'Làng rau nhút' vùng ven

Nằm khuất lấp sau những tòa chung cư, dãy nhà phố hiện đại là hàng chục các ao đầm trồng rau nhút của nông dân ở khu vực phường Thới An, Thạnh Xuân, Hiệp Thành… thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Thu hoạch rau nhút.

Thu hoạch rau nhút.

Từ lâu, khu vực này được coi là “làng rau nhút” của nhiều nông dân nhập cư dù các ao đầm trồng rau nhút không nằm cạnh nhau và cũng thường thay đổi vị trí. Ngày cuối năm, chúng tôi tìm tới và ngồi cùng những nông dân ở vùng ven đô thị để nghe mọi người chia sẻ về công việc, cuộc sống và cả kế hoạch của ngày mai.

Gần 10 năm ngâm mình trong nước

Là loại rau phổ biến ở khu vực phía Nam, rau nhút được trồng và phát triển tốt ở các khu vực đồng nước ngọt. Phần lớn rau nhút bày bán ở TP HCM được trồng tại các vùng nông thôn ở khu vực miền Tây Nam bộ. Nhưng có một phần được trồng ở các khu vực ngoại ô thành phố. Nhiều vùng đất ven kênh rạch ở một số phường tại Quận 12 và huyện Hóc Môn còn bỏ hoang, nước ngập quanh năm nên nông dân tranh thủ trồng loại rau này để bán. Dù phải thuê đất canh tác nhưng do nằm ở thành phố nên cũng tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển, giúp người dân sống được với nghề này.

Kể về công việc hàng ngày của mình, anh Trần Văn Hạnh (46 tuổi) cho biết quê anh ở dưới huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) nhưng đã gần chục năm qua cư ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp (Quận 12). Anh Hạnh cho biết cơ duyên gắn bó với nghề trồng rau nhút là do khoảng 9 năm trước, anh làm công nhân khuân vác rau củ quả ở chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Nhiều thời điểm chủ vựa nói anh về vườn ở khu vực phường Thới An này chở rau nhút lên. “Lúc đó ở đây cũng có vài hộ dân trồng rau nhút rồi nhưng chưa nhiều như bây giờ. Tôi thấy ở đây ao đầm còn nhiều và phần lớn để hoang nên tìm hiểu và thuê lại để trồng rau nhút, cung cấp cho các chủ vựa rau chứ không muốn đi làm thuê nữa” - anh Hạnh cho biết.

Người dân sơ chế rau nhút ở phường Thới An, quận 12.

Người dân sơ chế rau nhút ở phường Thới An, quận 12.

Theo anh Hạnh, đặc tính loại cây này là sống khỏe và phát triển nhanh, chỉ cần có nước ngập, thổ nhưỡng khu vực này rất thích hợp, nên cây rau nhút thân mập và mềm, bán cũng được giá hơn.

Theo quan sát của phóng viên, anh Hạnh liên tục di chuyển trong đầm nước để cắt và kéo những cụm rau nhút dài loằng ngoằng về phía bờ. Tại đây, vợ anh là chị Nguyễn Thị Bé đang cặm cụi cắt và xếp rau lại thành từng bó ngay ngắn. Theo chị Bé, rau nhút dài tới hơn một mét nhưng phần thân mập và mềm của chúng mới sử dụng được. “Những phần rau ở phía trên mặt nước thường không ăn được vì cứng lắm. Chỉ phần thân chìm dưới nước mới mềm thôi. Nhưng phần thân mềm thì phát triển trước nên cũng già hơn. Đó là lý do mình phải canh đúng thời điểm để cắt rau nhút sao cho cây dài vừa đủ nhưng không già. Sau khi cắt thì mình phải lọc phần rễ bám vào. Đó là công việc rất tốn thời gian vì dễ cây nhiều, mọc ở các đốt. Riêng phần bọng màu trắng dù không ăn được nhưng mình vẫn để lại cho đẹp và cho khách mua biết chất lượng rau. Nếu không có bọng trắng thì rau đó không ngon, trồng ở nơi nước không ngập nhiều”, chị Bé chia sẻ thêm.

Trò chuyện cùng vợ chồng anh Hạnh, chúng tôi được biết anh chị thuê 5 công đất ở đây và chia làm 2 ao để trồng rau nhút. “Mỗi tháng thu hoạch rau được hai lần nên mình chia các ao thành 2 đợt đan xen nhau để liên tục có rau cắt. Rau nhút gia đình tôi không nhiều. Vì thế tôi cũng chỉ cung cấp rau cho những mối quen. Rau vợ chồng tôi cũng có giá nhỉnh hơn ở chợ một chút nhưng chất lượng mình cũng tốt hơn nên vẫn giữ được mối làm ăn”, anh Hạnh kể thêm. Sau đó, người đàn ông này nhanh chóng lội xuống rộng rau ngập nước tới ngực và bắt đầu di chuyển theo từng luống rau để tiếp tục công việc. Anh lấy chiếc kéo đeo sẵn ở trước cổ để cắt rau rồi buộc lại. Khi bó rau đủ lớn anh kéo về phía bờ để đưa chúng lên. Công việc cứ thế lặp đi lặp từ đầu năm tới cuối năm, từ năm này sang năm khác…

