Lãnh đạo khoa học ở TP.HCM được hưởng lương cao nhất 120 triệu đồng/tháng
HĐND TP.HCM thông qua việc thay đổi điều kiện để hưởng mức tiền lương, tiền công cao nhất 120 triệu đồng/tháng đối với người đứng đầu tổ chức KHCN công lập.
Sáng 11/11, Thường trực HĐND TP.HCM khóa X triệu tập kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) và đã thông qua một số tờ trình.
Theo đó, HĐND TP.HCM thông qua việc thay đổi điều kiện để hưởng mức tiền lương, tiền công cao nhất 120 triệu đồng/tháng đối với người đứng đầu tổ chức khoa học - công nghệ công lập trên địa bàn.
Người đứng đầu của tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP.HCM thành lập, tiền lương, tiền công theo tháng được đề xuất là 60 triệu đồng, 80 triệu đồng, 100 triệu đồng và 120 triệu đồng.
Tiền lương, tiền công hàng tháng đối với cấp phó của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP.HCM thành lập là 50 triệu đồng, 65 triệu đồng, 85 triệu đồng và 100 triệu đồng.
Trưởng các phòng, ban, phòng thí nghiệm, đơn vị trực thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP.HCM thành lập được đề xuất các mức 40 triệu đồng, 50 triệu đồng, 65 triệu đồng và 80 triệu đồng.
Phó trưởng các phòng, ban, phòng thí nghiệm, đơn vị trực thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP.HCM thành lập được đề xuất là 30 triệu đồng, 40 triệu đồng, 50 triệu đồng và 60 triệu đồng.
Những người hưởng mức lương ưu đãi nói trên được xem xét tăng 10% mức ưu đãi tương ứng mỗi năm một lần, căn cứ kết quả đánh giá hoạt động hàng năm. Họ cũng được thưởng 2 tháng lương nếu được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm; một tháng mức lương ưu đãi khi được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ cuối năm.
Để được hưởng mức lương cao nhất cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người hưởng ưu đãi phải có từ 12 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực theo quy định và đáp ứng một trong các điều kiện dưới đây.
Người hưởng mức lương ưu đãi từng chủ trì ít nhất 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc 8 nhiệm vụ cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu "đạt" trở lên.
Người này là tác giả chính của 8 công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS (viết tắt của Web of Science, tức dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics, Mỹ).
Người hưởng lương ưu đãi là tác giả của ít nhất 3 sáng chế hoặc 6 giải pháp hữu ích hoặc là tác giả của ít nhất 3 văn bằng bảo hộ về giống cây trồng; là tác giả của ít nhất 3 văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Người này từng triển khai 4 nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
UBND TP.HCM xác định các chế độ ưu đãi mới được áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM, gồm: Điện tử và Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ chế tạo vật liệu tiên tiến.
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM cũng thông qua tờ trình người cai nghiện ở TP.HCM được hỗ trợ tiền văn hóa, văn nghệ, giải trí.
Theo đó, người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở công lập của TP.HCM sẽ được hỗ trợ chi phí tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập, lao động tối thiểu. Mức chi cho khoản này là 100.000 đồng/người/năm, thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Trường hợp tử vong trong thời gian cai nghiện tại cơ sở mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận trong vòng 24 giờ được hỗ trợ chi phí mai táng tối thiểu bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Đồng thời, những người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở công lập cũng được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tiền điện, nước sinh hoạt. Sau khi hoàn thành xong thời gian cai nghiện, những người này được hỗ trợ chi phí tiền ăn khi đi đường trong vòng 3 ngày với mức không quá 70.000 đồng/người/ngày.
Người sử dụng trái phép chất ma túy bị tạm giữ tại cơ sở cai nghiện để xác định tình trạng nghiện được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày, tiền điện, nước sinh hoạt, thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị bệnh khác.
Kinh phí hỗ trợ đối với các trường hợp trên được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước.