Lãng phí đất dự án, tại sao không để tư nhân xây dựng hạ tầng rồi nhà nước thuê?
Cần có cơ chế cho tư nhân xây dựng cơ sở hạ tầng rồi nhà nước thuê lại, nhiều nước cũng đã như vậy, tư nhân thì không bao giờ lại ăn % cái móng nhà của mình.
Tiếp theo bài trước: Muốn tránh lãng phí phải đổi mới cách làm và chính sách
Ngày 5/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.
Đến dự buổi Tọa đàm này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ quan điểm:
“ Như tôi đã nói về năng lực phẩm chất đội ngũ thì rõ rồi, bên Bộ Giáo dục và một số người chưa được học quản lý dự án, đang nắm chức vụ ở một trường đại học nào đó thì được cử lên làm dự án.
Chúng tôi cũng đi học nước ngoài về, hơn nữa cũng đã làm cho tổ chức phi chính phủ, nên những chuyện như vậy chúng tôi đều biết là không làm được, phải nói thẳng như vậy nhưng vẫn phải bổ nhiệm, và làm như vậy thì chắc chắn không thạo việc, không có kinh nghiệm sẽ dẫn đến lãng phí.
Tôi xin kể 2 kinh nghiệm: Chúng ta xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhưng sao nó vẫn cứ ỳ ạch? Nhưng Malaysia thì phòng thí nghiệm trọng điểm họ mời một người Malaysia đã từng làm ở Mỹ về làm giám đốc, và làm rất nhanh. Như vậy là chúng ta không thiếu tiền mà là thiếu người.
Cái thứ 2 là ở Singapore, tôi có theo học một lớp và tôi có hỏi ông tổng giám đốc về cách bổ nhiệm các quản lý trong dự án như thế nào? Ông ta trả lời rằng thứ nhất là phẩm chất, tôi giao cho 100 triệu đô la mà ông lại không có năng lực phẩm chất thì đó là lãng phí vứt tiền của dân đi, vậy là không được.
Ngay cả các hệ thống trường đào tạo nghề của họ theo mô hình nhà nước và tư nhân hợp tác với nhau, tôi ví dụ nếu để cho ông Vượng làm Đại học Quốc gia, làm xong cho nhà nước thuê lại thì tôi đảm bảo ông Vượng làm xong lâu rồi.
Bởi vì sao? Nguồn tiền của họ chủ động và cũng là tiền của dân, cách làm của họ năng động, cũng vay ngân hàng, trả lãi và lập tức quy hoạch đường xá, cắt lô bán và lấy tiền của dân đóng vào đấy để trả lãi ngân hàng.
Vấn đề ở đây là cái đầu quản trị của họ. Vậy nên năng lực phẩm chất đội ngũ rất quan trọng, không được đào tạo thì không làm được đâu.
Còn vấn đề nữa liên quan đến tư vấn của một dự án, chủ trương rồi đến tư vấn, thiết kế, thực thi, giám sát đánh giá, thanh tra…tất cả các thứ và cả một khâu như vậy mà bây giờ họ mua tư vấn rồi thì còn gì mà nói nữa.
Một trường hợp nữa lãng phí là do cán bộ quản lý của ngành, tôi ví dụ như Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, ông này rất năng động và mở ra phân hiệu ở Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thái Bình…Giáo sư Trần Hồng Quân và chúng tôi có đến đó thăm, thấy cơ ngơi không khác gì của nước ngoài.
Nhưng đùng một cái do cơ chế và không được phép của bộ vì không phù hợp với quy hoạch. Chỉ một câu đó thôi là không được tuyển sinh, mà đại học lại không được tuyển sinh thì chỉ một năm là chết rồi.
Cuối cùng là giao về cho địa phương, lèo tèo vài học sinh vì năng lực quản lý của địa phương có hạn chế. Khi người ta mang thương hiệu, uy tín của Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ra thì sẽ khác.
Vậy đây là câu chuyện của cơ chế, tăng cường tự chủ đại học và là biện pháp chống lãng phí.
Nhà nước cần có cơ chế cho tư nhân xây dựng cơ sở hạ tầng rồi nhà nước thuê lại, nhiều nước cũng đã như vậy nên mình hãy thử đi. Tư nhân không đời nào lại ăn % ở trong cái móng nhà của họ, mà xây dựng thì “chui” xuống móng nhiều lắm."