'Làng Thủy điện' trong ký ức 'con em sông Đà'
Thủy điện Hòa Bình là đại công trình thế kỷ - nơi hàng vạn kỹ sư, công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô đã dồn hết tâm trí, sức lực với lòng quyết tâm cháy bỏng, khát khao chinh phục dòng sông Đà hung bạo, tất cả vì dòng điện của Tổ quốc. Thời huy hoàng nhưng đầy vất vả không chỉ in hằn trong tâm trí lớp người vĩ đại ấy, mà còn khắc sâu trong ký ức tuổi thơ của thế hệ con cháu họ.
Thủy điện Hòa Bình là đại công trình thế kỷ - nơi hàng vạn kỹ sư, công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô đã dồn hết tâm trí, sức lực với lòng quyết tâm cháy bỏng, khát khao chinh phục dòng sông Đà hung bạo, tất cả vì dòng điện của Tổ quốc. Thời huy hoàng nhưng đầy vất vả không chỉ in hằn trong tâm trí lớp người vĩ đại ấy, mà còn khắc sâu trong ký ức tuổi thơ của thế hệ con cháu họ.
Tạm rời phố thị náo nhiệt, chúng tôi đến Hòa Bình vào một ngày mưa lạnh. Dạo một vòng quanh khu Chuyên gia Liên Xô cũ (phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình), chúng tôi gặp và được nghe kể những câu chuyện thuở ấy từ anh Trần Duy Hưng - người đã gắn bó với khu Chuyên gia và khu tập thể công nhân thủy điện từ thời thơ ấu.
Những kỷ niệm tuổi thơ
"Làng thủy điện”, hay còn được anh nhắc đến với cái tên "làng Hòa Bình” cùng sự thân quen tựa như đã nằm lòng từ bao giờ, là nơi lưu giữ trọn vẹn tuổi thơ của những đứa trẻ khi ấy - nôm na còn gọi là "con em sông Đà". Xuất thân là con em công nhân, anh Hưng được sinh ra và lớn lên khi Thủy điện Hòa Bình vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Qua giọng kể trìu mến của anh, chúng tôi được biết công nhân xây dựng Thủy điện Hòa Bình chủ yếu là dân "góp”, đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh Hưng chia sẻ: "Bố mẹ tôi là dân gốc Bình Định, từng tham gia xây dựng Thủy điện Thác Bà, sau đó chuyển đến Thủy điện Hòa Bình và quyết định gắn bó với mảnh đất này. Đến giờ, tôi vẫn quyết định gắn bó với nơi đây. Tôi đã yêu mến mảnh đất này từ rất lâu rồi.”
Người đàn ông mang dáng vẻ ung dung nhớ lại những ký ức sống động gắn liền với quá trình xây dựng "niềm tự hào của điện lực Việt Nam": "Khi còn là một đứa trẻ chập chững biết đi cho tới năm 1983 khi tôi bắt đầu đi học, tôi thường được bố mẹ cho ngồi trên xe để đi làm. Hồi ấy chưa có nhà trẻ, do công trường mới được mở nên bố mẹ tôi phải bố trí làm lệch ca để thay nhau trông con. Các anh chị lớn phải đi học, tôi là con út nên được ưu ái hơn, bố hay cho đi chơi ở chỗ làm”.
Thì ra, hiện lên trong mắt những đứa trẻ thời ấy không phải là hình ảnh những ngôi nhà lụp xụp, những bữa ăn thiếu thốn, mà là niềm vui to lớn khi được ngồi xe cùng bố đi làm hay nắm tay mẹ đến công trường đang ngổn ngang sắt thép. Nhưng rồi những đứa trẻ hồn nhiên dần lớn lên, ý thức được sự khó khăn của gia đình mà trở nên ngoan ngoãn và nghe lời.
Theo bộc bạch của anh Hưng, trong thời bao cấp, làng thủy điện thiếu thốn, gian khổ bộn bề do vừa phải tập trung hoàn thành tiến độ xây dựng, vừa phải chăm lo cho cuộc sống của hàng ngàn gia đình công nhân trẻ.
