Làng nổi cuối dòng Lam giang
Một ngày gần cuối năm, tôi có việc trở về mảnh đất nơi cách đây gần 40 năm tôi đã học và sinh sống tại đó. Xong việc, còn dư chút thời gian, tôi thuê xe ôm xuống Xuân Giang, ở đó có làng Hồng Lam luôn gợi cho tôi một cảm giác yên bình. Tới bến đò, ngồi trên bờ sông chờ cho đủ khách qua sông, tôi lặng lẽ ngắm nhìn. Trời rét, nước sông không trong xanh mà đục lờ lờ. Dòng sông đã về dưới hạ lưu nên trải dài mênh mông và lơ lửng chảy. Gió hun hút thổi châm vào da thịt buốt nhói. Mặt mũi tím tái như không còn giọt máu. Tôi co ro trong tấm áo khoác. Một lúc sau có một tốp các bà đi chợ về. Tôi nhập bọn cùng với mọi người xuống đò. Nhận thấy tôi là người lạ mà lại đi tay không nên mọi người thắc mắc. Người lái đò khoảng ngoài 50 tuổi vui vẻ hỏi:
- Ả ngài ở mô sang bên ni? Mà vô nhà ai rứa?
- Dạ! Em là khách vãng lai đi chơi thôi ạ! Em không quen ai bên ấy ạ!
Mọi người cười ồ cả lên và chuyện trò ríu rít. Tiếng Xuân Giang nghe líu lo như chim hót làm tôi phải căng tai nghe mới hiểu lõm bõm lời họ nói. Tiếng máy nổ phành phạch đưa con đò dập dềnh qua sông.
Ký ức dần trở về trong tôi. Ngày ấy, tôi trong đoàn đưa dâu đưa chị bạn lấy chồng về bên ấy. Đoàn đưa dâu đạp xe tới bến thì để xe lại bờ bên này. Năm con đò nhỏ đã chờ sẵn, mọi người lục tục xuống đò. Người lái đò ngồi đầu mui thuyền, hai chân nhịp nhàng khua mái chèo. Con đò nhỏ nhẹ lướt trên sông. Gió mơn man vờn lên mái tóc. Nét mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc. Thuyền cập bến Hồng Lam. Cô dâu mặc áo trắng, quần lụa, chân đi đôi dép Sông Hàn màu cam, ôm bó hoa lay ơn trắng, má ửng hồng bẽn lẽn dưới vành nón trắng nghiêng nghiêng, tin cậy đưa tay cho chú rể dắt lên bậc đá nơi bến đò. Những bậc đá xanh nhẵn bóng bởi năm tháng nhẹ đón bước chân của người con gái về làm dâu làng mình. Cây bàng cổ thụ gốc sần sùi đứng trầm mặc bên bến. Làng Hồng Lam nhỏ bé, yên bình bỗng tưng bừng như ngày hội. Ông già, bà lão ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Lớp nam thanh, nữ tú tươi cười mời chào khách và lũ trẻ con thi nhau chen lấn để xem mặt cô dâu và tranh cướp pháo xịt. Xác pháo đỏ rực từ bến đò về tận nhà chú rể. Thấy mọi người nói chuyện, những khi làng có đám cưới là ngày vui của cả làng.
Trong khi chờ quan khách hai họ trao đổi, tôi tranh thủ đi ngắm làng quê. Một vùng quê đặc chất dân dã với khoảng năm trăm nóc nhà. Những căn nhà nhỏ lúp xúp lợp mái rạ, họa hoằn có đôi nhà mái ngói rêu phong. Tất cả được bao quanh bởi hàng cúc tần hoặc mạn hảo. Quanh làng là rặng phi lao trải dài tận mép sông. Xa xa, những chú trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ trên bãi trồng màu và ruộng gon. Nhìn cảnh vật thật yên bình, thư thả. Từ đó, mỗi khi mệt mỏi vì xô bồ trong cuộc sống, hình ảnh làng Hồng Lam luôn là nơi để tôi thả hồn thư giãn.
Đò cập bến đưa tôi trở về với thực tại. Gốc bàng cổ thụ năm xưa không còn nữa. Bậc đá lên xuống nơi bến đò được thay thế bằng lối đi đổ bê tông. Dấu ấn xưa còn lại chỉ là hàng đá hai bên. Chào bác lái đò và những người đi cùng chuyến, tôi lang thang đi tìm ký ức xưa.
