Làng trong phố
Cùng với Tạnh Xá, Kiều Đại, Quảng Xá, Mật Sơn là một trong bốn ngôi làng cổ nằm trên vùng đất Bố Vệ (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) nổi danh. Được hình thành từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV), làng Mật Sơn từ lâu đã được biết đến là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, hội sơn tụ thủy, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa ít nơi nào có được. Nhìn những con người nơi đây sống chan hòa, thân ái với nhau trong tình làng, nghĩa xóm, ít ai biết được rằng, làng Mật Sơn còn một xóm nhỏ, gọi là xóm Cờn, nằm ở phía Nam của làng, giáp với con sông nhà Lê. Đây là xóm định cư của đồng bào huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Được biết, trước đây, cư dân Quỳnh Lưu thường chở nước mắm từ cửa lạch Cờn ra Thanh Hóa bán buôn. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhiều người vì cảm thấy thuận lợi cho việc làm ăn, lại gắn bó với đất và người xứ Thanh nên đã định cư tại làng Mật Sơn, hình thành nên xóm Cờn. Ấy vậy mới thấm thía câu nói của người xưa: 'Đất lành chim đậu'.
Núi Mật Sơn - danh thắng giữa lòng phố.
Bỏ lại ồn ã, náo nhiệt của phố xá, men theo con đường nhỏ, làng Mật Sơn hiện ra thật gần gũi, dung dị mà thân thương. Nơi đây có những nếp nhà bình yên tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt nhìn sông. Gói gọn trong không gian làng, Mật Sơn có 3 ngọn núi đá: núi Mật (còn gọi là núi Kỳ Lân), núi Long và núi Ngọc Nữ.
Núi Mật nằm ở sát phía Tây của làng Mật Sơn, cũng trải dài theo hướng Bắc – Nam. Giữa lòng phố, một ngọn núi đá vôi sừng sững, tựa như bức bình phong mà thiên nhiên ưu ái trao tặng cho đất. Từ xa nhìn lại, ngọn núi như hình dáng một con kỳ lân đang nằm phủ phục. Vì lẽ đó nên núi Mật còn được gọi với cái tên khác là núi Kỳ Lân. Những ngày nắng gắt, khi hoàng hôn buông phủ nơi cuối trời, cả làng Mật Sơn đã nằm gọn trong bóng núi.
Nếu núi Mật gợi lên dáng hình của loài vật uy linh trong tín ngưỡng người Việt thì ngọn núi Ngọc Nữ (hay còn gọi Ngọc Nữ Phong) là quả núi nhỏ, tựa như hình người nằm sát phía Nam núi Mật, gần con sông nhà Lê. Theo sách Đại Nam nhất thống chí miêu tả: “... Vua Lê Thánh tông đồng thời cũng là nhà thơ lớn của dân tộc đi nam tuần, đã cảm tác vịnh núi Ngọc Nữ, bài thơ này được khắc vào đá...”. Hiện nay, vị trí bài thơ ở đâu vẫn chưa được tìm thấy nhưng nội dung bài thơ được nhiều thế hệ người dân làng Mật lưu truyền: “Tòa núi ai đem đặt giữa đồng/ Tô hình Ngọc Nữ đứng mà trông/ Phau phau da đá pha màu phấn/ Phơi phới hương xuân trút bụi hồng/ Sớm tắm sương mai soi bóng nước/ Tối kề hang thỏ ngắm trăng trong/ Cho hay ướm hỏi bao chăng tá/ Trinh tiết bền gan chẳng lấy chồng”.
Một vùng núi – sông hòa quyện ôm ấp xóm, làng trù phú, làng Mật Sơn tựa hồ như nét chấm phá thủy mặc ấn tượng, gợi lên cảm giác êm ả, thanh bình giữa cái nhộn nhịp, hiện đại của thành phố trẻ. Sức sống của những ngôi làng cổ như Mật Sơn đã góp phần nhắc nhớ con người ta biết sống chậm lại, biết nhìn về nguồn cội, tổ tiên. Bởi lẽ, không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, làng Mật Sơn còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, hiển hiện trong những di tích độc đáo, tiêu biểu như: chùa Đại Bi, nghè thờ Long môn Nguyệt Đàn công chúa tôn thần.
