Lào Cai: Phụ nữ Xá Phó ít có cơ hội phát triển vì hạn chế trong việc nói tiếng phổ thông
Hiện nay, một số phụ nữ người Xá Phó ở Lào Cai vẫn còn hạn chế sử dụng, giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Điều này đã tạo ra những 'rào cản' rất lớn cho quá trình hội nhập và phát triển của chị em, đặc biệt là những phụ nữ lớn tuổi.
Với đặc tính sống khá khép kín với cộng đồng các dân tộc khác, ít giao tiếp hoặc ngại giao tiếp, một bộ phận phụ nữ người Xá Phó gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Trong khi đó, việc sử dụng ngôn ngữ của người Xá Phó lại rất khó. Ngay cả các dân tộc cùng chung sống, sống đan xen với cộng đồng người Xá Phó ở lào Cai cũng rất ít người có thể sử dụng được ngôn ngữ của người Xá Phó. Không nói được nhiều tiếng phổ thông trong khi tiếng mẹ đẻ thì ít dân tộc khác hiểu được nên việc tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài càng trở nên khó khăn đối với người Xá Phó.
Chị Lý Thị Pho ở xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, cho biết: “Người phụ nữ Xá Phó lớn tuổi thường không nói tốt tiếng phổ thông, thậm chí là nói được ít hoặc không nói được. Có thể ngày trẻ họ nói được nhưng khi càng có tuổi họ càng ngại giao tiếp nên mỗi ngày lại bị lãng quên".
Do gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi dù được tổ chức nhưng chị em khó hiểu, khó lĩnh hội. Vì vậy, việc áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống không được nhiều. Mọi việc liên quan tới việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông chủ yếu lệ thuộc vào người đàn ông trong gia đình.
Ông Lý Ngọc Sáng, ở xã Hợp Thành, chia sẻ: “Người Xá Phó xưa kia đa phần cư trú ở những địa bàn khó khăn, đường sá đi lại không thuận lợi, người dân cư trú thì lại theo nương rẫy dẫn đến việc giao lưu với các dân tộc khác cũng hạn chế”.
Cũng vì những hạn chế đó mà chị em không đủ tự tin tiếp cận thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng thổ cẩm do mình làm ra. Phần lớn họ phải trông chờ vào các tiểu thương hoặc các công ty thu mua sản phẩm ở thị xã Sa Pa dẫn đến thu nhập thấp, bấp bênh.
Chị Má Thị Hoa ở Sa Pa, cho hay: “Mặc dù ở Sa Pa có nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia bán hàng cho khách du lịch nhưng đa phần là người Mông, người Dao, người Tày, người Giáy, còn người phụ nữ Xá Phó thì rất hiếm, thậm chí là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi họ đều gặp khó khi giao tiếp với khách du lịch, bất kể là người Việt hay người nước ngoài. Điều này trái ngược hoàn toàn với các dân tộc khác ở Sa Pa”.
Theo bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Chính sách pháp luật, Hội LHPN tỉnh Lào Cai: "Thời gian qua, các cấp, các ngành ở Lào Cai cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền giúp chị em mạnh dạn giao tiếp, tiếp cận với thị trường để nâng cao tính chủ động, tự tin trong việc tiếp cận, giao lưu với không gian bên ngoài cộng đồng. Từ đó có thể giúp chị em đổi thay, vượt qua những rào cản về ngôn ngữ mà họ đang gặp phải".