Ấn tượng đầu tiên với tôi là tre. Tre nhiều vô kể, hầu như nhà nào cũng có những bụi tre bao bọc và dọc bờ sông cũng rất nhiều tre. Đường làng giờ đây đã được đổ bê tông gần hết nên quang đãng, sạch sẽ. Làng vắng vẻ lắm, họa chăng tôi mới gặp một hai người đi đâu về. Gặp tôi, họ vui vẻ chào hỏi như rất thân quen. Loanh quanh một hồi, tôi đến trước ngôi trường cấp một. Đây là ngôi nhà cao to nhất ở đây. Trường bỏ hoang để cho cỏ mọc và trâu bò vào gặm cỏ. Mấy cây phượng buồn bã ủ rũ nơi sân trường. Một nỗi buồn nhè nhẹ dâng lên trong lòng. Khắp làng, tôi đếm được khoảng năm mươi ngôi nhà cửa đóng, then cài, cỏ dại mọc vào tận bờ hè. Khung cảnh làng quê nhìn thật ảm đạm. Bước chân vô định đưa tôi ra bãi màu. Một màu xanh mỡ màng, ngút ngát trải dài. Đồng bãi mênh mông, màu mỡ do đất phù sa nên hoa màu tươi tốt. Xa xa là bãi phi lao làm rừng phòng hộ chắn lở. Ruộng gon rập rờn trong cái rét tê tái.
Trở về bến đò, vì ít khách nên tôi ngồi nói chuyện cùng bác lái đò. Bác tên là Huynh, 53 tuổi, là một trong hai người lái đò kỳ cựu ở bến này. Bác kể, làng ngày trước cũng đông vui lắm. Sau trận lụt năm 1987, lớp thanh niên rời làng đi làm ăn xa xứ gần hết. Muốn vào làng Hồng Lam chỉ có một cách duy nhất là đi đò. Lũ lụt liên miên nên làng bị xói lở, mất dần diện tích canh tác, ở lại làng cũng khó làm ăn nên thanh niên phải rời làng đi lập nghiệp. Làng cũng đã có điện lưới quốc gia. Nhà nước cũng đã xây dựng trường học khang trang nhưng do không đủ học sinh nên không duy trì được lớp học. Hiện nay, các em học sinh hàng ngày qua sông sang học tại xã. Làng bây giờ chỉ còn lớp người ngoài 50 tuổi và con cái của các cặp vợ chồng trẻ gửi về quê nhờ ông bà trông hộ. Bác Huynh bảo: Sợ nhất là đêm hôm mà làng có người ốm đau phải đi viện. Lúc ấy dù mưa to, gió lớn cũng phải cố mà chèo chống chở người qua sông.
Bác nói: Nghề chèo đò không thể nói là làm giàu được. Mỗi lượt đi giá có năm nghìn một người, nếu có xe máy thì mười nghìn. Mình làm nghề này là do cái tâm thôi.
Rồi bác thở dài: Mấy năm nay mưa lũ xói lở nên mất dần đất canh tác rồi. Bãi rừng phòng hộ cũng bị Hà bá nuốt mất hơn nửa. Đã thế, nạn cát tặc hành hoành nữa. Những tàu hút cát làm xoáy lở hết bờ đất. Nếu cứ thế này chẳng mấy chốc làng sẽ biến mất!
Làng vốn được phù sa bồi đắp nên hoa màu trồng rất năng suất. Tuy vậy, do đò giang cách trở nên lưu thông hàng hóa khó khăn, bán không được giá. Đồng gon cũng đem lại thu nhập không ít cho người dân nơi đây, tuy rằng bây giờ người dân không chuộng chiếu gon mấy. Làng còn mấy nhà vẫn làm nghề chài lưới. Nhìn chung, cuộc sống làng Lam Hồng vẫn yên ả như những năm 80. Người dân ở đây vẫn giữ nguyên vẹn vẻ hồn nhiên, chất phác của người thôn quê. Họ vẫn đồng cam cộng khổ với nhau trong cuộc sống, sẵn sàng giúp đỡ người làng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Con đò nhẹ lướt sang sông đưa tôi về với thế giới hiện đại. Lòng đau đáu một nỗi niềm: Chỉ cách trung tâm xã có hơn năm trăm mét đường sông và nếu sang thành phố Vinh cũng bằng khoảng cách ấy mà sao Hồng Lam lại có vẻ như cách biệt với nhịp sống hiện đại như vậy? Bao giờ Hồng Lam có một cây cầu nối những niềm vui?
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lang-noi-cuoi-dong-lam-giang-298985.html