Lãnh đạo thành phố luôn tạo điều kiện để văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo
Đó là khẳng định của lãnh đạo TP Đà Nẵng tại buổi tọa đàm chủ đề "Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố" tổ chức chiều 30-3, dưới sự chủ trì của Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố (VHNT) Bùi Văn Tiếng. Nhiều ý kiến đóng góp của giới văn nghệ sĩ TP nhằm xây dựng thương hiệu văn hóa của Đà Nẵng được Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Chủ tịch UBND TP ghi nhận, đánh giá cao.
Hiến kế xây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP, văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố trước hết với tư cách công dân - những công dân gương mẫu, thượng tôn pháp luật, nghiêm túc chấp hành mọi đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số văn nghệ sĩ còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố với tư cách đảng viên- những người luôn tiên phong trong sự nghiệp Đổi Mới do Đảng khởi xưởng và lãnh đạo, luôn phấn đấu nêu gương tốt trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, chủ yếu văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố với tư cách những người lao động sáng tạo nghệ thuật, qua các thông điệp nghệ thuật từ tác phẩm của mình. "Nói cách khác, bản thân từng văn nghệ sĩ và cả đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố chủ yếu thông qua các thành tựu trong nghề. Và như đã nói trên, văn nghệ sĩ Đà Nẵng còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố với tư cách công dân - nghệ sĩ, với tư cách người trong cuộc để tư vấn cho lãnh đạo, thành phố về việc làm thế nào để phát triển bản thân sự nghiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng nói riêng, cũng như để phát triển trên lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa trên các lĩnh vực của thành phố nói chung, làm thế nào để Đà Nẵng có một thương hiệu văn hóa như mong đợi - trên cơ sở những chủ thể độc đáo thuận lợi riêng có của mình"- ông Tiếng bày tỏ quan điểm.
Trên tinh thần cởi mở, thoải mái và thẳng thắn, các văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã có nhiều kiến nghị, hiến kế trong xây dựng thương hiệu văn hóa cho thành phố. Đơn cử kiến nghị của họa sĩ Hồ Đình Nam Kha- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP, từ thành công bước đầu của con đường bích họa số 75-Nguyễn Văn Linh, TP nên đầu tư thêm một số làng bích họa với các chủ đề khác nhau đó là: Làng bích họa nông thôn mới ở Hòa Vang, Làng bích họa du lịch Lăng Ông (Q.Sơn Trà), làng Bích họa truyền thống Nam Ô (Liên Chiểu)... nhằm kích cầu cho du lịch cộng đồng phát triển. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cũng đề nghị Đà Nẵng quan tâm, đầu tư xây dựng những công trình tượng đài văn hóa có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Theo đó, ông Kha kiến nghị xây công trình tượng Vua Lê Thánh Tông hoặc danh tướng Thoại Ngọc Hầu với chủ đề "Người đi mở cõi".
Đại diện Hội Nhiếp ảnh đề nghị mở cuộc thi ảnh online về TP Đà Nẵng nhằm quảng bá hình ảnh của thành phố đến với bạn bè trong nước và quốc tế; hình thành những tuyến đường nhiếp ảnh trên địa bàn TP. Ông Trà Xuân Phương- Chủ tịch Hội Điện ảnh TP đề nghị xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm liên hoan phim tài liệu của cả nước và quốc tế. Đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu kiến nghị lãnh đạo thành phố về việc xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm liên hoan sân khấu tuồng và hô hát bài chòi...
