Trí tuệ nhân tạo: Robot hình người không thể thay thế con người trong nghệ thuật
Khi công bố bức chân dung mới của Vua Charles III của Anh, 'nghệ sĩ' robot hình người Ai-Da - một trong những robot tiên tiến nhất thế giới - khẳng định không có kế hoạch 'thay thế' con người.

"Nghệ sĩ" robot hình người Ai-Da - một trong những robot tiên tiến nhất thế giới - khẳng định không có kế hoạch "thay thế" con người. Ảnh: ai-darobot.com
Robot siêu thực này có vẻ bề ngoài được thiết kế giống một phụ nữ với gương mặt sống động, đôi mắt nâu to tròn và mái tóc ngắn đồng màu. Cánh tay của Ai-Da vẫn lộ phần kim loại của robot và có thể được tháo lắp tùy thuộc vào loại hình nghệ thuật mà robot đang thực hiện.
Cuối năm ngoái, bức chân dung nhà toán học người Anh Alan Turing của Ai-Da đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do một robot hình người vẽ và được bán đấu giá lên tới hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, khi phát biểu tại Phái bộ ngoại giao Anh ở Geneva và công bố bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Vua Charles - tác phẩm mới nhất do Ai-Da sáng tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI), robot này khẳng định rằng tác phẩm đóng vai trò như một chất xúc tác cho các cuộc thảo luận về khía cạnh đạo đức đối với công nghệ mới; khuyến khích đổi mới có trách nhiệm vì một tương lai công bằng, bền vững hơn.
Phát biểu bên lề Hội nghị AI for Good của Liên hợp quốc, Ai-Da đã trình bày chi tiết về phương pháp và nguồn cảm hứng tạo nên bức tranh trên. Robot này thừa nhận rằng AI đang thay đổi thế giới, trong đó có thế giới nghệ thuật và các hình thức thể hiện sáng tạo của con người. Tuy nhiên, Ai-Da cho rằng AI hay tác phẩm nghệ thuật của mình sẽ không thể thay thế những người nghệ sĩ đích thực. Công nghệ và những tác phẩm như vậy chỉ nhằm truyền cảm hứng cho người xem suy nghĩ về cách thức sử dụng AI một cách tích cực, đồng thời vẫn nhận thức được những rủi ro và hạn chế của chúng.