Những cái chết đã hóa thành bất tử
"Trong quá trình xây dựng thủy điện, thậm chí còn gặp nhiều thiên tai như lũ lụt, tai nạn lao động. Đấy là một trong những ký ức về xây dựng thủy điện mà con em công nhân sẽ mãi không quên”. - Nghe anh Hưng nói đến đây, không khí chợt lặng đi trong chốc lát. Sau chuyến đi chúng tôi mới biết, ở khoảnh khắc ấy, không ai bảo ai mà cùng nhớ tới câu khẩu hiệu nổi tiếng "Cao độ 81 hay là chết", trong tâm trí từng người hiện lên hình ảnh kiên cường của các công nhân thời ấy, đồng lòng vượt qua những thời khắc cam go để chiến thắng trong cuộc ngăn sông chống lũ lịch sử vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Công trình xây dựng thủy điện được triển khai khi đất nước còn khó khăn, điều kiện thi công rất phức tạp cùng sức ép phải hoàn thành đúng yêu cầu tiến độ đặc biệt cao. Song những người công nhân xây dựng thủy điện đã không quản gian nan, vất vả, hy sinh, gồng mình lao động ba ca, bốn kíp với niềm mong ước nhanh chóng biến dòng nước sông Đà thành nguồn điện phục vụ cho Tổ quốc.
Bất cứ một du khách nào khi đến tham quan công trình Thủy điện Hòa Bình đều thấy một Đài tưởng niệm uy nghiêm và tĩnh lặng. Tại đây, những linh vị khắc tên tuổi của 168 người anh hùng - những cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động và chuyên gia đã hy sinh trong quá trình xây dựng công trình thế kỷ của đất nước được xếp theo hình vòng tròn. Phần lớn trong số họ hy sinh khi còn rất trẻ, còn nhiều dự định tương lai chưa thể thực hiện.
Thủy điện hoàn thành, cuộc sống sang trang mới
Ngày 24/12/1994, cả nước hân hoan chào một sự kiện trọng đại - Nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình thủy lực lớn nhất Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung thời điểm ấy chính thức đi vào hoạt động. Đây là dấu son chói lọi trong hành trình 15 năm ròng rã lao động, cống hiến của hàng vạn công nhân, kỹ sư, chuyên gia tại công trường; là dấu mốc lịch sử đầy tự hào của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, ngành Điện lực nói riêng.
Bố mẹ của anh Hưng là lớp công nhân về hưu năm 1990. Tuy không thể đồng hành cùng công trình xây dựng cho đến thời khắc lịch sử ấy, nhưng họ luôn tự hào là những người đã góp mặt chung sức vào bản trường ca của đất nước. Ngày nay, họ vẫn luôn trân trọng, biết ơn mảnh đất Hòa Bình. "Khi về hưu, bố mẹ tôi tiếp tục ở lại, gắn bó với mảnh đất này và chứng kiến Hòa Bình đổi mới một cách mạnh mẽ.” - Anh Hưng chia sẻ. Bản thân anh cũng dành tình cảm sâu đậm với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Không ai có thể quên đi gốc gác của mình, chỉ là khi lớn lên sẽ tìm cách xây cho mình tổ ấm, đôi khi là ở những miền xa khác.
Công trình Thủy điện Hòa Bình đánh dấu một mốc son chói lọi của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đằng sau một thành công vĩ đại truyền lại tới muôn đời là những đóng góp thầm lặng của hàng vạn con người. Sự hy sinh của những người công nhân xây dựng Thủy điện Hòa Bình là minh chứng cụ thể, sự khẳng định cho một chân lý: không chỉ những con người đã làm lên công trình thế kỷ của đất nước mà những thế hệ tương lai sẽ không ngừng học tập và lao động sáng tạo vì công cuộc xây dựng nước nhà phồn vinh, vững mạnh, nối tiếp truyền thống ông cha để lại.
Mai Khanh - Thu Trang
(SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền)