Lãnh tụ Hồ Chí Minh - nhà sáng tạo lý luận cách mạng

Năm 2011 khi xuất bản Hồ Chí Minh Toàn tập lần thứ ba, Hội đồng xuất bản đã giới thiệu với bạn đọc trong nước và trên thế giới rằng: '...Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ ba trở thành bộ sách kinh điển lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn cao về cách mạng Việt Nam. Bộ sách đã phản ánh thiên tài trí tuệ của vị lãnh tụ - người thầy của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng mác xít vĩ đại; đã phản ánh quá trình lịch sử đấu tranh anh dũng và thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh'(1). Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, một lần nữa chúng ta bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ và yêu quý Người bằng việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, tìm hiểu sâu sắc và vận dụng có hiệu quả hơn nữa vào thực tiễn những luận điểm cách mạng có giá trị rộng lớn và vĩnh hằng của Người.

Bác Hồ thăm bà con nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954)_Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ thăm bà con nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954)_Ảnh: Tư liệu

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” - một luận điểm cách mạng lớn lao

Trong kho tàng lý luận cách mạng vô sản thế giới, có ba khẩu hiệu nổi tiếng - ba phương châm chỉ đạo chiến lược hành động cách mạng ở ba khoảng thời gian và không gian khác nhau. Khẩu hiệu thứ nhất "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại",do C. Mác và Ph. Ăng-ghen đưa ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bất hủ năm 1848. Khẩu hiệu thứ hai "Vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới liên hiệp lại",do V.I. Lê-nin khởi xướng khi cách mạng giải phóng dân tộc chống lại ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc, đã trở thành một bộ phận không tách rời của cách mạng vô sản thế giới (V.I. Lê-nin viết cuốn "Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản" vào năm 1916). Khẩu hiệu thứ ba "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công",do lãnh tụ Hồ Chí Minh tổng kết thực tiễn và Người đã phát biểu tại buổi khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, ngày 3-3-1951, tại Chiến khu Việt Bắc.

Chúng ta hãy xem điều kiện, hoàn cảnh ra đời của các khẩu hiệu cách mạng nói trên.

Về khẩu hiệu thứ nhất:

Lịch sử phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội cho thấy, chủ nghĩa tư bản hình thành từ đầu thế kỷ thứ XVI và định hình vào đầu thế kỷ thứ XIX (Cách mạng tư sản Anh thắng lợi cuối cùng vào năm 1832; Pháp 1871; nước Đức muộn hơn, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Lúc định hình cũng là lúc chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ nhất, "rực rỡ" nhất trong tiến trình đi lên của nó. C. Mác (1818 - 1883) và Ph. Ăng-ghen (1820 - 1895) được sinh ra, trưởng thành và hoạt động đúng vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản phát triển "hùng mạnh". Các ông đã sinh sống, hoạt động ở nhiều nước tư bản lớn và mạnh nhất trong thế giới tư bản như Anh, Pháp, Đức... Ở những nước này, mâu thuẫn xã hội và cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản đã diễn ra cực kỳ gay gắt. Quá trình nghiên cứu và hình thành luận thuyết cách mạng, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã bóc trần bản chất của chủ nghĩa tư bản là bóc lột giá trị thặng dư và phát hiện ra quy luật vận động, phát triển của chủ nghĩa tư bản. Các ông là những người đầu tiên đã nhận rõ sứ mệnh lịch sử cao cả của giai cấp công nhân là người lãnh đạo quần chúng làm cách mạng vô sản, tiêu diệt xã hội tư bản, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong lúc chủ nghĩa tư bản đang phát triển ở giai đoạn "cực thịnh", giai cấp công nhân bị bóc lột đến cùng cực thì cách mạng vô sản chỉ có thể thành công một khi giai cấp vô sản ở tất cả các nước phải đồng tâm, hiệp lực một lòng, liên hiệp lại với nhau. Các ông cũng đã dự đoán, cách mạng vô sản có thể đồng thời thành công ở nhiều nước. Bởi vậy khẩu hiệu nổi tiếng, vang dội "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại"đã được C. Mác và Ph. Ăng-ghen nêu lên như một kết luận trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Về khẩu hiệu thứ hai:

