Lãnh đạo y tế toàn cầu kêu gọi EU hành động trước nguy cơ Mỹ cắt giảm viện trợ

Ngày 28/3, theo báo Potilico, các lãnh đạo y tế toàn cầu đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) khẩn trương hành động nhằm bảo vệ các chương trình y tế cứu người trong bối cảnh nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, cắt giảm mạnh chi tiêu cho viện trợ phát triển quốc tế.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện ở Lusaka, Zambia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện ở Lusaka, Zambia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong các cuộc trao đổi với báo Politico, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo việc Mỹ giảm tài trợ đe dọa tới tính mạng của hàng triệu người và có thể đảo ngược hàng thập kỷ nỗ lực trong phòng ngừa, điều trị các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, lao và sốt rét. Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, ông Peter Sands nhấn mạnh rằng sự không chắc chắn hiện nay không chỉ đến từ Mỹ mà còn từ nhiều nhà tài trợ khác và điều này phụ thuộc phần lớn vào ý chí chính trị.

Ngay sau khi nhậm chức vào hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đồng thời cắt giảm hơn 80% các chương trình của cơ quan này. Các sáng kiến phòng ngừa HIV, lao và sốt rét đều nằm trong danh sách cắt giảm. Chính quyền Mỹ hiện cũng đang rà soát lại chính sách viện trợ nước ngoài dưới phương châm “Nước Mỹ trên hết”, khiến nhiều tổ chức quốc tế lo ngại về nguồn tài chính trong tương lai.

Không chỉ Mỹ, xu hướng cắt giảm viện trợ phát triển còn lan rộng sang nhiều nước khác. Hồi tháng 2, Anh thông báo chuyển trọng tâm ngân sách sang quốc phòng, kéo theo việc cắt giảm chi tiêu phát triển quốc tế. Hà Lan tuyên bố giảm viện trợ nước ngoài 2,4 tỉ euro (khoảng 2,59 tỷ USD), trong khi Đức và Pháp cũng đã cắt ngân sách viện trợ hơn 3 tỉ euro (khoảng 3,24 tỷ USD) từ năm ngoái.

Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu kêu gọi EU phát huy vai trò đầu tàu. Bà Sania Nishtar, Giám đốc điều hành Gavi - Liên minh vắc-xin, nhấn mạnh rằng khi nhiều quốc gia quay lưng với viện trợ phát triển, EU cần thể hiện cam kết duy trì hợp tác, đặc biệt với châu Phi. Bà cho rằng an ninh y tế là một thành tố quan trọng trong chiến lược an ninh tổng thể của châu Âu.

Cả Quỹ Toàn cầu và Gavi đều chuẩn bị bước vào vòng vận động tài trợ mới trong năm nay. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Quỹ Toàn cầu, đóng góp 1,7 tỉ USD trong năm 2024 và 300 triệu USD cho Gavi. Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cam kết tài trợ ít nhất 1,58 tỉ USD trong giai đoạn 5 năm. Việc cắt giảm các khoản tài trợ này được đánh giá là có thể gây tác động lớn.

Theo thống kê, Gavi đã tiêm chủng cho hơn 1,1 tỉ trẻ em trong 25 năm qua, góp phần cứu sống gần 19 triệu người. Bà Nishtar khẳng định tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất về chi phí và cho rằng đã đến lúc EU cần hành động để bảo vệ thành quả này.

Về phần mình, Quỹ Toàn cầu cho biết đã giúp giảm 61% tỷ lệ tử vong do AIDS, lao và sốt rét trong hai thập kỷ, tương đương 65 triệu người được cứu sống. Giám đốc điều hành Peter Sands cảnh báo hiện có khoảng 25 triệu người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus nhờ nguồn tài trợ của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu. Nếu các chương trình này bị gián đoạn, rủi ro sức khỏe cộng đồng sẽ gia tăng đáng kể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng việc Mỹ cắt giảm tài trợ sẽ gây “tác động tiêu cực” đối với các chương trình phòng chống bệnh lao trên toàn cầu, trong bối cảnh tỷ lệ mắc lao ở trẻ em tại châu Âu đang tăng 10%. Lĩnh vực phòng và chống sốt rét cũng đang bị đình trệ do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, tình trạng kháng thuốc và xung đột, khiến nguy cơ tụt lùi trong phòng chống bệnh ngày càng rõ rệt.

Các chuyên gia cảnh báo những cắt giảm viện trợ này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các quốc gia thu nhập thấp, trung bình và vùng chiến sự.

Tại Ukraine và Đông Âu, Giám đốc điều hành Liên minh Y tế Công cộng Andriy Klepikov cho biết tổ chức của ông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi USAID cắt giảm ngân sách. Khoảng một phần ba nguồn tài trợ của liên minh này đến từ Mỹ và việc thiếu kinh phí đã buộc họ phải đình chỉ hoạt động của một số phòng khám lưu động phục vụ người dân vùng sâu vùng xa.

Ông Klepikov bày tỏ lo ngại trước thông tin Nhà Trắng đang cân nhắc đóng cửa bộ phận phòng ngừa HIV của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), gọi đó là “một thảm họa” nếu xảy ra. Ông cảnh báo rằng tình trạng này có thể dẫn đến hàng nghìn trường hợp nhiễm HIV không được chẩn đoán, gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về sức khỏe lẫn chi phí điều trị.

Hoàng Anh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lanh-dao-y-te-toan-cau-keu-goi-eu-hanh-dong-truoc-nguy-co-my-cat-giam-vien-tro-20250328130842068.htm