Lào Cai: Công tác phòng chống tảo hôn còn nhiều nan giải

Mặc dù từ nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai nhiều chương trình tuyên truyền phòng chống tảo hôn nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn còn nhiều nan giải. Thậm chí có xu hướng gia tăng.

 Hội LHPN thành phố Lào Cai tổ chức truyền thông tuyên truyền phòng chống tảo hôn tại cơ sở

Hội LHPN thành phố Lào Cai tổ chức truyền thông tuyên truyền phòng chống tảo hôn tại cơ sở

Tình trạng tảo hôn và sinh con dưới 18 tuổi có xu hướng tăng

Hàng năm UBND tỉnh Lào Cai đều chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động 100% xã, thôn, bản, hộ gia đình, dòng họ, thầy mo, thầy cúng, ông mai, bà mối,… vùng đồng bào dân tộc thiểu số ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình. 100% học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, thanh thiếu niên (không phải là học sinh) vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân, gia đình và tác hại, hậu quả của tảo hôn, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Thế nhưng, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, năm 2024, mục tiêu đề ra là tiếp tục giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2023. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 53 người tảo hôn, tương đương 42,74% so với năm 2023.

Về thực hiện can thiệp làm giảm số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con: Theo chỉ tiêu giao, năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục giảm 25% số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con so với năm 2023. Kết quả Báo cáo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 375 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con, tăng 7,76% so với 6 tháng đầu năm 2023. Như vậy, mục tiêu giảm đã không đạt được, mà còn có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và có những giải pháp khắc phục những tồn tại trong công tác phòng chống tảo hôn

Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và có những giải pháp khắc phục những tồn tại trong công tác phòng chống tảo hôn

Đây là con số rất đáng lo ngại, có thể khiến tỉnh Lào Cai không đảm bảo được mục tiêu đề ra trong công tác phòng chống tảo hôn và phụ nữ sinh con khi dưới 18 tuổi trên địa bàn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai thẳng thắn cho rằng: Một số địa phương, cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thiếu sự chỉ đạo cụ thể. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và triển khai thực hiện phòng, chống tảo hôn còn hạn chế, chủ yếu là tuyên truyền tập trung vào một số đối tượng, chưa tuyên truyền sâu, rộng khắp tới các thôn bản và toàn thể nhân dân. Một số gia đình chưa quan tâm, có sự buông lỏng con cái, còn tư tưởng chấp nhận, chiều theo ý thích của con cái, coi tảo hôn là việc bình thường trong cuộc sống. Công tác phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ nên chưa kịp thời phát hiện các trường hợp tảo hôn.

Cần đẩy mạnh công tác phòng chống tảo hôn đồng bộ, hiệu quả

Trước những vấn đề còn nhiều tồn tại như trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai đã đề ra những giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới, với nhiều mục tiêu cụ thể, đó là:

Tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là nhóm học sinh nghỉ hè để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn.

Nâng cao nhận thức cho người dân về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các chế tài về xử phạt hành chính và hình sự liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội nghị truyên truyền phòng chống tảo hôn ở Lào Cai

Hội nghị truyên truyền phòng chống tảo hôn ở Lào Cai

Nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc thiểu số và cán bộ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở. Các thành viên được phân công theo dõi, phụ trách các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định.

Về phía Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã: Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đảm bảo đạt được mục tiêu của tỉnh đã đề ra trong năm 2024; rà soát, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn.

Tăng cường đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa. Tổ chức phát động chiến dịch phòng, chống tảo hôn; tổ chức cho các hộ gia đình, học sinh ký cam kết không tảo hôn.

Nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc thiểu số và cán bộ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở.

Tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm. Trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật. Từ đó tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất.

Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Tảo hôn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào phòng ngừa và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát; rà soát tổng hợp số vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Tổ chức sơ, tổng kết công tác tuyên truyền, vận động tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thực hiện Mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.

Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các dân tộc có dân số rất ít người.

Tăng cường lồng ghép kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kiên quyết xử lý những người vi phạm về tảo hôn hoặc các hành vi khác vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật.

Hoàng Thủy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lao-cai-cong-tac-phong-chong-tao-hon-con-nhieu-nan-giai-20240807134154612.htm