"Đặt hàng" với văn nghệ sĩ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đồng ý các ý kiến, hiến kế của các văn nghệ sĩ TP, cho rằng các hiến kế này đều nằm trong nguồn lực của TP có thể làm được. Tuy nhiên, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, chủ đề tọa đàm là về xây dựng thương hiệu văn hóa của Đà Nẵng nên phải bàn cho được xây dựng thương hiệu gì cho văn hóa Đà Nẵng. "Đã là thương hiệu thì phải đặc thù, phải có cái riêng. Vậy cái riêng, cái đặc thù của Đà Nẵng trong lĩnh vực văn hóa là gì? Cần được xác định vấn đề này?"- ông Triết nói. Theo đó, ông Triết cho rằng cần đặt hàng cho Liên hiệp các Hội VHNT trong việc xác định giúp cho Đà Nẵng xây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng bao gồm những nội hàm gì, để từ đó xây dựng thương hiệu. Phó Bí thư cũng đồng ý cần đầu tư thêm nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, và đầu tư phải ngang bằng với KT-XH. Ngoài ra, ông Triết cũng đề nghị với Bí Thư Thành ủy về việc nghiên cứu, xây dựng nghị quyết về phát triển văn hóa trên địa bàn TP; đồng thời đề nghị UBND TP quan tâm, xem xét đến cơ chế xã hội hóa đối với các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP. Và, mấu chốt vấn đề trong xây dựng thương hiệu văn hóa của Đà Nẵng, theo ông Triết quan trọng nhất vẫn là con người, cách ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, để tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị thì tâm hồn, năng lực và năng khiếu của người nghệ sĩ rất quan trọng. Bên cạnh đó sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền. Và đối với lĩnh văn hóa nghệ thuật thì không nên có sự chỉ đạo rập khuôn, sẽ vô hình trung đánh mất đi tư duy đổi mới, sáng tạo của văn nghệ sĩ. Chủ tịch TP Lê Trung Chinh rất thống nhất về vấn đề "đặt hàng" đối với văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Chinh, sự đặt hàng xuất phát từ nhu cầu bảo tồn và tuyên truyền các giá trị văn hóa vốn có của Đà Nẵng; đặt hàng từ nhu cầu của xã hội cần có những sản phẩm văn hóa... Theo đó, Chủ tịch TP cho rằng, Liên hiệp các Hội VHNT sẽ là "tổng chỉ huy" trong vấn đề này, đề xuất các danh mục đặt hàng để TP xem xét, hỗ trợ đặt hàng các sản phẩm. Chủ tịch TP giao cho Sở VHTT tổng hợp các kiến nghị và có nghiên cứu kỹ để khi triển khai thì được nhân dân đồng tình. "TP rất cầu thị, lắng nghe; luôn luôn đồng hành hỗ trợ cho văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo"- Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh chia sẻ.
Kết luận tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao những thành quả và những đóng góp mà văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua. Theo đó, Liên hiệp các Hội VHNT TP cùng các hội chuyên ngành đã làm tốt chức năng tập hợp các hội viên, sáng tác nhiều tác phẩm, công trình VHNT có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân TP. Theo Bí thư Thành ủy, các tác phẩm, công trình sáng tạo của các hội viên đã phản ánh chân thực công cuộc đổi mới của các phong trào, hành động của các tầng lớp nhân dân TP, khẳng định nhân tố mới, điển hình, đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác, sự tha hóa, biến chất về lối sống, đạo đức của một bộ phận xã hội. Bí thư lấy làm tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh khi cho rằng, TP chính là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật và các sáng tác, sáng tạo của người nghệ sĩ đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển của TP...
Trên cơ sở khẳng định, động lực phát triển cho xã hội hiện nay chính là văn hóa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị trong thời gian tới, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT tiếp tục làm tốt vai trò lãnh đạo, định hướng cho các hoạt động của các hội nghề nghiệp, bám sát vào Nghị quyết của Đảng bộ TP và chương trình hành động số 01 (10-12-2020) liên quan đến lĩnh vực VHNT. Trong đó phải làm tốt công tác tham mưu trong việc hình thành các giá trị bản sắc văn hóa riêng, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng. Song hành cùng đó là làm tốt vai trò là người góp ý, phản biện cho những sản phẩm văn hóa. Bên cạnh đó, Bí thư cũng đề nghị các sở ngành khi triển khai các vấn đề liên quan đến văn hóa, VHNT thì phải lấy ý kiến Liên hiệp các Hội VHNT và các hội chuyên ngành về các chủ đề. Đây chính là cách đặt hàng đối với giới văn nghệ sĩ. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Ban cán sự đảng chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của các hội chuyên ngành nghề nghiệp. Nhân buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy đã tặng cho Liên Hiệp các Hội VHNT 50 triệu đồng.
Xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo TP, thay mặt giới văn nghệ sĩ, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Bùi Văn Tiếng cho rằng, với sự quan tâm này đã chắp cánh để giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng thêm hăng say lao động, sáng tạo.