Làng Nủ nảy mầm xuân
Dãy nhà sàn bản Tày khang trang đẹp như tranh vẽ. Hoa cúc, hoa hồng trổ thắm trước hiên. Làng Nủ hồi sinh đón Tết sau thảm họa thiên tai, đã thấy nảy mầm Xuân mới…
“Các con thích múa bài nào nhỉ?" - "Múa xòe, múa xòe ạ!", đồng thanh reo lên trong nắng sớm, học trò làng Nủ hồn nhiên vây quanh một cô giáo trẻ. Tựa đàn chim non tập bay túa ra, rồi rất nhanh kết lại vòng tròn từ những bàn tay nhỏ giữa khoảng sân lớn. Nhạc nổi lên từ chiếc loa kéo, hai cô giáo nữa chốc lại bấm chọn bài từ smartphone, nhịp nhảy làn xòe kết đoàn như một vòng Xuân. Rồi cô và trò lại sang màn kéo co, tiếng vui nhộn không dứt loang vọng khắp núi.
Giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ, làng Nủ hiện ra nhà sàn, đường bê tông, điện chiếu sáng đẹp như bản du lịch. Nhà văn hóa hiện đại, điểm trường khang trang giữa bản, có tiếng hát trẻ nhỏ và làn xòe hồn nhiên, đã vơi đi mất mát từ thảm họa chỉ 3 tháng trước. "Những mầm xuân non đấy anh! Hai lớp tiểu học có 27 em, hai lớp mầm non có 37 em, tất cả từ làng Nủ cũ cách đây 2km chuyển sang", cô giáo Hoàng Thị Vân nói với phóng viên Đại Đoàn Kết trước lúc tiếng trống báo hết giờ ra chơi.
Bé Hoàng Gia Bảo mất cả bố lẫn mẹ. Cháu Nguyễn Thị Tụy mất ông bà và cả em trai. Cháu Hoàng Ngọc Lan mất bố mẹ và hai anh trai. Cháu Hoàng Trung Hiếu mất nhà... Cô giáo Vân dẫn phóng viên gặp từng em, giọng như đang nghẹn lại.
Nhiều em mồ côi cả cha mẹ. Mấy ngày đầu về lớp học mới bỗng chốc lại có em bật khóc nói nhớ mẹ. Cả Hiệu trưởng và Hiệu phó trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Khánh ngày nào cũng đến điểm trường làng Nủ cùng các cô giáo chăm chút học trò. Một bản Tày hồi sinh như đang nảy mầm Xuân non. Năm nay hoa đào đắt hiếm, làng Nủ mới tái thiết cũng chưa có nhà ai trồng đào, các cô giáo tự tay kết giấy tạo cành đào thắm và trang trí mâm cỗ Tết bên thềm lớp. Người Tày không cúng cỗ ông Táo nhưng cũng ăn Tết cổ truyền như người miền xuôi. Nhà trường tổ chức ăn Tết cho các em đúng ngày 23 tháng Chạp. Vui nhất là cô trò cùng gói, nấu bánh chưng và chơi kéo co, bịt mắt bắt vịt, múa sạp.
"Vui lên rồi mà. Tối hôm kia Chi hội phụ nữ cũng tổ chức gói, nấu bánh chưng, sáng nay chia mỗi nhà hai cái bánh", bà Trần Hoài Thu - cán bộ công tác Mặt trận làng Nủ, nói với nhà báo khi chỉ tay ra khu đất trống cạnh Nhà văn hóa vẫn còn vết bãi tro.
40 ngôi nhà sàn xây mới trên đồi sim cũ nay tựa như "lên phố" nhưng vắng bóng người. "33 nhà có chủ nhưng mỗi nhà chỉ còn 1-2 người. "Đây là nhà thằng Thơ, chắc nó đi làm nương bên đồi kia. Đây nhà thằng Son, nó đi làm công ty dưới Vĩnh Phúc, nhà Duân, nhà Nhớ đi dựng sửa nhà bên làng Nủ cũ...". Hơn 20 năm làm công tác Mặt trận, bà Thu thuộc thạo hoàn cảnh từng nhà và có số điện thoại của tất cả các hộ. Nhà bà đã hiến 2ha đất quế ở chính đồi sim này cho dự án tái thiết làng Nủ. "Trước có nhiều cháu thanh niên đi làm ăn xa, cũng là may mắn thoát nạn, sau vụ sạt lở đã về đây cả. Cùng nấu bánh chưng, các cháu thích lắm. Còn nhóm lại tập hát Khắp Then nữa", bà Thu kể và cho nhà báo xem lại những bức ảnh chị em làng Nủ gói bánh.
Phóng viên ghé thăm nhà chị Hoàng Thị Bóng đúng lúc chị và cháu ngoại đang rửa lá dong bên chân cầu thang. Đã mấy tháng cạn khô nước mắt vì mất chồng và có tới 21 người nhà chồng vĩnh viễn ra đi vì thảm họa (làng Nủ tổng cộng 67 người chết, trong đó 7 người chưa tìm thấy xác), chị Bóng đã bình tâm trở lại. "Năm nay gói nhiều bánh để còn mang ra cúng mộ. Thịt lợn thì mua ít thôi, có người ăn đâu", mắt chị bỗng lặng ngấn sau nhiều ngày không khóc.
"Có áo mới hơn thì thay đi, nhà báo chụp ảnh nè", tôi muốn né giọt nước mắt ấy, chị Bóng đã thoáng cười ngượng rồi nhanh nhẹn lên nhà lấy áo phụ nữ Tày để được "lên hình". Cái áo chị đã mặc hôm Thủ tướng Phạm Minh Chính lên thăm. "Thủ tướng cũng đứng chỗ này, còn bảo cán bộ lắp thêm vòi nước cho nhà tôi thuận sinh hoạt", chị kể lại. Ngôi nhà sàn bê tông giả gỗ vững chắc bộ đội mới xây đã khiến chị đã nguôi ngoai bớt nhớ ngôi nhà sàn cũ bằng gỗ đã bị vùi lấp. Cây quế mọc tươi tốt ở vùng thổ nhưỡng phù hợp chính là nguồn thu thoát nghèo cho cả bản Nủ cũ, nhiều hộ đã dựng nhà sàn trị giá 500-600 triệu đồng, tất cả lũ đã cuốn đi. "Biết ơn Nhà nước lắm. Có nhà mới rồi, giờ an tâm vì quế bên đồi được giá. Cả làng có quế nhưng hơi lo chút vì năm nay thời tiết làm sao ấy, cây lớn chậm...", chị ngừng tay vuốt lá dong, chỉ sang khoảng vệt rừng màu xanh thẫm phía xa.
Còn đây nhà anh Hoàng Ngọc Vinh. Ảnh vợ, con trai và hai cháu nội đặt trên bàn thờ có mâm cơm cúng mỗi ngày. Ra Giêng nhà anh mới tháo tang. Thắp nén hương lễ chị và các cháu, cả tôi và anh đều không muốn nhắc lại thảm họa nhưng trông anh buồn quá. Người Tày tảo mộ ngày 25 Chạp rồi họp lại ở nhà trưởng họ, ăn cỗ "tổng kết" coi năm qua nhà nào làm ăn, học hành ra sao. Nhà nào có người chết, và cả chuyện nhà nào có con cháu vi phạm giao thông, có nhắc nhở và thưởng khuyến học. "Đây thằng con giai thứ hai, nó cũng đi làm công ty, ăn Tết xong rồi tìm việc mới", anh Vinh bảo cậu con trai pha trà mời nhà báo.
Ở cùng anh trai và mẹ già gần bên, chị Hoàng Thị Thương vừa lên núi lấy củi quế về, nói là để dựng lán nhỏ sau ngôi nhà sàn làm chỗ nấu bánh, mổ gà. Một mình chị đào hố nêm bốn cọc dựng lán. Đứa con trai lớn của chị, và cả ngôi nhà sàn cũ, đã bị lũ cuốn đi... Chị còn một cậu con trai nhỏ 9 tuổi đang học ở điểm trường. "Lúc nãy cháu cũng múa xòe đấy", mắt chị ánh lên chút rạng ngời như khoảng khắc duy nhất nhìn vào nhà báo trong câu chuyện nãy giờ...
Toàn quốc đoàn kết hướng về miền Bắc hậu bão Yagi. Nậm Tông, Kho Vàng (Lào Cai), Át Thượng (Yên Bái) đều được xây mới, bài bản hạ tầng và kiến tạo sinh kế bền vững cho dân bản, trong đó cuộc chung tay tái thiết làng Nủ đã trở thành huyền thoại như một kỳ tích khắc phục thiên tai và hồi sinh sau lũ.
