Lạng Sơn ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng từ du lịch trong quý I/2024
Trong 3 tháng đầu năm Lạng Sơn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc và có sức hút lớn đối với du khách. Theo thống kê, trong quý I/2024, tổng lượng khách du lịch đến với Lạng Sơn ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Những năm gần đây, lễ hội văn hóa truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh ở mỗi địa phương và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch. Tính đến thời điểm này, tỉnh có khoảng 280 lễ hội khác nhau; trong đó lễ hội Lồng tồng chiếm trên 80% và lễ hội gắn với các điểm di tích chiếm gần 20%.
Với nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút hàng vạn lượt người về dự, như: Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn), Trò Ngô (huyện Hữu Lũng), Ná Nhèm và Lễ hội mùa vàng (huyện Bắc Sơn), lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia), Bủng Kham (huyện Tràng Định).... Đây là minh chứng rõ nét khẳng định cơ hội phát triển và những lợi ích mà loại hình du lịch này mang lại, góp phần quảng bá những nét văn hóa đặc sắc đến với du khách gần xa.
Ông Phan Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết mùa lễ hội năm nay, tổng lượng khách du lịch đến với Lạng Sơn ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ.
“Văn hóa là cái nôi thúc đẩy du lịch phát triển. Năm nay phải nói là các hoạt động rất đa dạng, phong phú và nâng cao chất lượng của lễ hội cho nên du khách trong và ngoài nước đến rất đông, có những thời điểm các ngả đường ở TP. Lạng Sơn đều chật cứng người. Những hoạt động trong các lễ hội được tổ chức phong phú, hấp dẫn, qua đó giới thiệu mảnh đất, con người, sự đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Sán Chay, Hoa trên địa bàn", ông Phan Văn Hòa nói.
Những tín hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm cho thấy các sản phẩm du lịch lễ hội tại Lạng Sơn đã và đang đang từng bước tạo được sức hút. Ngành du lịch Lạng Sơn tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đầu tư các cơ sở lưu trú, du lịch cộng đồng, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao... Có như vậy địa phương mới khai thác tối đa tiềm năng du lịch sẵn có, qua đó trở thành điểm đến bốn mùa với du khách trong và ngoài nước.