Thám hoa Vũ Thạnh: Xứng danh 'Vạn thế sư biểu'

So sánh là khập khiễng, bởi thời điểm và bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể thẳng thắn mà nói rằng, Thám hoa Vũ Thạnh hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là bậc VẠN THẾ SƯ BIỂU, tức người thầy mẫu mực của muôn đời!

1.

Nước ta là một nước văn hiến, có truyền thống thi thư từ ngàn đời. Trải mấy ngàn năm đấu tranh giành lại quyền tự chủ, dân tộc ta đã không ngừng xây dựng cho mình một kho tàng văn hóa riêng, mang đậm hồn cốt của người Đại Việt, mặc dù, trải hàng ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta đã phải sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thống.

Cũng như một số nước phương Đông gần Trung Hoa như Nhật Bản, Triều Tiên (bao gồm cả Nam - Bắc Triều Tiên), nước Đại Việt ta lại là nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, rất nhiều năm bị giặc Tàu nô dịch, biến thành quận huyện, đương nhiên cũng chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của văn hóa Trung Hoa. Chữ Hán chính là phương tiện chuyển tải những tư tưởng triết học tiêu biểu đương thời như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo…

Văn hóa Trung Hoa cũng theo Hán tự mà “xâm thực” vào nước ta, “phủ sóng” lên đời sống tinh thần của người Việt suốt một thời gian rất dài. Đấy là chưa nói một trong những phát minh vĩ đại của người Việt là "Kinh dịch", cũng đã bị giặc Tàu cướp về nước, rồi nâng cấp lên như một sản phẩm trí tuệ hoàn hảo của người Tàu, rồi quay lại “nhập tịch” vào nước ta, khiến biết bao nhà nghiên cứu văn hóa người Việt mê lầm.

Một dân tộc đã làm ra trống đồng vô cùng tinh xảo, hội tụ gần như đầy đủ hình ảnh đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, văn minh đặc sắc của người Việt ở phương Nam, không thể nói là dân tộc ấy chưa làm ra chữ viết. Có thể ngàn năm Bắc thuộc đã chủ trương triệt để tiêu diệt nền văn hóa Việt, đồng hóa dân tộc ta, cho nên chữ viết của người Việt cổ vì thế mà mất cả tăm tích.

2.

Dưới thời phong kiến, quân chủ chuyên chế, khoa thi Minh kinh bác học năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông, chính là khoa thi Nho học đầu tiên ở nước ta. Tuy chưa đặt ra học vị Trạng Nguyên, nhưng Lê Văn Thịnh, người huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay là người đỗ đầu khoa thi ấy. Người đời sau gọi ông là Trạng nguyên khai khoa để tỏ lòng yêu mến ông đấy thôi.

Người đỗ thứ Nhì khoa ấy, chính là Đoàn Văn Khâm, quê Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình ngày nay, tương đương học vị Bảng Nhãn. Ông được phong luôn chức Thượng thư. Và đây cũng là chức Thượng thư đầu tiên ở nước ta dưới thời phong kiến, quân chủ chuyên chế.

Tranh minh họa Thám hoa Vũ Thạnh dạy học.

Tranh minh họa Thám hoa Vũ Thạnh dạy học.

Chính sử không thấy nói các vị đỗ đại khoa này học hành ở đâu, trường nào, nhưng chắc chắn họ phải học và cũng đương nhiên, họ phải có những người thầy của mình, không thể khác. Từ năm 1075 đời vua Lý Nhân Tông đến khoa thi Nho học cuối cùng (1919) đời Vua Khải Định nhà Nguyễn, trường ốc nước ta có 2.898 người đỗ đại khoa, trong đó chỉ có 76 người đỗ Thám hoa.

Hơn hai trăm năm dưới triều nhà Hậu Lý (1009-1225), Phật giáo là quốc giáo. Nho học chưa được đề cao. Rất nhiều người theo học đạo Nho, nhưng sau lại đi tu theo đạo Thiền, trở thành những Thiền sư danh tiếng. Nhiều thiền sư là những người có học vấn cao, làm cố vấn chính trị và cả quân sự cho các vị vua đương triều.