Nghề trồng rau “du mục”

Men theo con đường đất sỏi đá dọc rạch Bến Cát, chúng tôi bắt gặp hàng chục ao trồng rau nhút khác tương tự như của gia đình anh Hạnh, chị Bé. Ngoài các ao đầm bên phía này của phường Thới An thì bên kia rạch ở địa bàn phường Thạnh Xuân, nhiều ao rau nhút cũng đang nở hoa mài vàng li ti nhìn khá đẹp. Những nông dân ở đây cho biết khi rau bắt đầu nở hoa vàng là có thể thu hoạch được. Ngày cuối năm, dường như ai cũng làm việc khẩn trương để mong có được một cái Tết ấm áp hơn.

Những ruộng rau nhút ở khu quận 12.

Những ruộng rau nhút ở khu quận 12.

Tại một ao rau nhút khác có mấy người phụ nữ đang hối hả làm sạch rau, phân loại chúng thành từng bó ngay ngắn. Bà Nguyễn Thị Liên, 51 tuổi cho biết mình làm thuê cho mấy chủ trồng rau nhút ở đây nhiều năm nay. “Công việc không có gì khó cả. Chỉ lấy rau từ ruộng lên và tuốt rễ, nhánh già rồi xếp chúng ngay ngắn lại thôi. Rau nhút có nhiều phần thừa lắm, mình phải lọc bỏ đi hết. Thành phẩm là những bó rau này đây. Mỗi kg rau thành phẩm sau khi thu hoạch thì được trả công 5.000 đồng. Bình thường tôi làm được khoảng 45-50 kg rau mỗi ngày. Mấy ngày cuối năm tôi nán lại tối mịt mới về nên có thể làm được 60 kg. Gần tết nên nhu cầu tiêu thụ cũng nhiều lắm”, bà Liên cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khác với các loại rau cải, rau muống… khi thu hoạch là nông dân có thể bán ngay, rau nhút phải mất thêm rất nhiều thời gian để sơ chế, làm sạch. Khi đưa rau từ dưới ruộng nước lên chúng thường bị nhiều bèo, nhánh, rễ nhằng nhịt bám vào. Việc sơ chế rau nhút cũng tạo ra việc làm cho rất nhiều người như bà Liên mà chúng tôi vừa trò chuyện. Điều khá đặc biệt là ở những ruộng rau nhút này, cả người làm thuê và người đi thuê đều là nông dân. Thậm chí họ là những nông dân nghèo.

Ông Nguyễn Văn Lân, 56 tuổi, chủ của mấy ao rau nhút cho biết gia đình ông ở bên phường Hiệp Thành (Quận 12) nhưng sang đây thuê ruộng trồng rau. Chỉ tay về phía những dãy nhà phố cao ba, bốn tầng khang trang đang được xây dựng ngay liền kế ruộng rau, ông Lân thở dài nói có lẽ sau Tết sẽ phải đi kiếm khu ruộng khác để thuê đất rau nhút tiếp. “Ở đây nhà mới mọc lên từng ngày và đất đai ngày càng tăng giá. Tôi thuê khu ruộng này được hơn 5 năm rồi. Trước làm rau ở bên Hiệp Thành nhưng chủ lấy lại đất để san lấp làm bãi giữ xe ô tô. Ở đây chắc chủ đất cũng sắp lấy lại rồi vì đường ngoài kia đã mở rộng, trải nhựa rất lớn nên nhà cửa chắc chắn sẽ thay thế ruộng rau. Quanh đây người ta làm nhà hết rồi. Chung cư bên kia nghe nói cũng xây thêm mấy tòa nữa. Có lẽ tôi sẽ sang bên Thạnh Xuân tìm chỗ làm rau tiếp. Bên đó đất hoang còn nhiều hơn bên này”, ông Lân chia sẻ.

Theo người đàn ông này, việc những nông dân trồng rau nhút bị đẩy ra xa ngoại thành là điều bình thường và đã lường trước được. Bởi trồng rau nhút không có lãi nhiều, thậm chí lấy công làm lãi nên nông dân chỉ có thể tìm thuê các khu đất ao với giá rẻ để duy trì sinh kế. Nói rồi ông Lân lại lặng lẽ lội xuống ruộng rau. Có lẽ chỉ ít thời gian nữa, vào mùa xuân tới, để tiếp tục công việc nhọc nhằn của mình, ông sẽ lại di chuyển ra xa hơn những nhộn nhịp của đô thị, như những cư dân “du mục” vậy.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-rau-nhut-vung-ven-10298569.html