Lãng phí thực phẩm, nỗi lo toàn cầu

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), 17% lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong năm 2019 đã bị vứt bỏ. Hiện có đến 132 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng vì đại dịch Covid-19.

Thông tin mới công bố từ Liên Hợp Quốc cho biết, tình trạng thiếu lương thực, đói nghèo và suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới. Trước tình hình đó, Liên Hợp Quốc kêu gọi khẩn cấp các quốc gia hành động để giảm lượng lương thực bị lãng phí.

Bà Nancy Aburto, Phó Giám đốc phụ trách Phát triển kinh tế và Xã hội của Bộ phận Lương thực và Dinh dưỡng thuộc FAO nhấn mạnh, lãng phí thực phẩm là vấn đề toàn cầu và không chỉ giới hạn ở các quốc gia giàu có.

“Tình trạng mất an ninh lương thực, nạn đói và suy dinh dưỡng đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên thế giới và không quốc gia nào là không bị ảnh hưởng; 811 triệu người bị đói, 2 tỉ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu vitamin và khoáng chất) và hàng triệu trẻ em bị còi cọc và gầy còm, các dạng thiếu dinh dưỡng gây chết người”.

Rác thải thực phẩm ở chợ Lira ở Uganda, là một thách thức đáng kể đối với nông dân cũng như người bán hàng. (Ảnh: FAO/Sumy Sadurni)

Hệ quả nghiêm trọng

Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm sẽ cải thiện hệ thống nông sản thực phẩm và đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm, đồng thời mang lại kết quả dinh dưỡng.

Theo FAO, "việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng sẽ đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính, cũng như giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên đất và nước”.

Chỉ còn chưa đầy 9 năm nữa để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 12 về đảm bảo tiêu dùng bền vững và mục tiêu 12,3 giảm một nửa chất thải thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng. Vì vậy, cần phải đẩy nhanh hành động, đến năm 2030 là thời hạn cuối cùng.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chính quyền các quốc gia và địa phương cùng với các doanh nghiệp và cá nhân phải ưu tiên hành động, góp phần khôi phục và cải thiện hệ thống nông sản thực phẩm.

Theo Giám đốc FAO QU Dongyu, trong cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt trên toàn thế giới, việc thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ thống miễn dịch là đặc biệt thích hợp.

Ông cũng lưu ý rằng, sự thất thoát và lãng phí thực phẩm trong ngành trái cây và rau quả vẫn là một vấn đề với những hậu quả đáng kể. Các công nghệ và phương pháp tiếp cận đổi mới có vai trò quan trọng, bởi chúng có thể giúp duy trì chất lượng và an toàn, tăng thời hạn sử dụng của các sản phẩm tươi sống và bảo tồn giá trị dinh dưỡng cao của các loại thực phẩm này.

Bài học cho các quốc gia cùng hành động

• Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, tăng cường tính bền vững của hệ thống thực phẩm và cải thiện sức khỏe trong hành tinh.

• Tăng cường hiệu quả của hệ thống thực phẩm và giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, đòi hỏi đầu tư vào đổi mới, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

• Ủ rác thực phẩm tốt hơn là đem đi chôn lấp, nhưng việc ngăn chặn rác thải ngay từ đầu sẽ giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Tối đa hóa các tác động tích cực của việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, đòi hỏi phải có quản trị tốt và phát triển nguồn nhân lực.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lang-phi-thuc-pham-noi-lo-toan-cau-59863.html