Đến đời nhà Trần (1226-1400), Nho học dần có vị thế hơn. Trường ốc được mở mang ở nhiều hình thức. Chu Văn An, tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, được truy tặng tước Văn Trinh Công nên gọi tắt là Chu Văn An (1292-1370). Ông người làng Văn Thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chu Văn An đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), nhưng ông không ra làm quan, ở nhà mở trường dạy học. Có sách nói ông không đi thi, không đỗ đạt gì, nhưng do học vấn nổi tiếng, nên có hàng ngàn người theo học. Học trò thầy Chu có đủ loại, từ bé đến lớn. Tương truyền có cả con trai Thủy Thần theo học. Danh tiếng của thầy Chu nổi lên bắt đầu từ nghề dạy học. Sau ông được vua Trần Minh Tông nghe danh, mời về kinh giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến Tông).

Sang đời vua Trần Dụ Tông, triều Trần dần suy thoái. Dụ Tông ăn chơi vô độ, bỏ bê chính sự. Thầy Chu khuyên can, nhưng Dụ Tông không nghe. Không thể chịu nổi thái độ vô trách nhiệm của Dụ Tông, cực chẳng đã, thầy Chu viết sớ đòi chém 7 tên gian thần (thất trảm sớ), nhưng Dụ Tông vẫn không nghe. Thầy Chu liền treo mũ từ quan, bỏ về núi Phượng Hoàng, thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ở ẩn.

Sau vụ Dương Nhật Lễ, Trần Phủ (Nghệ Tông) lên ngôi vua, tha thiết mời thầy Chu ra làm quan, nhưng thầy Chu chỉ chống gậy về Thăng Long chúc mừng nhà Trần giành lại ngôi báu, rồi ông lại trở về núi Phượng Hoàng, mất cũng ở đó.

Ở đời Lê trung hưng (Lê -Trịnh), trường ốc phát triển, nhiều người đỗ đạt cao, đóng góp nhiều tài năng cho đất nước. Một vị Thám hoa tiêu biểu, lừng danh thiên hạ, đó chính là Vũ Thạnh. Ông sinh năm 1664, mất năm 1717. Có sách ghi Vũ Thạnh mất năm 1727.

Sách "Từ điển bách khoa Việt Nam" lại ghi ông sinh năm 1663. Vũ Thạnh sống ở thời chúa Trịnh Căn cầm quyền, tức khoảng từ tháng 8/1682 đến tháng 5/1709.

Các sách chính sử và dã sử đều viết Vũ Thạnh người làng Đan Loan, huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Nhà nghèo, sức yếu, Vũ Thạnh phiêu dạt lên Thăng Long, ngụ ở chùa Báo Thiên, theo học Tiến sĩ Vũ Công Đạo. Hơn 10 tuổi đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hương (Hương Nguyên) ở phủ Phụng Thiên. Năm 22 tuổi (1685), Vũ Thạnh đỗ Đình nguyên Thám Hoa, đời Vua Lê Hy Tông. Ông làm quan các chức Thiêm Đô Ngự Sử, Hồng Lô Tự Khanh, rồi Bồi Tụng (tương tự chức Phó Tể tướng).

Vũ Thạnh ngay thẳng can gián chúa Trịnh Căn vì thói chơi bời quá độ, ông bị bãi chức. Vũ Thạnh về làng Hào Nam mở trường dạy học. Học trò từ khắp nơi nghe danh thầy Vũ Thạnh, liền kéo nhau về theo học. Trò đông đến nỗi khu nhà học không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải mượn thuyền ghé mép hồ Bảy Mẫu nghe giảng. Có tới hơn bảy chục người đỗ đại khoa từng là môn sinh của thầy Vũ Thạnh. Các quan đương triều phần nhiều là trò thầy Vũ Thạnh…

Sự nghiệp của Chu Văn An ở đời Trần nổi bật ở tư cách một nhà giáo mẫu mực và tài năng. Thầy Chu đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, sử sách không ghi rõ là được bao nhiêu, nhưng có hai vị Phạm Sư Mạnh và Lê Quát đều làm quan to trong triều. Thầy Chu từng là thầy dạy Thái tử, nên uy vọng càng cao, được vua nể vì. Vậy nên ông dâng sớ đòi chém 7 tên gian thần, lộng thần mà vẫn không bị vua ghét, truy bức.

