Lãnh đạo Hà Nội thông tin việc tổ chức diễu binh, diễu hành dịp Quốc khánh 2-9

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, con người, kế hoạch chi tiết cho các hoạt động diễu binh, diễu hành, chương trình nghệ thuật… dịp kỷ niệm 80 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Ngày 10-7, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước (giai đoạn 2023-2025) do Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, dẫn đầu đã làm việc với TP Hà Nội và các ban, bộ, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã rà soát toàn bộ tiến độ triển khai tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9.

Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 35 để chỉ đạo toàn diện các cấp, các ngành tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025. UBND TP cũng ban hành Kế hoạch 158/KH-UBND, triển khai ba nhiệm vụ chủ trì, tám nhiệm vụ phối hợp và 21 nhiệm vụ do TP chủ động thực hiện.

Đến nay, TP Hà Nội đã hoàn thiện và được Trung ương phê duyệt Đề án tổng thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Trên cơ sở đó, TP đã xây dựng kế hoạch chi tiết, bao gồm tổ chức lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, thiết kế logo, bộ nhận diện sự kiện và phối hợp với Bộ VH-TT&DL phê duyệt biểu trưng chính thức.

 Hình ảnh hợp luyện Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) ở TP.HCM.

Hình ảnh hợp luyện Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) ở TP.HCM.

Các hoạt động trọng điểm sẽ diễn ra trong tháng 8 và đầu tháng 9-2025 như Lễ dâng hương tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn, Nghĩa trang Mai Dịch (ngày 1-9); Hội thảo khoa học cấp quốc gia (ngày 14-8); Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia (từ 28-8 đến 5-9); Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (1-9); Cầu truyền hình trực tiếp (22-8); Triển lãm tranh sơn mài “Mùa Xuân độc lập” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (từ 10-8 đến 10-9).

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VT

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VT

TP Hà Nội cũng đã hoàn thiện thiết kế phông lễ đài, khán đài, hệ thống màn hình LED cỡ lớn, các phương án về y tế, vệ sinh, hậu cần. Công tác lắp dựng sẽ bắt đầu từ ngày 20-7, hoàn tất trước 20-8 để phục vụ sơ duyệt (27-8), tổng duyệt (30-8) và chương trình chính thức.

Đặc biệt, TP sẽ bố trí hệ thống màn hình lớn tại nhiều địa điểm để người dân theo dõi, tránh ùn tắc tại khu vực trung tâm, góp phần lan tỏa không khí lễ hội rộng khắp.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài. Ảnh: VT

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài. Ảnh: VT

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh sự kiện kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám 19-8 và Quốc khánh 2-9 là dấu mốc quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng trong hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm an ninh - an toàn các hạng mục thi công, bố trí tuyến đường phục vụ diễu binh, diễu hành.

TP cũng đề nghị Bộ Ngoại giao sớm thông báo số lượng khách quốc tế để lên kế hoạch đón tiếp chu đáo. “Tất cả sự chuẩn bị chu đáo này nhằm tạo nên một sự kiện an toàn, trang trọng, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế” - bà Hoài khẳng định.

“Lễ kỷ niệm là ngày hội của 54 dân tộc anh em”

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, ghi nhận sự vào cuộc nghiêm túc, hiệu quả của TP Hà Nội, các bộ, ngành, lực lượng Quân đội và Công an trong việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này.

 Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh từ nay đến lễ kỷ niệm chỉ còn hơn một tháng, các cơ quan, đơn vị cần rà soát kỹ từng khâu, đặc biệt là nội dung, kịch bản diễu binh, diễu hành. Ngôn ngữ sử dụng trong các bản thuyết minh cần mang tính chính luận, trang trọng và chuẩn xác.

Theo ông Nghĩa, lễ kỷ niệm không chỉ là ngày hội của Hà Nội mà là ngày hội của 54 dân tộc anh em, là hình ảnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, các chương trình văn hóa nghệ thuật cần được đầu tư công phu, phản ánh chiều sâu bản sắc văn hóa Thủ đô và đất nước.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị ngay sau hội nghị, các đơn vị rà soát, kiểm tra thực địa, tổ chức cuộc họp chốt các nội dung lần cuối, bảo đảm cho sự kiện được tổ chức thành công tốt đẹp, qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tạo xung lực mới cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lanh-dao-ha-noi-thong-tin-viec-to-chuc-dieu-binh-dieu-hanh-dip-quoc-khanh-2-9-post859703.html