vụ Tết
Đang chính vụ nhưng dọc 2 bên đường vào làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân thưa vắng những dải màu đỏ, vàng của tăm nhang.
Xem video:
Làng nhang vào vụ Tết
4h sáng, một góc xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã rền vang tiếng máy trộn bột, se nhang, máy sấy….
Đây là thời điểm làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân vào chính vụ. Những hộ kinh doanh, sản xuất nhang tại đây đang vào vụ Tết Nguyên đán 2022.
Dọc con đường Mai Bá Hương kéo dài từ ấp 1 sang ấp 2 xã Lê Minh Xuân bắt đầu xuất hiện những dải màu đỏ, vàng từ việc phơi tăm nhang, nhang thành phẩm.
Những dải màu ấy đã trở thành nét đặc trưng của làng nghề gần 100 tuổi này.
Các hộ sản xuất nhang lâu đời tại đây cho biết, làng nhang Lê Minh Xuân được xem là làng nghề lâu đời nhất tại TP.HCM. Tính đến thời điểm này, làng nghề đã gần 100 năm tuổi.
Trần Thị Thanh (47 tuổi), người có thâm niên làm nhang hơn 20 năm cho biết, người dân tại đây se nhang quanh năm.
Tuy nhiên, công việc này tất bật và bận rộn nhất vào các dịp lễ lớn như: Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10 âm lịch.
“Những ngày này, làng nghề đang vào vụ chính. Ai cũng làm nhang, phơi nhang. Xe giao nguyên liệu, nhận nhang thành phẩm ra vào tấp nập”, chị Thanh nói.
Sau gần 100 năm tồn tại, hiện nay, làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân đã được hiện đại hóa.
Công việc làm nhang đã có các loại máy móc tiên tiến thay sức người. Từ khâu trộn bột đến se nhang, làm khô, thành phẩm… đều được thực hiện trên các loại máy hiện đại.
Anh Nguyễn Hữu Lực (38 tuổi), chủ của một cơ sở sản xuất nhang tại làng nghề cho biết, việc áp dụng máy móc giúp tăng năng suất lao động. Hơn thế, làm nhang bằng máy cũng giúp cây nhang đều, đẹp và chất lượng hơn.
“Ngày xưa, người dân chủ yếu làm nhang bằng tay từ khâu trộn bột, se nhang rồi đem ra phơi ở sân, ven đường. Nay áp dụng máy móc, sản lượng nhiều, các hộ sản xuất đầu tư, trang bị máy sấy, máy quạt nên không còn mấy ai phơi nhang ngoài đường nữa”, anh Lực nói.
Tuy đã sử dụng máy móc thay sức người nhưng mỗi hộ sản xuất nhang tại đây vẫn giữ những bí quyết để cho ra các sản phẩm nhang có mùi hương, chất lượng của riêng mình như: hương trầm, hương quế, hương bách tùng…
Dè dặt trong sản xuất
Trong lúc chồng đang chỉnh lại máy se nhang, chị Thanh tranh thủ nắng đẹp, đem những bó tăm nhang ra vệ đường phơi.
Những bó tăm nhang được nhuộm một phần tạo thành dải màu đỏ rực dọc bên đường.
Cách đó không xa là những giàn phơi nhang thành phẩm của chị Đặng Ngọc Hiếu (SN 1984).
Chị Hiếu chủ yếu nhận gia công nhang cho các cơ sở sản xuất lớn trong làng nghề nên không đầu tư máy sấy. Chị chủ yếu làm khô nhang bằng nắng trời.
Dưới nắng sớm, mùi hương từ những giàn nhang đang phơi bay theo gió, thơm khắp một vùng.
Chị Hiếu nói: “Mọi năm, người ta làm nhiều, phơi nhang đầy hai bên đường đẹp và thơm lắm. Năm nay, dịch giã quá, ai cũng lo lắng, làm ít lại nên không còn phơi nhiều như trước”.
Chị Thanh cũng chung nỗi lo nhang bán ra chậm vì dịch bệnh dù đã chủ động giảm sản lượng.
Mọi năm, cơ sở của chị Thanh sản xuất từ 15-20 thiên nhang (1 thiên = 1.000 cây nhang)/ngày. Tuy nhiên, năm nay, mỗi ngày, chị chỉ dám sản xuất 6 thiên.
“Nghề này làm quanh năm nhưng chỉ được vài tháng hút hàng. Năm nay, có 10 tháng làm nhang thì chỉ làm được 6 vì mất 4 tháng giãn cách rồi. Dẫu vậy, tôi vẫn sợ bán chậm nên giảm một nửa số lượng nhang so với mọi năm. Lúc này đang hút hàng nhưng tôi vẫn làm trong tâm thế dè dặt”, chị Thanh chia sẻ.
Chung tình trạng, anh Lực cũng giảm sâu sản lượng nhang làm ra mỗi ngày. Nếu như trước đây, mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất 1000 thiên nhang thành phẩm thì hiện nay, anh chỉ làm 600 thiên/ngày. Năm nay, anh cũng chỉ giao nhang cho các bạn hàng trong thành phố.
Anh Lực chia sẻ: “Năm nay, hàng chậm hơn năm ngoái nhiều nên tôi làm ít lại, chỉ bằng ½ các năm vừa qua. Tôi cũng không thuê nhân công".
"Nhân công trong cơ sở của tôi hiện tại chủ yếu là người trong nhà cùng nhau làm. Hy vọng dịch sớm qua để cuộc sống người dân, việc kinh doanh, sản xuất trở lại bình thường”, anh nói thêm.
Bài, ảnh, clip:Nguyễn Sơn