Một nhà Nho “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, thật hiếm có ở đời. Vậy nên người đời tôn vinh thầy Chu là bậc VẠN THẾ SƯ BIỂU, tức người thầy của muôn đời. Lại còn được phối thờ ở Văn Miếu. Chỉ tiếc rằng Chu Văn An không gặp thời. Ông như một bức tranh đẹp treo nhầm chỗ. Sáng tác của Chu Văn An hiện còn gần chục bài thơ chữ Hán. Ông cũng có làm thơ Nôm, nhưng tác phẩm hiện thất lạc.

Sư nghiệp của Thám hoa Vũ Thạnh ở đời Lê - Trịnh, cũng chủ yếu nổi bật ở nghề dạy học. Từng làm quan ở ngành tư pháp (Thiêm Đô Ngự Sử), từng làm đến chức Bồi tụng, mặc dù với bản tính ngay thẳng, cương trực, ghét bọn hoạn quan gian tà, nhưng Vũ Thạnh vẫn không thể thẳng thắn vạch mặt chỉ tên những kẻ gian tham trong Phủ chúa Trịnh. Vị thế của ông có chỗ không bằng vị thế của Chu Văn An, mặc dù chức vụ của ông lớn hơn.

Bấy giờ quyền bính vào tay chúa Trịnh, vua Lê chỉ là bù nhìn, xã hội phức tạp, nhiều phe nhóm nổi lên tranh đoạt. Nếu ông mạnh mẽ như thầy Chu, chắc chắn tai họa sẽ đến với bản thân và gia đình, cho nên Vũ Thạnh đành chấp nhận bị bãi chức.

Ông về Hào Nam (nay thuộc quận Đống Đa - Hà Nội) làm nghề dạy học. Đức tài nổi tiếng, học trò theo học rất đông, đỗ tiến sĩ tới hơn bảy chục người, tiếng thơm không ai sánh kịp. Số lượng học trò thành danh của thầy Vũ Thạnh chắc chắn nhiều hơn của thầy Chu Văn An gấp nhiều lần.

So sánh là khập khiễng, bởi thời điểm và bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể thẳng thắn mà nói rằng, Thám hoa Vũ Thạnh hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là bậc VẠN THẾ SƯ BIỂU, tức người thầy mẫu mực của muôn đời vậy!

Em trai Thám hoa Vũ Thạnh là Vũ Huyên, đỗ Tiến sĩ cùng khoa năm 1692 với con trai Vũ Thạnh là Vũ Huy. Ngày vinh quy bái tổ, Vũ Thạnh có câu đối mừng: “Đồng triều tam Tiến sĩ/ Nhất nhật lưỡng vinh quy” (Ba người đỗ Tiến sĩ cùng một triều vua/ Một ngày trong họ có hai lần vinh quy)…

Sáng tác của Thám hoa, nhà giáo Vũ Thạnh hiện còn mấy chục bài thơ được Lê Quý Đôn đưa vào sách "Toàn việt thi lục". Bài thơ "Tư quy điền ngẫu thành" là một trong những bài thơ thể hiện rất rõ tâm sự của một nhà Nho bất đắc chí.

Dịch nghĩa:

NGHĨ CHUYỆN VỀ VƯỜN NGẪU NHIÊN THÀNH THƠ

Lênh đênh bốn biển (chẳng khác nào) cánh bèo trước gió,
Chán (nghe) thấy những tiếng inh ỏi bên tai trên đường đời.
Vui buồn, hợp tan, đau những việc đã qua,
Xanh vàng mặn nhạt đã trải (càng thêm) hiểu rõ tình người.
Nhao nhác trăm miệng ăn, nặng nề việc gánh vác,
Mờ mịt tấm thân cô đơn, mà (lòng) mang nặng bao điều lo toan.
Đâu là nơi kiếm củi làm vườn của Tô Môn,
Nơi đồng ruộng vui phơi phới mà thỏa chí bình sinh!

Dịch thơ

NGHĨ CHUYỆN VỀ VƯỜN, NGẪU NHIÊN THÀNH THƠ

Lênh đênh bốn biển tựa cánh bèo,
Chán thấy bên đời tiếng óc eo.
Tan hợp, vui buồn, đau việc cũ,
Xanh vàng, mặn nhạt, thấm tình sâu.
Trăm miệng đòi ăn, lo gánh vác,
Thân cô mờ mịt, nặng niềm đeo.
Tô Môn ước cảnh tiều canh mục,
Thỏa chí bình sinh, vui phận nghèo.

Hà Nội tháng 9/2018

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tham-hoa-vu-thanh-xung-danh-van-the-su-bieu-i757767/