V.I. Lê-nin (1870 - 1924) sinh ra, trưởng thành và hoạt động trong thời gian chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Ở giai đoạn này, song song với mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư bản ở các nước tư bản chủ nghĩa thì mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị lệ thuộc bởi chủ nghĩa đế quốc, thực dân trên khắp thế giới cũng đã phát triển tới mức ngày càng gay gắt, dữ dội. Cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Có thể nói, cống hiến to lớn về luận thuyết cách mạng vô sản của V.I. Lê-nin là, Người đã bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành yêu cầu cấp bách của các dân tộc bị áp bức. V.I. Lê-nin đã nghiên cứu hết sức sâu sắc các đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Người đã phát hiện ra quy luật phát triển không đồng đều của hệ thống chủ nghĩa đế quốc. Với quy luật đó, Người đưa ra luận điểm hoàn toàn mới, cách mạng vô sản có thể giành được thắng lợi ở một số nước, thậm chí có thể ở một nước mà ở đó là nơi tập trung những mâu thuẫn và là nơi xung yếu nhất của dây chuyền đế quốc chủ nghĩa. Từ luận thuyết đúng đắn của mình, V.I. Lê-nin đã xây dựng, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng và đã trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thành công rực rỡ, xây dựng lên Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Rõ ràng, V.I. Lê-nin đã vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác một cách đúng đắn, tiến hành cách mạng vô sản đại thành công ở nước Nga, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc, mở đầu cho công cuộc giải phóng loài người. Đó là điều kiện, là hoàn cảnh ra đời của khẩu hiệu cách mạng có sức sống mãnh liệt "Vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới liên hiệp lại".

Về khẩu hiệu thứ ba:

Lãnh tụ Hồ Chí Minh (1890 - 1969) sinh ra và lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam, một đất nước phong kiến lâu đời, bị thực dân Pháp xâm lược, đô hộ từ giữa thế kỷ thứ XIX (1858). Là một dân tộc có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm nên ngay từ lúc này, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã diễn ra liên tục, nóng bỏng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh là một nước nông nghiệp, lạc hậu, đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế yếu kém, lại phải chống chọi lại với một nước tư bản, thực dân, đế quốc "hùng mạnh" và hung bạo vào bậc nhất lúc bấy giờ quả là một bài toán chưa có lời giải. Mặc dù các phong trào yêu nước liên tục nổi lên nhưng con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước vẫn rất bế tắc, chưa có lối ra.

Trước tình cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào sống trong cảnh cùng khổ, lầm than, năm 1911, anh Ba - Nguyễn Tất Thành đã tạm biệt quê hương, đất nước, bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã đi khắp năm châu, bốn biển, ở đâu Người cũng sống hòa đồng với nhân dân lao động cần lao, cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của họ. Người đã nghiên cứu rất sâu sắc, tỉ mỉ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và các cuộc cách mạng ở nhiều châu lục, nhiều nước khác nhau (Mỹ, Anh, Đức, Pháp... và đặc biệt là các cuộc cách mạng ở nước Nga). Kết quả là năm 1925, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, thể hiện trong tác phẩm lớn Đường cách mệnh. Đây là tài liệu huấn luyện chính trị nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng và phương pháp cách mạng cho các cán bộ cách mạng Việt Nam những năm 1925 - 1927 nên Người viết rất ngắn, gọn và vô cùng súc tích, đọc đến đâu, hiểu đến đó. Trong câu hỏi "Cách mệnh Nga đối với cách mệnh An Nam như thế nào ?",Người nói: "Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin"(2).Tác phẩm quan trọng này được xuất bản lần đầu tiên tại Quảng Châu, Trung Quốc năm 1927 và là tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên của Đảng ta. Trước đó, tác phẩm “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ” (năm 1924), trong Hồ Chí Minh: Toàn tập đã lập luận rất rõ rằng: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung "cơ sở lịch sử" của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được.

Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì ? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại.

... Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các xô viết đảm nhiệm (Ban Thuộc địa của chúng tôi vừa nhận được thư mời chúng tôi tham gia công tác này"(3). Luận điểm này, trước ngày tổng khởi nghĩa, Bác đã giải thích rất đơn giản nhưng cực kỳ rõ ràng: Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO.

Nếu chúng ta đọc từ trang thứ nhất tập 1 đến trang cuối cùng của tập 15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản năm 2011, thì sẽ nhận thấy rằng, từ khi chưa thành lập Đảng cho tới khi Đảng ta nắm chính quyền, lãnh đạo cách mạng, ở bất kỳ giai đoạn nào, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng luôn đề cao, nhấn mạnh một trong những phương pháp để bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng là tập hợp lực lượng, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước. Đây là một luận điểm cách mạng hết sức độc đáo của Người. Có thể dẫn ra hai thời điểm đất nước trong tình thế cấp bách nhất đã chứng tỏ luận điểm này có tính thực tiễn cách mạng vô cùng sâu sắc.

- Trước ngày Tổng khởi nghĩa, Người đã kêu gọi:

"Hỡi đồng bào yêu quý!

Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO.

Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước. Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) có hàng chục triệu đội viên, gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, gồm đủ các dân tộc Việt, Thổ, Nùng, Mường, Mán. Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo.

...

Hỡi đồng bào yêu quý!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"(4).

-Khi đế quốc Pháp dã tâm hòng cướp nước ta một lần nữa, Người lại kêu gọi:

"Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"(5).

Thực tiễn cho thấy, trong tất cả các tình huống cấp bách, kể cả tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập hợp và đoàn kết mọi lực lượng thành một khối vững bền mà Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác. Khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” không chỉ là một khẩu hiệu mà là một luận thuyết cách mạng sáng tạo. Trong buổi khai mạc Đại hội thống nhất Việt minh - Liên việt ngày 3-3-1951, Bác đã xúc động và nói rằng:"Một người đã cùng các vị tranh đấu trong bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân. Hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa, kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có cái tương lai "trường xuân bất lão". Vì vậy cho nên lòng tôi sung sướng vô cùng. ...Toàn dân đại đoàn kết muôn năm!"(6). Sau đó ít lâu, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập năm 1951, một lần nữa, Người nhấn mạnh"Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững tự do, dân chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước..."(7). Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người vẫn thiết tha dặn lại:Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Như vậy là xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và tổng kết các cuộc cách mạng thế giới, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vận dụng vô cùng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện một nước châu Á lạc hậu, chưa có tên trên bản đồ thế giới, vạch ra đường lối cách mạng Việt Nam chuẩn xác để giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức đô hộ của thực dân, đế quốc với khẩu hiệu bất hủ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Đường lối và phương pháp cách mạng này không chỉ có ý nghĩa trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà nó có giá trị vĩnh cửu.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” - Đường lối và phương pháp cách mạng này không chỉ có ý nghĩa trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà nó có giá trị vĩnh cửu (Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng_Ảnh: TTXVN)

Cách mạng ở một nước thuộc địa có thể xảy ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc

Đây là một luận điểm cách mạng sáng tạo và độc đáo của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong tháng 6 và tháng 7-1920, V.I. Lê-nin đã soạn thảo một loạt các văn kiện quan trọng, trong đó có hai văn kiện nói về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa để báo cáo trước Đại hội II Quốc tế Cộng sản. V.I. Lê-nin đã đánh giá rất cao vai trò cách mạng của các dân tộc thuộc địa, Người nói: "Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng"(8). Theo thống kê của V.I. Lê-nin thì khi ấy toàn bộ dân số thế giới có chừng 1 tỷ 750 triệu người thì 1 tỷ 250 triệu người, tức là khoảng 70% dân số thế giới là nhân dân các dân tộc bị áp bức, là thuộc địa hoặc nửa thuộc địa. Bởi vậy phải kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng ở chính quốc với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ, giai cấp vô sản chính quốc phải tận tình giúp đỡ giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa thì cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa mới có thể thành công. Trong báo cáo ngày 20-7-1920, V.I. Lê-nin nói: "Không thể chối cãi được rằng giai cấp vô sản của những nước tiên tiến có thể và phải giúp đỡ quần chúng lao động ở các nước lạc hậu, và khi giai cấp vô sản chiến thắng của các nước cộng hòa xô-viết chìa tay cho những quần chúng đó và có khả năng ủng hộ họ thì các nước lạc hậu đó có thể ra khỏi giai đoạn phát triển hiện nay của họ"(9).

Ngày 25-5-1922, trên báo Nhân Đạo (L'Humanite), Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: "Trong những luận cương về vấn đề thuộc địa, Lê-nin đã tuyên bố rõ rệt rằng "nhiệm vụ của công nhân ở các nước đi chiếm thuộc địa là phải giúp đỡ một cách tích cực nhất phong trào giải phóng của các nước phụ thuộc"(10). Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh to lớn và tinh thần dũng cảm cách mạng của các dân tộc bị áp bức như V.I. Lê-nin đã khẳng định, nhưng Nguyễn Ái Quốc xuất thân từ một dân tộc đang bị áp bức, bóc lột, một đất nước thuộc địa của thực dân Pháp; Người lại có thực tế của nhiều nước thuộc địa trên khắp các châu lục mà Người đã từng đến, nên trong tư tưởng của Người đã xuất hiện rất sớm tính chủ động cách mạng của các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Từ đó, Người đề xuất luận điểm: Cách mạng giải phóng dân tộc phải chủ động và rất có thể giành được thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Với thắng lợi đó, cách mạng giải phóng dân tộc sẽ có tác động mạnh mẽ đến cách mạng vô sản ở chính quốc. Trong tác phẩm “Đông Dương”,tháng 5-1921, Người nhận định: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn"(11).Tư tưởng tiên phong của Người đã trở thành đường lối cách mạng của Đảng ta. Đảng ta không chờ đợi cách mạng vô sản Pháp và cách mạng vô sản các nước tư bản khác thành công để tạo thời cơ thuận lợi cho chúng ta rồi chúng ta mới làm cách mạng, mà với luận điểm của Nguyễn Ái Quốc: Cách mạng giải phóng dân tộc phải chủ động và rất có thể giành được thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc,Đảng ta đã bám sát tình hình thế giới và trong nước từ năm 1941, nắm chắc thời cơ có một không hai vào đầu năm 1945 để phát động các cuộc khởi nghĩa từng phần, tiến đến cuộc Tổng khởi nghĩa và đã giành được thắng lợi vĩ đại vào Tháng Tám năm 1945 với dũng khí đem sức ta mà giải phóng cho ta,trong khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa nổ ra.

Luận điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền

Ngày 18-6-1919, tại Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc đã gửi Tổng thống Mỹ và trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Véc-xây một giác thư kèm theo bản Yêu sách của nhân dân An Nam.Trong bản yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc nói là những yêu sách khiêm tốn có 8 điểm thì có 2 điểm (2 và 7) nói về pháp luật: "2. Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

...

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; "(12).

Đến năm 1921, khi chuyển Yêu sách của nhân dân An Nam từ văn xuôi sang văn vần với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca,Nguyễn Ái Quốc viết:

"Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.
Những tòa đặc biệt bất công,
Dám xin bỏ dứt rộng dung dân lành...
Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(13).

Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu, ngay từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một luận điểm cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước, đó là việc điều hành hoạt động của một xã hội, của một đất nước phải bằng Hiến pháp, pháp luật. "Thần linh pháp quyền" - ngôn ngữ những năm 20 của thế kỷ trước nhưng rất đúng với tinh thần "Nhà nước pháp quyền" ngày nay.

Tư tưởng, quan điểm đúng đắn của Người đã biến thành đường lối xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Tuyên ngôn Độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài hai nhiệm vụ chống đói và chống nạn mù chữ ngay lập tức cho nhân dân được đặt lên hàng đầu, thì một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng tiếp theo là xây dựng Nhà nước. Người nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay một cuộc TỔNG TUYỂN CỬvới chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v.."(14).

Chúng ta đều biết, 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước (1945 - 1969), Người đã trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo hai bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959 và 613 sắc lệnh, trong đó có tới 243 sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước và pháp luật. Một trong những luận điểm cực kỳ quan trọng của Người, đó là quyền con người (quyền bình đẳng giữa những con người trong xã hội) đã được Người nêu lên từ năm 1919. Luận điểm này đã trở thành đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Ngay trong Hiến pháp năm 1946, Điều 6 đã chỉ rõ: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa".Các Hiến pháp sau này tiếp tục kế thừa tinh thần của điều này như Hiến pháp năm 1992, Điều 52 quy định: "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật".Hiến pháp năm 2013, Điều 14 chỉ rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.Và Điều 16 tiếp tục khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Cho đến nay đã có hàng chục ngàn bài báo, cuốn sách trên khắp các châu lục viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầu như tất cả đều khâm phục, đều đánh giá tư tưởng của Người như là một học thuyết cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chỉ xin được dẫn ra đây một trong những lời nói chân thành và giản dị. Trong tác phẩm Hồ Chí Minh, tác giả Giăng La-cu-tuya (người Pháp) đã khẳng định: "Trên thế giới hiện nay không có lãnh tụ nào đối với nhân dân mình vừa là người phát sinh, vừa là người bảo vệ; vừa là nguồn gốc, vừa là phương hướng; vừa là tư tưởng, vừa là thực hành; vừa là dân tộc, vừa là cách mạng; vừa là người Bác nhân hậu, vừa là vị tướng cầm quân"và "Qua những lời dạy của Người,... các chân lý lớn của thời đại được diễn đạt trong những lời giản dị và hàm súc"(15).

------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, trang XXIX
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 304
(3)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 509-510
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 595-596
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 534
(6) (7)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 47-48, tr. 164-165
(8) (9) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 41, tr. 199, 294-295
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 80, 48
(12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 469, 472-473. Xin lưu ý, trong nguyên tác, câu "hai xin phép luật sửa sang", phépluật chứ không phải phápluật như một số sách báo đã in; tương tự như vậy, câu "Trăm đều phải có thần linh pháp quyền", theo đúng nguyên tác "trăm đều",chứ không phải "trăm điều".
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7
(15) Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội và Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, Hà Nội, 1993, tr. 51, 113.

Theo TS. BÙI NGỌC THANH/Tạp chí Cộng sản

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/lanh-tu-ho-chi-minh-nha-sang-tao-ly-luan-cach-mang-35812.html