Đại tá Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 12 - đơn vị thi công xây làng Nủ mới, xúc động kể lại với phóng viên Đại Đoàn Kết về 68 ngày đêm "3 ca 4 kíp" ngay sau khi nhận lệnh của Thủ tướng phải cán đích dự án trước ngày 31/12/2024.
Khởi công ngày 21/9/2024, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và hàng loạt máy móc thi công được huy động tới đại công trường bất kể thời tiết. Khi nắng lửa, lúc mưa dầm, tuyến đường từ thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) dẫn vào làng Nủ dài tới 20km, rình rập sạt lở bởi địa hình hiểm trở và kết cấu yếu. Xe, người nối nhau như ra tiền tuyến. Bản lĩnh và lòng dũng cảm của những người lính có mạch nguồn Trường Sơn mở đường, vận tải năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Không ai còn biết mệt mỏi. Tất cả vì đồng bào. Hơn 2 tháng từ khảo sát, thiết kế, san gạt, dựng cột, xây nhà, hoàn chỉnh hạ tầng, và khánh thành bản Nủ đúng ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, như cổ tích thời bình minh chứng phẩm giá đoàn kết và sức mạnh quân dân Lạc Hồng.
Người làng Nủ nấu nước cho bộ đội, cùng dọn đất, khuân gạch. Những ngày đẫm nhòa mồ hôi cũng đẫm ắp tình quân dân như thuở chiến tranh xưa. Đêm kết thúc "chiến dịch", bên đống củi quế đốt lên giữa bản Tày mới, dân làng Nủ khóc nắm tay từng người lính. "Kỷ vật quý báu làng Nủ tặng lính Binh đoàn Trường Sơn hôm đó là một lá cờ Tổ quốc có nét bút ghi tên của tất cả dân làng, nay được lưu giữ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh", Thượng tá Vũ Xuân Đại, Chỉ huy trưởng Dự án, nói với Đại Đoàn Kết trong buổi đơn vị trở lại thăm và tặng quà Tết cho dân bản.
Lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, MTTQ Việt Nam và nhiều Bộ, ngành trực tiếp đến thăm làng Nủ, chỉ đạo và đôn đốc sát sao. "Không kể hiết được nỗi chăm lo của Đảng và Nhà nước. Xúc động lắm", Trưởng thôn Hoang Văn Diệp nói với Đại Đoàn Kết. Dự án được lựa chọn địa điểm kỹ lưỡng có nền kết cấu bền vững, an toàn, khảo sát khoa học bằng máy móc hiện đại và thi công chất lượng cao. Cùng thời gian đó, 120 ngôi nhà nữa cũng đã được xây dựng ở Lào Cai và cùng khánh thành. Những ngôi nhà có kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày, có bếp nối liền, có nhà vệ sinh sạch sẽ, có đất rộng 50-60m2 xung quanh, có vườn rau theo mẫu vẽ chung, và phù hợp sinh hoạt tập quán. Đúng như lời Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường, rằng "làng Nủ cũ mất đi do bão lũ thiên tai, chúng ta quyết tâm xây lại ngôi làng mới đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn".
Một quyết tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, và nguồn lực cả nước chung tay khắc phục thiên tai để không ai bị bỏ lại phía sau. Trên sóng truyền hình, báo chí, và tất cả trang mạng xã hội, lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai phát đi khẩn cấp trong những ngày mất mát đã nhận được sự giúp đỡ của hơn 7.000 cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm cùng hướng về tỉnh cực bắc Tổ quốc (tổng tiền ủng hộ hơn 722 tỷ đồng), nơi thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản (239 người chết, thiệt hại hơn 6.800 tỷ đồng). Trong đó, Quỹ Tấm lòng Việt của Đài THVN đã huy động hàng chục tỷ đồng tài trợ toàn bộ kinh phí dự án tái định cư làng Nủ.
Nhà nào cũng treo hai lá cờ Tổ quốc và có bốn cái đèn lồng đỏ trước hiên. Làng Nủ đón Xuân đã nguôi phần nào tâm trạng, và một sức sống đã hồi sinh cho dung mạo bản Tày ngày mới...
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-nu-nay-mam-xuan-10299196.html