Làng ven sông Lam xác xơ sau lũ
Dòng Lam vẫn đục ngầu cuộn chảy nhưng mực nước đang xuống khá nhanh. Nước lũ cũng đã rút khỏi những ngôi làng cuối cùng của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Thế nhưng, nơi lũ đi qua, giờ là những cánh đồng xác xơ, những con đường đầy bùn đất, bốc mùi khăm khẳm.
6 ngày dầm mình trong lũ
Sáng 7/10, nước lũ đã rút khỏi xã Châu Nhân huyện Hưng Nguyên, địa phương bị ngập nặng nhất tại tỉnh Nghệ An trong những ngày qua. Với địa hình là xã nằm trong vùng rốn lũ, hầu như năm nào, cứ vào mua mưa bão hơn 1000 hộ dân sống ngoài đê dọc theo sông Lam của xã Châu Nhân lại phải hứng lũ.
"Đợt này nước ngập 6 ngày liền khiến xóm Phú Xuân và các xóm 7, 8, 9 hoàn toàn bị chia cắt. Nơi ngập sâu nhất khoảng 1,5m-2m nên việc di chuyển, đi lại của người dân chủ yếu bằng thuyền cá nhân.
“Nước mênh mông bủa vây tứ phía. Những ngày qua, tôi chỉ biết ngồi co ro trên chiếc giường đã được kê lên cao và cầu nguyện. May mắn, đến đêm 6/10, nước mới rút hết khỏi những con đường liên thôn, sáng nay các gia đình mới tập trung dọn dẹp sau lũ", bà Nguyễn Thị Tuất, xóm Phú Xuân chia sẻ.
Sau nhiều ngày phải gửi 2 đứa cháu nội 3 tuổi và 17 tháng tuổi đến nhà người thân, sáng 7/10 bà Tuất đã đón các cháu về nhà. Vừa dọn dép đống bùn đất chất đầy trước sân, bà Tuất vừa thở dài: "Nhà bị ngập ngang cửa số, trong nhà giờ đâu cũng rác và bùn. Các anh ngồi tạm ngoài sân, trong nhà chắc thối lắm, tôi vẫn đang cố gắng dọn dẹp và tìm kiếm xem có rắn rết gì chui vào nhà không. Sau lũ, cánh đồng bị ngập nhà hay có rắn vào lắm".
Bà Tuất ở cùng vợ chồng người con út Cao Văn Nam và 2 cháu nội. Sống ở hạ lưu sông Lam, phía ngoài đê nên bà Tuất quá quen với cảnh "sống chung với lũ". Đêm 29/9, sau những trận mưa như trút nước, bà Tuất biết chắc xóm mình sẽ lại ngập lụt, bà và vợ chồng đã nhanh chóng "sơ tán" 2 đứa cháu, sau đó dọn hết đồ đạc lên cao.
Dù đã rất chủ động nhưng theo bà Tuất, nước về quá nhanh, lại vào lúc nửa đêm nên một số đồ đạc trong nhà dù đã kê cao nhưng đều bị ngấm nước, hư hỏng. "Hai chiếc xe máy đã treo lên mái nhà nhưng vẫn bị hỏng một chiếc. Máy giặt kê lên ghế nhưng vẫn bị ngập. So với trận lũ năm 2020, đợt này nước ngập sâu hơn và ngập nhiều ngày nên những gì không kịp chạy đã hư hỏng. Đàn gà trôi mất một nửa, may mắn cứu được con bò", bà Tuất cho biết.
Cũng như gia đình bà Tuất, sáng 7/10 mẹ con bà Nguyễn Thị Lĩnh ở cuối thôn Phú Xuân cũng đang rửa sân, cào lớp bùn đất phủ dày trước cổng. Cánh đồng phía trước nhà vẫn đang mênh mông nước nhưng bà Lĩnh hi vọng, trời sẽ hết mưa và lũ không còn lên trở lại. "Gia đình tôi sống ở đây đã 30 năm, quá quen với cảnh lũ lụt nên đã tránh được những thiệt hại. Tuy nhiên, lũ rút bùn đất và xác gia cầm chết khiến cả xóm bốc mùi hôi thối", bà Lĩnh chia sẻ.
