'Lãng phí trách nhiệm', 'ích kỷ cá nhân' cũng là một dạng lãng phí

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến những nội dung trên trong phần thảo luận tại Quốc hội sáng nay 31/10.

Đại biểu Lê Minh Nam - Hậu Giang cho rằng, từ khi ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm đã mang lại những kết quả rất tích cực, giúp cho việc quản lý, sử dụng nguồn lực công tiết kiệm, hiệu quả.

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn Hậu Giang

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn Hậu Giang

Tuy nhiên, báo cáo cũng đã chỉ ra tất cả các lĩnh vực được giám sát đều có những vướng mắc, bất cập, lãng phí đòi hỏi phải sớm có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương nhận định, thực trạng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư. Điển hình như, nợ đọng, thất thu thuế, các dự bị chậm tiến độ, rồi nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả…

Nguyên nhân là một bộ phận cán bộ có lối sống ích kỷ, thực dụng, chỉ quan tâm đến quyền lợi vật chất của bản thân, không vì tập thể, không nỗ lực vì lợi ích chung. Tiết kiệm, chống lãng phí khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích cộng đồng, tập thể, quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong việc nhỏ nhất là tiết kiệm thời gian, đến những vấn đề lớn hơn là sử dụng hợp lý mọi tài sản công.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương

Từ thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát để các dự án chậm tiến độ, sớm đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Các cơ quan hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử; đồng thời đặc biệt chú ý đến nâng cao đạo đức con người, phát triển văn hóa, bởi đây là gốc của chống lãng phí, nhất là khu vực công.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Việt - Kiên Giang, tính ích kỷ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, nhưng nguyên nhân chủ yếu, xuyên suốt là thể chế liên quan đến tài sản công còn nhiều bất cập.

Kết quả giám sát cho thấy, việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về định mức kỹ thuật đơn giá, kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, khiến tài sản nhà nước, đất đai, tài nguyên khoáng sản... bị thất thoát lớn.

Năm 2019, các bộ ngành còn nợ 9 văn bản hướng dẫn các luật. Năm 2020, các đơn vị còn nợ 7 nghị định và 30 văn bản quy định chi tiết. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt cơ chế, chính sách với nhiều lĩnh vực như đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng về xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây khu đô thị, đất đai, khoáng sản... còn lãng phí.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, nghiên cứu chế tài xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Bình Phước nêu, qua giám sát lần này đã phát hiện sai sót, thất thoát, lãng phí trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, báo cáo chỉ nêu quản lý, sử dụng kinh phí, sự nghiệp khoa học, công nghệ chưa triệt để, tiết kiệm chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí mà chưa chỉ ra được cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí như nêu trên.

Hơn 12.000 tỷ đồng còn nghẽn trong Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Nguồn lực này sẽ còn tiếp tục lãng phí nếu không có những chính sách phù hợp, kịp thời. Cử tri đặt câu hỏi tại sao những vướng mắc như vậy tồn tại suốt trong 5 đến 6 năm qua vẫn không thể giải quyết triệt để được và sẽ còn kéo dài đến khi nào, đại biểu nêu.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Tây Ninh đưa ra nhận định, “lãng phí trách nhiệm" cũng là một dạng lãng phí rất lớn hiện nay.

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn Tây Ninh

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn Tây Ninh

Đưa ra nhận định này, đại biểu dẫn chứng, trong 2 ngày Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội vừa quá, chúng ta đã nghe lặp đi, lặp lại chuyện các bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ; việc không thể đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện; rồi chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang gây trì trệ công việc lớn, nhỏ trong bộ máy quản lý nhà nước… tất cả những điều đó gây biết bao nhiêu sự rất lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

Ông cho rằng, ở góc độ nào đó, những người bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh; thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là không hoàn toàn sai. Nhưng phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ không được phát huy, điều này gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm hết được cho xã hội, cho đất nước.

Nguyên Bình

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/lang-phi-trach-nhiem-ich-ky-ca-nhan-cung-la-mot-dang-lang-phi-217767.html