Tuy là một công trình kiến trúc tôn giáo thờ Phật, song sự hình thành và phát triển của chùa Đại Bi gắn liền với tên tuổi, đức nghiệp của vua Lê Thần tông – vị vua duy nhất lên ngôi hai lần ở nước ta. Năm 1619, hoàng tử Lê Duy Kỳ được lập lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thần tông. Trong một lần về xứ Thanh, ngưỡng mộ cảnh đẹp vùng núi Mật, ông đã sai dựng một ngôi chùa cạnh núi và đặt tên chùa là Đại Bi. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa, chùa được xây dựng theo bố cục hình chữ Đinh (I). Bái đường gồm 5 gian, chính điện 3 gian, cách Kênh Vi chừng 200m. Sân chùa bài trí rất nhiều hiện vật bằng đá như: voi, ngựa, nghê, bia đá, khánh đá. Tam quan xây theo kiểu chồng diêm ba tầng mái cong, phía trên cùng treo chuông đồng.
Ở khu vực điện thờ được bài trí gồm: Gian thứ nhất thờ Tam thế Phật, tượng trưng cho 3 vị Phật thuộc 3 kiếp: quá khứ - hiện tại – tương lai. Gian thứ hai thờ Quan thế âm Bồ tát – mẹ từ bi. Ở gian thứ ba, phía bên phải thờ Thiên Phủ (tức là Phật bà nghìn tay nghìn mắt) và phía bên tay trái là tượng vua Lê Thần tông. Ngay trước bệ thờ vua nhưng dưới cấp bậc thấp hơn, hai bên tả hữu phối thờ 6 pho tượng mặc quốc phục nhằm tượng trưng cho hoàng hậu và 5 vị phi tần của vua thuộc các dân tộc khác nhau: Việt Nam, Trung Hoa, Ai Lao (Lào), Xiêm La, Mường và Hòa Lan (Hà Lan). Chính điều này đã khiến vua Lê Thần tông được biết đến như là một trong những vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam khi có hai lần lên ngôi vua và có phi tần là người ngoại quốc.
Cùng với núi Mật, chùa Đại Bi từng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, dũng cảm đấu tranh cách mạng của Nhân dân thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Đó là phong trào học sinh, sinh viên và các nhân sĩ yêu nước làm lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh vào sáng chủ nhật ngày 27-3-1927. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Đại Bi được dùng làm trụ sở làm việc và đóng quân của một số đơn vị lực lượng vũ trang. Và có lẽ, nhiều thế hệ người dân nơi đây sẽ còn nhắc nhớ về buổi sáng ngày 19-8-1945, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cột cờ ở đỉnh núi Mật.
Bằng tất cả niềm tự hào, trân trọng với những giá trị lịch sử - văn hóa của làng, các thế hệ con cháu nơi đây nỗ lực phấn đấu, kế thừa và phát huy truyền thống gia đình, dòng họ, làng xã, cống hiến sức mình dựng xây quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong nhịp sống hối hả, bộn bề cùng với những tác động của nền kinh tế thị trường, khi nhiều nghề, làng nghề truyền thống loay hoay tìm chỗ đứng, đối mặt với nguy cơ mai một, thất truyền thì làng nghề làm hoa giấy, hàng mã Mật Sơn vẫn được các thế hệ người dân nơi đây trao truyền, tiếp nối, từng bước phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục phát triển của Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa với gần một thế kỷ thăng trầm trên mảnh đất này như càng điểm tô thêm cái danh giá làng cổ.
Làng trong phố, đó là giá trị, là chiều sâu thăm thẳm làm nên tâm hồn thành phố trẻ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/lang-trong-pho/144496.htm