Làng sản xuất 'phương tiện' cho ông Công, ông Táo hối hả thu hoạch
Người dân ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương lại tất bật vào vụ thu hoạch cá chép đỏ, kịp phục vụ cho ngày ông Công, ông Táo về trời.
Như thông lệ, cứ đến ngày 20, 21, 22 tháng Chạp (âm lịch) hằng năm, người dân ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) lại hối hả thu hoạch cá chép đỏ - loại cá được người dân mua để cúng trong ngày 23 (âm lịch) tiễn ông Công, ông Táo chầu trời.
Từ bao đời nay, người dân các phố Tân Hậu, Tân Cổ, Bái Trúc nối tiếp nghề cha ông truyền lại nuôi cá giống, cá chép đỏ nhỏ để phục vụ bán vào những ngày cuối năm. Mặc dù đây là nghề truyền thống nhưng hiện nay đã đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân.
Là một trong những hộ gia đình nuôi cá lớn nhất ở Bái Trúc, ông Nguyễn Văn Loan (SN 1962) cho biết: Tôi sinh ra đã biết gia đình nuôi cá rồi. Mặc dù là nghề truyền thống nhưng đây cũng là nghề phát triển kinh tế cho gia đình.
"Giá cá năm nay cao hơn so với mọi năm vì ở phía Bắc bị ảnh hưởng của mưa bão số 3, nhiều hộ không có cá bán. Năm nay, nhà tôi thu hoạch khoảng 2 tấn cá và được các thương lái đến mua gần hết. Số tiền thu về được khoảng 300 triệu đồng", ông Loan cho hay.
Khác với mọi năm lặn lội ra tận Hải Phòng mua cá về bán sỉ, ông Nguyễn Văn Ngọc (57 tuổi, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Tôi vào đây đặt mua 2 tạ cá chép đỏ về bán lại cho người khác với giá khoảng 140 nghìn đồng/1kg. Cá ở Quảng Xương đẹp, màu sắc tươi nên rất được nhiều người mua.
Đang kéo lưới vớt cá bán cho thương lái, ông Nguyễn Văn Sơn (62 tuổi, ở phố Bái Trúc) chia sẻ: Năm nay nhà tôi thu hoạch được 2 tấn cá chép đỏ. Mấy ngày nay thương lái ở khắp nơi đổ về mua gần hết rồi. Sáng nay, có một xe taxi đến mua 1 tạ về bán lẻ cho người dân vào dịp ông Công, ông Táo. Giá cá bán tại ao nuôi cho thương lái tầm 100-120 nghìn đồng/1kg.
Theo người dân ở đây, việc nuôi cá giống kết hợp cá ông Công, ông Táo đem lại lợi nhuận cao gấp 8 lần so với việc trồng lúa. Trung bình nếu một sào lúa thu về khoảng 14 triệu đồng (đã trừ tiền giống, vật tư và công chăm sóc) thì 1 sào nuôi cá thu về 25 triệu đồng trong khi chi phí rất ít.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND thị trấn Tân Phong cho biết: Việc nuôi ươm và xuất bán cá ông Công, ông Táo chủ yếu ở phố Tân Hậu, Tân Cổ và Bái Trúc trên diện tích 10ha. Năm nay có khoảng 70 hộ dân nuôi cá và giá bán buôn dao động từ 120 - 150 nghìn/1kg, thu nhập người dân ổn định.
Cũng theo ông Hưng, những năm qua, các mô hình nuôi trồng thủy sản ở địa phương như: cá giống, cá thịt, cá ông Công, ông Táo, nuôi ốc nhồi, cá chuối, ếch, trồng sen, trồng rau màu… năng suất cao, hiệu quả kinh tế khá lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số hình ảnh người dân thu hoạch cá ông Công, ông Táo: