Lào Cai đưa 'dân vận khéo' đi vào chiều sâu

Về công tác dân vận, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: 'Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo trong vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

 Vùng quê Mường Hum, Bát Xát đổi mới. Ảnh: Ngọc Bằng

Vùng quê Mường Hum, Bát Xát đổi mới. Ảnh: Ngọc Bằng

“Dân vận khéo” chính là sự đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động công tác dân vận của Đảng nhằm khắc phục bệnh thành tích, hình thức, thay vào đó là mô hình cụ thể, thiết thực nhằm tập hợp rộng rãi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Trung tâm xã Mường Hum. Ảnh: Cao Cường

Trung tâm xã Mường Hum. Ảnh: Cao Cường

Đối với Lào Cai - tỉnh vùng cao, biên giới, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn - “Dân vận khéo” là một trong những phong trào thi đua đang có sức lan tỏa và tác động tích cực. Phong trào này đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả, qua đó phát huy được thế mạnh của địa phương, huy động được nguồn lực từ người dân, từ xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.287 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 4.273 tập thể, 1.014 cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Cán bộ tuyên vận xã Pha Long, huyện Mường Khương tích cực bám sát cơ sở. Ảnh: Cao Cường

Cán bộ tuyên vận xã Pha Long, huyện Mường Khương tích cực bám sát cơ sở. Ảnh: Cao Cường

Như lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn tỉnh có 1.750 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trọng tâm là vận động các tầng lớp Nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hợp tác giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng.

Tiêu biểu như thị xã Sa Pa có các mô hình “Phát triển du lịch cộng đồng” tại các xã: Hoàng Liên, Mường Hoa, Tả Phìn, Tả Van; mô hình “Thêu thổ cẩm”, “Nuôi cá nước lạnh” tại xã Ngũ Chỉ Sơn. Huyện Mường Khương có mô hình “Nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi”; “vận động Nhân dân trồng cam, bưởi xanh, bưởi diễn” tại xã Thanh Bình và xã Nậm Chảy; mô hình “Nâng cao năng suất trồng lúa Séng cù” tại xã Lùng Khấu Nhin; mô hình “Phát triển kinh tế với mô hình trồng cây quýt” tại thị trấn Mường Khương…

 Cán bộ tuyên vận xã Bản Phiệt tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất cho người dân từ trên nương, trên đồi. Ảnh: Cao Cường

Cán bộ tuyên vận xã Bản Phiệt tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất cho người dân từ trên nương, trên đồi. Ảnh: Cao Cường

Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đa dạng, phong phú, với 1.767 mô hình, trong đó nhiều mô hình đi vào chiều sâu, từng bước trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của tập thể, cá nhân, địa phương, đơn vị. Có nhiều mô hình, điển hình đăng ký các phần việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc...

Có thể kể đến mô hình “Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc câu lạc bộ khèn Mông Bắc Hà”; mô hình “Thu gom chất thải trong chăn nuôi”; “Xây dựng điểm sinh hoạt tôn giáo bình yên” tại xã Tả Củ Tỷ, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà); mô hình “Trường học không có học sinh tảo hôn, học sinh bỏ học” tại Trường THCS xã Lùng Vai (huyện Mường Khương); mô hình “Dòng họ Chu nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; mô hình “Dòng họ Đặng hiếu học” tại huyện Bảo Yên...

 Cán bộ thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng nắm tình hình đời sống, sản xuất của người dân thôn vùng cao. Ảnh: Cao Cường

Cán bộ thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng nắm tình hình đời sống, sản xuất của người dân thôn vùng cao. Ảnh: Cao Cường

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 973 mô hình, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân; vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Điển hình như các mô hình: “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, “Tổ tự quản an ninh, trật tự khu vực biên giới”, “Tổ làng bản an ninh biên giới”, “Năm không, ba biết”, “Thôn bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Gia đình tự quản”…

 Cán bộ tuyên vận xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng về với cơ sở. Ảnh: Cao Cường

Cán bộ tuyên vận xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng về với cơ sở. Ảnh: Cao Cường

Trên địa bàn tỉnh, hoạt động “dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng có những mô hình hay, sáng tạo, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...

Điển hình như mô hình “Cải cách thủ tục hành chính - vì Nhân dân phục vụ” của Công an thành phố Lào Cai; mô hình “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân của Thanh tra Công an tỉnh”; mô hình “Nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính vì Nhân dân phục vụ” của Công an tỉnh; mô hình “Xây dựng chính quyền thân thiện” của huyện Bảo Yên…

 Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy nắm tình hình đời sống Nhân dân tại huyện Bảo Thắng. Ảnh: Thành Phú

Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy nắm tình hình đời sống Nhân dân tại huyện Bảo Thắng. Ảnh: Thành Phú

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, trong đó, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện có lúc, có nơi chưa sâu sát. Nội dung một số hoạt động còn chung chung. Hình thức và phương thức thực hiện chưa rõ nét, nhất là việc lựa chọn đăng ký mô hình còn mang tính hình thức, dàn trải, chưa sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Sự phối hợp của một số ban, ngành, đoàn thể có lúc chưa được chặt chẽ, chưa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và chưa phù hợp với từng đối tượng nên có nơi, có lúc, có mô hình, điển hình “Dân vận khéo” chưa bền vững, thiếu sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả chưa cao.

 Thông qua công tác dân vận và các mô hình "dân vận khéo", người dân ngày càng thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Trong ảnh: Đường quê xã Gia Phú trong ngày hội lớn của quê hương, đất nước. Ảnh: Cao Cường

Thông qua công tác dân vận và các mô hình "dân vận khéo", người dân ngày càng thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Trong ảnh: Đường quê xã Gia Phú trong ngày hội lớn của quê hương, đất nước. Ảnh: Cao Cường

Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, cấp ủy, tổ chức đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung. Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để không ngừng nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

 "Dân vận khéo" đòi hỏi sự tâm huyết, kiên trì, gắn chặt với cơ sở. Ảnh: Cao Cường

"Dân vận khéo" đòi hỏi sự tâm huyết, kiên trì, gắn chặt với cơ sở. Ảnh: Cao Cường

Cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần phối hợp tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích, tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân để cùng tham gia phong trào; chú trọng việc xem xét các tiêu chí, các điều kiện theo quy định của tỉnh để xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” chặt chẽ từ khâu lựa chọn mô hình đến triển khai trong thực tế.

 Một góc thành phố Lào Cai hôm nay. Ảnh: Ngọc Bằng

Một góc thành phố Lào Cai hôm nay. Ảnh: Ngọc Bằng

Trong công tác dân vận khéo, cần quan tâm đến các nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra để lựa chọn xây dựng các mô hình nổi bật. Bên cạnh đó là làm tốt công tác nắm tình hình, động viên, khích lệ kịp thời và phát triển những mô hình hiệu quả, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể, các điển hình trong thực hiện phong trào thi đua; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh bảo đảm sát thực tiễn, rõ việc và có hiệu quả...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lao-cai-dua-dan-van-kheo-di-vao-chieu-sau-post385658.html