May mắn hơn nhiều hộ dân trong thôn, nhà bà Lĩnh có người con đi lao động nước ngoài. Chắt chiu nhiều năm, đã gửi về cho bố mẹ món tiền khá lớn và cách đây 2 tháng, vợ chồng bà Lĩnh vừa cất xong ngôi nhà mới. Ngôi nhà có nền cao 2,5 mét so với mặt đường nên đợt lũ này, gia đình bà Lĩnh đã tránh được cảnh nhà bị ngập.
Nỗi lo về môi trường sau lũ
Được biết, trong đợt lũ này toàn xã Châu Nhân có hơn 1.100 hộ dân ngập sâu, thiệt hại nhiều nhất là xóm Phú Xuân. Trưởng xóm Võ Văn Tiến cho biết, lũ đã khiến hoa màu xóa số, một số diện tích ngô vụ đông trồng sớm mất trắng, gia cầm cũng chết nhiều. Xóm nuôi bò nhiều nhất huyện giờ không biết lấy đâu cỏ cho bò ăn".
Trong khi đó, ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân nói rằng, trận lũ không gây thương vong về người và thiệt hại về vật chất không quá lớn do vụ hè thu đã thu hoạch xong, vụ đông chỉ mới cày ải, chưa trồng trọt. Tuy nhiên, "bài toán" nan giải nhất là ô nhiễm môi trường.
"Chúng tôi đã chỉ đạo tập trung lực lượng dọn dẹp suốt 4 ngày hôm nay, nước rút đến đâu dọn đến đó. Các hộ gia đình cũng chủ động dọn dẹp tại gia đình mình. Tại trường học, trạm y tế đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng, diệt muỗi. Sáng 7/10, học sinh trường Tiểu học Phạm Hồng Thái cũng như học sinh mầm non trong xã đã được trở lại trường buổi đầu tiên sau một tuần phải nghỉ học vì trường bị ngập", ông Quang cho biết.
Mặc dù xã Châu Nhân đang huy động lực lượng dọn dẹp nhưng theo quan sát của PV, trên nhiều tuyến đường và ngay cả trước cổng trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, rác vẫn ngổn ngang. Còn các cánh đồng, nơi vẫn mênh mông nước, nơi chỉ còn lại màu nâu của bùn đất. Số ít diện tích ngô trồng sớm đã bị xóa trắng và không còn lại dấu vết gì.
Cũng theo ông Quang, công việc trong những ngày tới vẫn là làm tốt nhất về công tác môi trường để đảm bảo an toàn cho sức khỏe toàn dân. Xã Châu Nhân vẫn còn 69 hộ nghèo, trong đó tập trung nhiều nhất là xóm Phú Xuân với 35 hộ. Với những hộ này, chính quyền đã có những động viên, chia sẻ để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống, vượt qua được khó khăn sau lũ.
"Những ngày tới chúng tôi vẫn tiếp tục công việc khắc phục hậu quả sau lũ. Nếu thời tiết ổn định, khoảng 20 ngày nữa, người dân có thể xuống đồng để bắt đầu gieo trồng sản xuất vụ đông. Cuộc sống sẽ trở lại bình thường", ông Quang chia sẻ.
Theo báo cáo của UBND huyện Hưng Nguyên, lũ từ thượng nguồn đổ về từ ngày 1/10 đã khiến hơn 3000 hộ dân ở 48 xóm thuộc các xã Hưng Yên Bắc, Hưng Trung, Hưng Đạo; Hưng Yên Nam, Châu Nhân, Long Xá; Hưng Lĩnh; Hưng Lợi; Xuân Lam; thị trấn đang bị ngập.
Nước lũ cũng đã làm gần 123 km đường bị ngập, trong đó nhiều tuyến đường đã ngập sâu trong nước. Rêng tuyến đường trục chính của xã Châu Nhân ra các xóm ngoài đê Tả Lam đã ngập sâu 1,3m. Toàn huyện có 10 trường học và 31 trụ sở, nhà văn hóa, trạm y tế và hơn 15 ha lúa hè thu, 75 ha cây trồng vụ đông, 35 ha cam, 140 ha ao cá bị ngập. Lũ lụt đã làm 7 con lợn và 2400 con gia cầm bị chết, nước cuốn trôi.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-ven-song-lam-xac-xo-sau-lu-20221008004422157.htm